Lưới điện California và Texas rất khác nhau, nhưng đều 'thất thủ'

Những vụ cúp điện trên diện rộng khiến công chúng Mỹ phải nhìn nhận lại liệu các công ty và đơn vị quản lý năng lượng đang chuẩn bị đầy đủ cho biến đổi khí hậu và thiên tai.

23:30 22/02/2021

Những năm qua, cứ mỗi khi vào mùa cháy rừng và bão nhiệt, California buộc phải ngừng cấp điện cho hàng triệu hộ gia đình và cơ sở kinh doanh. Giờ đây, bão tuyết và thời tiết giá rét chết người cũng đẩy Texas cũng vào tình cảnh tương tự.

Chính quyền hai bang lớn nhất nước Mỹ có những chính sách năng lượng rất khác nhau. Texas nới lỏng và tự do hóa quyết liệt, cho phép thị trường tự điều chỉnh, trong khi California ủng hộ siết chặt quản lý.

Tuy nhiên, người dân Mỹ dù ở Texas hay California đều đang đối diện thực tế đáng lo ngại: hệ thống hạ tầng cả hai bang chưa có đủ sự chuẩn bị cho tần suất và mức độ ngày một khắc nghiệt của các đợt thiên tai, gây nên bởi biến đổi khí hậu toàn cầu.

My mong manh truoc bien doi khi hau anh 1

Manessa Grady và các con phải sống trong cảnh mất điện, tương tự hàng triệu cư dân của Texas trong tuần qua, giữa thời tiết giá lạnh. Ảnh: New York Times.

Cứ khủng hoảng là mất điện

Những vụ cúp điện tại Texas và California cho thấy các nhà máy điện tại Mỹ thường xuyên đứng trước nguy cơ quá tải và không thể tiếp sức cho lưới điện toàn bang khi thời tiết cực đoan - quá nóng hoặc quá lạnh - ập đến.

Những tình huống này đã được giới chuyên gia cảnh báo từ lâu khi nói đến biến đổi toàn cầu. Khí hậu cực đoan sẽ diễn ra với tần suất ngày một thường xuyên, khi khí nhà kính tích tụ ngày càng nhiều trong khí quyển Trái Đất.

Texas phụ thuộc vào động lực thị trường để cân bằng lưới điện toàn bang. Nếu không đủ nguồn cung, giá điện trên thị trường bán sỉ sẽ tăng vọt, khuyến khích các công ty sản xuất điện nhiều hơn và người tiêu dùng, doanh nghiệp tiêu thụ ít lại. Trong khi đó, California yêu cầu các nhà sản xuất năng lượng duy trì năng lực dư thừa để sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.

Tuy nhiên, cả hai mô hình đều thất bại trong khủng hoảng. Vấn đề chung của cả Texas lẫn California là nhà máy điện truyền thống "mong manh" hơn những gì người trong ngành chịu thừa nhận, theo Jay Apt, đồng giám đốc Trung tâm Công nghiệp Điện Carnegie Mellon.

"Những nhà máy điện than lẫn điện khí đốt đều gặp vấn đề trong thời tiết nóng hoặc lạnh", ông lưu ý.

Vào tháng 8/2020, một số nhà máy điện chạy bằng khí đốt ở California phải ngừng hoạt động vì thiết bị hỏng hóc trong thời tiết nóng. Một số nhà máy khác lại bắt đầu bảo trì đúng vào giai đoạn nhu cầu điện tăng vọt.

Còn ở Texas tuần qua, nhiều nhà máy chạy bằng khí đốt cũng dừng hoạt động hoặc giảm quy mô vì trang thiết bị đã đóng băng vì bão tuyết. Một số nhà máy không thể cung cấp đủ năng lượng khi hệ thống đường ống khí đốt đóng băng, hoặc không nhận đủ khí đốt từ các mỏ cùng vì băng giá.

