Lý do Biden chưa điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc

Biden tuyên bố sẽ không tiếp nối chính sách với Trung Quốc của Trump, nhưng việc kết nối với ông Tập phức tạp hơn so với dự đoán.

09:30 10/02/2021

Trung Quốc và Mỹ vẫn tìm kiếm cơ hội phù hợp để lãnh đạo hai nước có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nhậm chức. Đôi bên đều mong muốn định hình lại mối quan hệ phức tạp giữa họ, nhưng cả hai phía đều giữ kỳ vọng thấp và ít người tin rằng một cuộc gọi giữa hai lãnh đạo sẽ báo trước bước thay đổi nhanh chóng.

Các cuộc thảo luận về việc thiết lập cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khó khăn hơn so với dự đoán ban đầu của một số người, phản ánh khoảng cách vời vợi đang khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng cách xa nhau, chuyên gia đánh giá.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Joe Biden khi là Phó tổng thống Mỹ năm 2015. Ảnh: AP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và ông Joe Biden khi là phó tổng thống Mỹ năm 2015. Ảnh: AP

Trong một cuộc phỏng vấn với CBS ngày 7/2, Tổng thống Biden cho biết hai bên "chưa có dịp nói chuyện với nhau" nhưng thêm rằng "không có lý do gì để không gọi" cho Chủ tịch Trung Quốc.

Theo một nguồn tin từ phía Trung Quốc, hai bên ban đầu đều hy vọng dịp Tết Nguyên đán sắp tới là một cơ hội sớm giúp phá băng quan hệ, song triển vọng đang mờ dần.

Trong một cuộc điện đàm hôm 6/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Dương Khiết Trì, cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu cho Chủ tịch Tập, đã nêu lên những kỳ vọng và "mối quan tâm cốt lõi" của họ. Những cuộc điện đàm như vậy theo truyền thống thường là nhằm hướng tới sắp xếp cuộc nói chuyện giữa lãnh đạo cao nhất hai nước.

Nhưng khác biệt vẫn còn rất lớn. Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ sẽ kiên quyết đấu tranh bảo vệ nhân quyền và "buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm vì những động thái đe dọa ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Trong khi đó, ông Dương nhấn mạnh Đài Loan là vấn đề nhạy cảm nhất đối với Trung Quốc và rằng Washington không nên can dự vào vấn đề nội bộ của họ ở Tây Tạng, Tân Cương, Hong Kong.

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua hôm 8/2 đăng một bài bình luận nói hai nước cần "đối thoại thẳng thắn và mang tính xây dựng" để hiểu rõ hơn về ý định chiến lược của mỗi bên và xây dựng lại lòng tin.

Bài viết cho rằng đã đến lúc Mỹ nên làm theo lời khuyên từ Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng nước này, người giúp thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung vào những năm 1970, đồng thời hai bên nên "hợp nhất những nỗ lực của mình, không phải để làm rung chuyển thế giới mà để xây dựng nó".

Tổng thống Biden cho hay ông biết "khá rõ" về Chủ tịch Tập sau 8 năm giữ cương vị phó tổng thống dưới thời chính quyền Barack Obama. "Tôi có lẽ dành thời gian cho ông Tập hơn bất kỳ lãnh đạo thế giới nào khác", Biden nói trong cuộc phỏng vấn với CBS.

Tân tổng thống Mỹ thêm rằng cách tiếp cận của ông đối với Trung Quốc sẽ khác so với người tiền nhiệm Donald Trump và Chủ tịch Tập cũng biết điều đó bởi ông ấy "đang phát đi những tín hiệu".

"Chúng ta không nhất thiết phải có xung đột nhưng sẽ có cạnh tranh gay gắt", Biden nói. "Tôi sẽ không làm theo cách Trump từng làm mà chúng tôi sẽ tập trung vào những quy tắc quốc tế trên lộ trình của mình".

Theo một cố vấn nhà nước Trung Quốc giấu tên, cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo sớm hay muộn sẽ diễn ra, nhưng vấn đề quan trọng hơn là liệu nó có thể tác động tới mối quan hệ đến đâu. "Cả hai lãnh đạo đều hiểu đối phương đã thay đổi rất nhiều và trở nên đối địch hơn trong vài năm qua", người này nói.

Trước khi nhậm chức, Biden không ít lần ngụ ý chính quyền của ông sẽ không hấp tấp định hình chính sách Trung Quốc mà sẽ dành thời gian xem xét lại các thỏa thuận từ thời tổng thống Trump. Chính quyền Mỹ mới cũng sẽ củng cố quan hệ với các nước có cùng quan điểm nhằm củng cố vị thế trước khi có hành động thực chất với Bắc Kinh.

Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại hồi tuần trước, Tổng thống Biden gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh khốc liệt nhất" của Mỹ, đồng thời cam kết "đối đầu với các hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, chống lại những hành động gây hấn, cưỡng ép và đẩy lùi cuộc tấn công của Trung Quốc nhằm vào nhân quyền, sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu".

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế ngày 25/1, Chủ tịch Tập thừa nhận Mỹ và Trung Quốc có sự cạnh tranh nhưng nó nên là một cuộc cạnh tranh công bằng hơn là một cuộc chiến "một mất một còn".

Giới quan sát nhận định Bắc Kinh có lẽ nên chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những áp lực lớn hơn nữa từ phía chính quyền Biden.

Ding Yifan, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, đánh giá bất kỳ mối quan hệ cá nhân tốt đẹp nào được hình thành trong quá khứ sẽ có tác động rất hạn chế đến mối quan hệ chung giữa hai nước.

"Biden phải thỏa hiệp với những thế lực chống Trung Quốc tại Mỹ", ông nói. "Hiện tại không phải thời điểm tốt để Biden thực hiện cuộc điện đàm khi mà Mỹ vẫn chật vật đối phó với đại dịch nhưng Bắc Kinh thì đã kiểm soát được tình hình".

"Cuộc phỏng vấn với CBS đã phát đi tín hiệu... rằng Mỹ muốn tránh một cuộc chiến tranh nóng với Trung Quốc, nhưng cạnh tranh trên mặt trận thương mại và kinh tế sẽ tiếp tục", Ding cho biết thêm.

Lu Xiang, chuyên gia nghiên cứu về Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận xét thời điểm diễn ra cuộc điện đàm không còn thực sự quan trọng trong việc định hình một mối quan hệ vốn đã "đi vào vùng bất định".

"Chúng tôi không né tránh cạnh tranh, nhưng hai bên nên đưa ra các quy tắc cạnh tranh", Lu nhấn mạnh. "Những gì chúng tôi muốn thấy từ phía Tổng thống Biden là một bức tranh lớn, một ý tưởng lớn về cách ông ấy nhìn nhận mối quan hệ song phương".

"Nếu chúng ta nói thời kỳ Trump đã chứng kiến tình trạng rối loạn chiến lược trong chính sách Trung Quốc của Mỹ thì 100 ngày đầu sẽ là khoảng thời gian bối rối chiến lược đối với Biden. Hãy để ông ấy có chút thời gian suy nghĩ thấu đáo", Lu cho hay.

Vũ Hoàng (Theo SCMP)

Tags:
Quốc hội Mỹ: Đạo luật của ông Biden sẽ làm mất 1,4 triệu việc làm

Quốc hội Mỹ: Đạo luật của ông Biden sẽ làm mất 1,4 triệu việc làm

Trong một báo cáo được công bố hôm thứ Hai (8/2), Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ nói rằng việc tăng lương tối thiểu lên 15 đô-la có thể làm giảm nghèo đói, nhưng cái giá phải trả là mất đi 1,4 triệu việc làm và thêm hàng tỷ đo-la vào thâm hụt liên bang.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất