Lý do khiến Mỹ có thể đối mặt viễn cảnh tồi tệ nhất trong làn sóng Covid-19 thứ tư
Tỷ lệ tiêm vaccine chững lại và sự “hoành hành” của biến thể Delta đang khiến Mỹ, quốc gia đã tiêm vaccine cho một nửa dân số, có thể phải đối mặt với những viễn cảnh tồi tệ hơn.
00:00 29/07/2021
Tỷ lệ tiêm vaccine chững lại
Bị tấn công bởi làn sóng nhập viện mới giữa bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine chững lại và biến thể Delta lây lan mạnh, các chính quyền và tổ chức địa phương ở Mỹ đang tính đến việc thực hiện quy định tiêm vaccine bắt buộc mà trước đó gây ra nhiều tranh cãi về mặt chính trị và xã hội.
Số ca Covid-19 mới của Mỹ dự kiến sẽ gia tăng suốt mùa hè và mùa thu, đạt đỉnh vào giữa tháng 10 với số ca tử vong hàng ngày có thể gấp 3 lần con số hiện nay. Ngày 25/7, theo dữ liệu theo dõi từ New York Times, 49 người đã tử vong vì Covid-19.
"Những điều đang xảy ra ở đất nước này với sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đang cho thấy những viễn cảnh tồi tệ nhất của chúng ta", nhà dịch tễ học Justin Lessler thuộc Đại học Bắc Carolina nhận định với NPR.
Chuyên gia Lessler hỗ trợ điều hành Trung tâm Mô hình dự đoán kịch bản Covid-19 - một tổ chức tham vấn hợp tác với Trung tâm Ngăn ngừa và Kiếm soát Dịch bệnh (CDC).
Hiện nay, khoảng một nửa dân số Mỹ đã được tiêm vaccine nhưng tỷ lệ tiêm vaccine đã giảm đáng kể do tâm lý hoài nghi vaccine - chủ yếu từ truyền thông bảo thủ cánh hữu và các thông tin sai lệch trên mạng xã hội.
Trong viễn cảnh có thể xảy ra nhất, ông Lessler cho biết, với tỷ lệ tiêm vaccine đạt 70%, vào thời kỳ đỉnh dịch giữa tháng 10, sẽ có khoảng 60.000 ca mắc và 850 ca tử vong mỗi ngày ở Mỹ.
Đa số những trường hợp mắc Covid-19 phải nhập viện ở Mỹ đều là những người chưa được tiêm vaccine và có cả một số trường hợp trẻ em phải nhập viện. Làn sóng Covid-19 thứ 4 ở Mỹ vẫn tiếp diễn trong suốt mùa thu khiến nhiều phụ huynh lo ngại khi các trường học dự kiến sẽ mở cửa trở lại vào tháng 9 sau thời gian nghỉ hè.
Ngày 26/7, Thành phố New York và bang California thông báo hàng trăm nghìn nhân viên chính phủ phải tiêm vaccine hoặc sẽ phải tiến hành xét nghiệm hàng tuần.
Tình hình đang tệ hơn
Trong khi đó, các ca "lây nhiễm đột phá", tức là những người đã được tiêm vaccine đầy đủ nhưng vẫn mắc Covid-19, cũng đang gây ra lo ngại.
Một đợt bùng phát dịch ở Provincetown, Massachusetts đã khiến ít nhất 132 người mắc bệnh kể từ 1/7. Hầu hết những người bị mắc covid-19 này đều đã được tiêm vacicne.
Tại một viện dưỡng lão, khoảng 33 người mắc Covid-19 và nhiều người trong số này đã được tiêm vaccine.
Từ 29/7, hàng trăm quán bar ở San Francisco sẽ bắt đầu yêu cầu xác nhận tiêm vaccine hoặc xét nghiệm Covid-19 âm tính với những người muốn vào quán.
"Ngày càng nhiều tổ chức nhận ra rằng không có cách nào quay lại văn phòng, bệnh viện và các trường đại học một cách an toàn ngoài tiêm vaccine", Ashish Jha, người đứng đầu Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Brown nhận định.
"Suốt tháng 6, mọi thứ có vẻ đều tốt nhưng tình hình rõ ràng đang trở nên tồi tệ hơn", chuyên gia này cho hay.
Tại Florida, bác sĩ Victor Herrera thuộc bệnh viện AdventHealth hôm 26/7 cho biết tình trạng khẩn cấp ở bệnh viện này đã chuyển sang mức đỏ sau nhiều tháng ở mức xanh.
"Chúng tôi đang tiếp nhận số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện ở mức cao trong mọi thời điểm khiến cho hệ thống phải căng mình để đối phó".
Tin tốt hiện nay là các bệnh viện đều chưa cần tăng cường các trang thiết bị thiết yếu như đồ bảo hộ hay máy thở như khi đại dịch tấn công Mỹ vào năm ngoái. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, số ca Covid-19 ở Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng với đỉnh dịch dự kiến diễn ra vào những tháng mùa thu và duy trì tới mùa đông, khi mà mọi người phải tập trung trong nhà do thời tiết lạnh.
"Chúng ta đang chứng kiến một dự đoán rất ảm đạm và sẽ trải qua một làn sóng Covid-19 nữa đạt đỉnh vào mùa thu, từ cuối tháng 9 cho tới tháng 10 với quy mô bằng khoảng 2/3 số ca mắc tồi tệ nhất mà chúng ta trải qua từ tháng 1 - tháng 3", Alan Williamson, người đứng đầu bệnh viện Eisenhower Health ở Hạt Riverside thuộc phía nam California nhận định.
Aaron Wendelboe, giáo sư về thống kê sinh học và dịch tễ học tại Trung tâm Khoa học Sức khỏe thuộc Đại học Oklahoma cho rằng: "Chúng ta sẽ không phải nhập viện hay đóng cửa toàn xã hội. Chúng ta chỉ cần tận dụng những gì thiết yếu ngay trước mắt, đó là vaccine và khẩu trang"./.
Trận lũ gây hoài nghi về 'thành phố bọt biển' Trung Quốc
Trịnh Châu tự hào đầu tư hơn 8 tỷ USD xây dựng thành phố bọt biển chống lụt, nhưng vẫn bị nhấn chìm trong trận lũ thảm khốc.