Pedro J. Pizarro, chủ tịch kiêm CEO Edison International, công ty mẹ của đơn vị tư nhân cung cấp năng lượng lớn thứ hai California, thừa nhận không công ty nào ở Texas lẫn California chuẩn bị trước cho hiện tượng thời tiết cực đoan mà hai bang vừa trải qua.

"Tôi xin công nhận rằng vụ việc ở Texas và vụ việc ở California là những ví dụ điển hình cho thực tế chúng ta đang sống trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu. Hệ thống lưới điện cần được đảm bảo đủ năng lực thích nghi với tình trạng bình thường mới", ông nói.

My mong manh truoc bien doi khi hau anh 2

California thường xuyên xảy ra tình trạng cúp điện trên diện rộng vào mùa cháy rừng khi thiết bị trong nhà máy điện hỏng hóc vì thời tiết nóng. Ảnh: Reuters.

Thách thức từ biến đổi khí hậu

Câu chuyện của Texas và California cũng đại diện cho thách thức to lớn đối với mục tiêu đầy tham vọng của Tổng thống Joe Biden. Ông muốn hiện đại hóa hệ thống điện toàn quốc trước năm 2035, vận hành toàn bộ bằng turbine gió, panô mặt trời, pin và các những công nghệ không phát thải nhà kính.

Chính quyền liên bang và ngành năng lượng Mỹ có thể phải tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD để tăng khả năng chống chọi của lưới điện trước thiên tai, biến đổi khí hậu và chuyển dịch khỏi nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Điều này đã được giới học giả cảnh báo là con đường đầy gian nan. Lưới điện Mỹ, vốn được vận hành khác nhau giữa các vùng, đang dần quá tải và cần nâng cấp quy mô lớn.

"Chúng ta cần thay đổi mô hình, đặc biệt là với các tiện ích công. Chúng đang trở nên dễ bị tổn thương hơn khi đứng trước thiên tai. Mọi người luôn cần nghĩ đến kịch bản tồi tệ nhất, vì khả năng cao là kịch bản đó sẽ xảy ra", Najmedin Meshkati, chuyên gia tại Đại học Nam California, nhận định.

Theo Meshkati, Tổng thống Biden cần thành lập một ủy ban điều tra những thất bại ở hệ thống lưới điện của Texas và California để đưa ra khuyến nghị điều chỉnh.

Ý tưởng này có thể gặp trắc trở vì quản lý tiện ích công chủ yếu thuộc về quyền hạn của chính quyền cấp bang, còn vai trò liên bang vẫn rất hạn chế. Không chỉ vậy, kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu liên bang cũng khó qua được ải Thượng viện, khi đảng Dân chủ chỉ chiếm được 1/2 số ghế còn phe Cộng hòa liên tục phản đối các chính sách cắt giảm khí thải nhà kính.

Ở Texas lẫn California, những chính trị gia theo trường phái bảo thủ vẫn cho rằng năng lượng tái tạo mới là nguyên nhân gây ra cúp điện.

Thực tế là các chuyên gia năng lượng, đơn vị quản lý lưới điện và công ty cung cấp tiện ích công đã khẳng định những cánh đồng điện gió và điện Mặt Trời chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong hệ thống. Nguyên nhân chủ yếu cho tình trạng cúp điện vẫn là quy hoạch yếu kém và bất cập trong nguồn cung khí đốt cùng các nguồn năng lượng khác.

Dan Reicher, giám đốc sáng lập Trung tâm Steyer-Taylor về Chính sách Năng lượng và Tài chính tại Đại học Stanford, cũng tán thành quan điểm trên. Ông kêu gọi ngành năng lượng, các lãnh đạo hệ thống lưới điện và đơn vị quản lý xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả hơn với những đợt bão, khí hậu lạnh và bão nhiệt.

"Nếu chúng ta không cùng hành động cải thiện lưới điện Mỹ, chúng ta sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay", ông nhấn mạnh.

Tags:
Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất