Lý do các ông lớn doanh nghiệp Mỹ ủng hộ Biden

Nhiều ông chủ Mỹ cho rằng Biden có nhiều chính sách không mấy thân thiện với doanh nghiệp, nhưng không quá khó lường như Trump hay gay gắt như Sanders.

10:00 27/10/2020

Cựu phó tổng thống Joe Biden chạy đua vào với chiến lược được cho khiến giới kinh doanh Mỹ "toát mồ hôi", như tăng thuế với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, mạnh tay hướng tới loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, tăng cường sức mạnh cho các công đoàn và mở rộng vai trò của chính phủ trong lĩnh vực y tế.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và đồng minh của họ hưởng ứng kịch bản Biden trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo. Sự ủng hộ này không phải vì chính sách của Biden, mà là vì ông không phải Elizabeth Warren hay Bernie Sanders, hai thượng nghị sĩ có chính sách "thù địch" hơn nhiều với các doanh nghiệp, cũng không phải là Tổng thống Donald Trump, người điều hành chính quyền với nhiều điều khó lường trong chính sách kinh tế.

"Nếu Warren hay Sanders là ứng viên tổng thống, chúng tôi chắc hẳn sẽ có cách thảo luận khác và tư duy hoàn toàn khác", Tim Adams, chủ tịch Viện Tài chính Quốc tế, cơ quan đại diện cho các ngân hàng toàn cầu, nói.

Ứng viên Dân chủ Joe Biden vẫy tay với người ủng hộ ở Bristol, bang Pennsylvania hôm 24/10. Ảnh: AP.
Ứng viên Dân chủ Joe Biden vẫy tay với người ủng hộ ở Bristol, bang Pennsylvania hôm 24/10. Ảnh: AP.

Khi nhận định về cách ứng viên Biden xử lý vấn đề kinh tế, các đồng minh mô tả ông là người thực tế. "Joe Biden ít bị chi phối bởi chính trị, nhưng sẽ được khuyến khích bởi những chính sách mà ông tin là hiệu quả nhất để nâng cao đời sống của tầng lớp trung lưu", Jared Bernstein, nhà kinh tế học cố vấn cho Biden kể từ khi còn là phó tổng thống, nói.

Dù một số nhà kinh tế bảo thủ lo ngại về kế hoạch chính sách của Biden, không ít công ty dự báo tư nhân như Moddy's Analytics và Goldman Sachs cho rằng việc đảng Dân chủ kiểm soát và quốc hội sẽ giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn.

Theo khảo sát 100 giám đốc điều hành tham gia hội nghị của Trường Quản trị Kinh doanh Yale hồi tháng 9, 77% cho biết họ dự định bỏ phiếu cho Biden. Nhiều người cũng nói rằng họ ủng hộ cho Biden vì chính sách của ứng viên này có lợi cho "túi tiền" của họ.

"Gây quỹ chưa bao giờ là việc dễ dàng, nhưng huy động tiền cho Biden lại rất dễ", Roger Altman, người sáng lập ngân hàng đầu tư Evercore Inc. và là nhà gây quỹ hàng đầu của đảng Dân chủ, cho biết.

Chiến dịch tranh cử của Biden đã thu về gần 750 triệu USD trong tháng 8 và 9, mức gây quỹ kỷ lục đối với bất kỳ ứng viên tổng thống nào.

Ngành tài chính đã đóng góp hơn 50 triệu USD cho chiến dịch của Biden và các nhóm ủng hộ ông, nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, theo Trung tâm Responsive Politics. Các nhà tài trợ hàng đầu của Biden có đạo diễn Hollywood Jeffrey Katzenberg, đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman và nhà đầu tư mạo hiểm Chris Sacca.

Theo dữ liệu của Responsive Politics về mức quyên góp cho chiến dịch tranh cử tổng thống hồi giữa tháng 10, 81% tiền đóng góp trong lĩnh vực đầu tư và chứng khoán dành cho Biden, trong khi 81% thuộc lĩnh vực năng lượng và tài nguyên thiên nhiên dồn về túi Trump. Các chủ doanh nghiệp nhỏ có xu hướng ủng hộ Tổng thống Mỹ hơn các chủ công ty đa quốc gia.

Tuy nhiên, Andy Laperriere, nhà phân tích chính sách của công ty môi giới Cornerstore Macro, từng lưu ý khách hàng rằng việc mong đợi thị trường chứng khoán tốt lên trong nhiệm kỳ của Biden sẽ là "mơ tưởng". Laperriere cũng thêm rằng "Đảng Dân chủ đã nói rõ ràng rằng họ muốn tăng thu từ những người giàu nhất chiếm 1% dân số (bao gồm cả các tập đoàn theo cách nghĩ của họ) để khiến nền kinh tế công bằng hơn với người lao động bình thường. Không chắc số 1% người giàu này sẽ tốt hơn trong hoàn cảnh đó".

Các chương trình kinh tế của ứng viên Biden dự kiến tiêu tốn khoảng 7-12 nghìn tỷ USD trong một thập kỷ, theo nhóm quan sát phi đảng phái có tên Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm.

Tuy nhiên, Biden luôn cố gắng trấn an các lãnh đạo doanh nghiệp, ngay cả khi vẫn hứa hẹn biến nước Mỹ thành một trong số chính quyền cấp tiến nhất kể từ thời Franklin D. Roosevelt. Trong sự kiện gây quỹ tại khách sạn Carlyle ở New York hồi tháng 6/2019, ông tán dương các nhà tài chính phố Wall tham dự.

"Hãy nhớ rằng tôi đã gặp rắc rối với chính người trong đội của mình ở vì tôi nói 'Các bạn biết đấy, tôi đã nhận ra rằng người giàu cũng yêu nước như người nghèo'", Biden nói. "Từ tận tâm can, các bạn đều biết rõ mình phải làm gì. Chúng ta có thể bất đồng, nhưng sự thật là tất cả đều chung một con thuyền và không ai đáng bị trừng phạt. Tiêu chuẩn sống của mọi người sẽ không thay đổi. Về cơ bản không có điều gì thay đổi".

Bình luận của Biden đã vấp nhiều chỉ trích trong nhóm cấp tiến của , nhưng ông vẫn tiếp tục đưa ra các tuyên bố tương tự. "Tôi đến từ Delaware, thủ đô hợp tác của thế giới, và tôi không phải người chống doanh nghiệp", ông nói với CNBC hồi tháng 5.

"Joe Biden hoàn toàn là một nhà tư bản", Jake Sullivan, cố vấn chính sách cho chiến dịch tranh cử của Biden, cho biết.

Bà Warren và ông Sanders từng đề xuất thu thuế người giàu ở Mỹ hàng năm, nhưng nguồn tin thân cận của chiến dịch Biden cho biết ông đã từ chối phương án đánh thuế tài sản này. Thay vì tạo ra một loại thuế hoàn toàn mới, ông cho rằng có thể tăng ngân sách bằng cách tăng thuế suất của người giàu cho thặng dư tăng vốn so với thu nhập bình thường, đồng thời xóa bỏ điều khoản cho phép người giàu "né" thuế thặng dư tăng vốn.

Trong suốt cuộc bầu cử sơ bộ, Biden cũng đặt mục tiêu về nền kinh tế không phát thải khí carbon vào năm 2050, ít tham vọng hơn mốc 2030 mà Sanders đặt ra. Sau khi Sanders bị đánh bại trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, đại diện của cả hai bên đã thống nhất duy trì mục tiêu của ông Biden và thêm mục tiêu không phát thải khí carbon trong ngành điện lực vào năm 2035.

Ứng viên Elizabeth Warren, Bernie Sanders và Joe Biden (từ trái qua phải) tại một buổi tranh luận hồi tháng 2. Ảnh: Bloomberg News.
Từ trái qua: Ứng viên Elizabeth Warren, Bernie Sanders và Joe Biden tại một buổi tranh luận hồi tháng 2. Ảnh: Bloomberg News.

Về lý thuyết, các chính sách cắt giảm thuế hay bỏ quy định về môi trường của Tổng thống Trump được cho thân thiện với doanh nghiệp hơn Biden. Tuy nhiên, những lợi ích mà chính sách của Trump mang lại đã bị xói mòn bởi các động thái quyết liệt mà chính quyền ông đưa ra trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ, cũng như tình trạng chia rẽ và hỗn loạn sau các quyết định của ông.

"Cho đến nay thị trường chứng khoán dường như không quá ảm đạm với viễn cảnh Biden thắng cử, bất chấp những chính sách thân thiện với doanh nghiệp hơn của Trump", Lloyd Blankfein, cựu giám đốc điều hành Tập đoàn Goldman Sachs, đồng thời là thành viên Dân chủ phản đối gay gắt Sanders và Warren, cho hay.

Dù không quá bi quan về nhiệm kỳ của Biden đối với kinh tế Mỹ, một số chủ doanh nghiệp vẫn tỏ ra lo lắng về những vị trí chủ chốt trong chính quyền mà Biden sẽ bổ nhiệm, bởi cho rằng nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các chính sách sắp tới của Mỹ. Tuy nhiên, ứng viên Dân chủ cho hay ông không có ý định tiết lộ danh sách nội các cho tới khi cuộc bầu cử kết thúc.

Thanh Tâm (Theo WSJ)

Link nguồn: https://vnexpress.net/ly-do-cac-ong-lon-doanh-nghiep-my-ung-ho-biden-4182015.html

Tags:
Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt đối với 3 tập đoàn lớn của Mỹ

Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt đối với 3 tập đoàn lớn của Mỹ

Trung Quốc sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 3 tập đoàn lớn của Mỹ là Lockheed Martin, Boeing và Raytheon do tham gia vào hoạt động bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan (Trung Quốc).

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất