Lý do Mỹ không mặn mà điều quân tới Haiti

Haiti đề nghị Mỹ điều quân giúp ổn định đất nước sau vụ ám sát Tổng thống Moise, song Biden dường như không muốn tăng cường can thiệp quân sự.

00:00 13/07/2021

"Chúng tôi đã nhận yêu cầu và đang phân tích nó", phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói ngày 10/7, sau khi có thông tin Haiti đề nghị Mỹ triển khai lực lượng quân sự hỗ trợ nước này đảm bảo an ninh và bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise tại tư dinh hôm 7/7.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ tới nay bày tỏ thận trọng về bất cứ hoạt động triển khai quân nào tới Haiti. Chính quyền Tổng thống Joe Biden chia buồn sâu sắc với Haiti và lo ngại trước nguy cơ xảy ra cuộc di cư ồ ạt như thập niên 1990, song không mấy mặn mà với kịch bản điều quân, dù là lực lượng nhỏ nhất, tới nước này.

Giới chức Mỹ cho biết sẽ cử các quan chức thuộc Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ An ninh Nội địa đến thủ đô Port-au-Prince để đánh giá xem có thể hỗ trợ Haiti thế nào trong điều tra vụ ám sát Tổng thống Moise.

Trong khi đó, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết yêu cầu triển khai quân của Haiti "rất rộng và chưa nêu rõ số lượng hoặc loại quân binh chủng cần thiết". Một quan chức cấp cao của Mỹ nói thẳng rằng nước này "chưa có kế hoạch cung cấp hỗ trợ quân sự" cho Haiti.

Binh sĩ Mỹ dỡ hàng viện trợ từ trực thăng xuống sân bay ở thủ đô Port-au-Price của Haiti tháng 1/2010. Ảnh: US Navy.
Binh sĩ Mỹ dỡ hàng viện trợ từ trực thăng xuống sân bay ở thủ đô Port-au-Price của Haiti tháng 1/2010. Ảnh: US Navy.

Biden có thể coi việc triển khai quân đội Mỹ tới Haiti sau vụ ám sát Tổng thống Moise đi ngược lại chính sách cốt lõi của mình là củng cố sự hiện diện quân sự của Mỹ tại nước ngoài, thay vì mở rộng lực lượng.

Yêu cầu của Haiti được đưa ra vài giờ sau khi Biden phát biểu về việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sau cuộc chiến kéo dài 20 năm không mang lại kết quả rõ ràng.

Các quan chức Mỹ đang tìm cách khác để hỗ trợ Haiti đảm bảo an ninh thay vì đưa quân tới nước này. Những giải pháp khác có thể bao gồm tăng cường đào tạo và hỗ trợ cảnh sát cùng quân đội Haiti, trong những chương trình do Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa Mỹ chịu trách nhiệm.

Năm 2010, khi một trận động đất tàn phá Haiti, khiến hàng trăm nghìn người chết và bị thương, tổng thống Mỹ Barack Obama đã triển khai một lực lượng quân sự nhỏ đảm bảo an ninh tại đây trong vài tháng. Chiến dịch quân sự này được coi là thành công, dù không giải quyết gốc rễ vấn đề tại quốc gia này.

Binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ tuần tra tại thủ đô Port-au-Prince của Hait tháng 4/2004. Ảnh: KairosPhotos/Paul Jeffrey.
Binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ tuần tra tại thủ đô Port-au-Prince của Hait tháng 4/2004. Ảnh: KairosPhotos/Paul Jeffrey.

Báo cáo công bố năm 2013 của hãng nghiên cứu RAND nhận định chiến dịch quân sự này của Obama "có nguy cơ sa lầy", bởi giới chức Haiti dường như muốn quân Mỹ "hiện diện vô thời hạn" và có thể đi đến một cam kết an ninh lâu dài hơn.

Biden sẽ đối mặt với nhiều vấn đề khác với việc triển khai binh sĩ Mỹ tới Haiti nếu không phải để cứu trợ nhân đạo sau thảm họa tự nhiên. Chúng gồm nguy cơ khi sa vào môi trường chính trị hỗn loạn và việc các băng đảng có vũ trang hoành hành tại Haiti.

Cựu tổng thống Mỹ Woodrow Wilson năm 1915 điều thủy quân lục chiến tới Haiti sau khi tổng thống nước này là Vilbrun Guillaume Sam bị sát hại, bắt đầu hai thập kỷ Mỹ chiếm đóng quốc gia này và nhiều năm bất ổn sau đó.

Lý do khiến chính quyền Biden thận trọng với quyết định điều quân tới Haiti nằm ở việc yêu cầu triển khai lực lượng của nước này còn mơ hồ, bao gồm câu hỏi lính Mỹ sẽ làm gì tại đây.

Lính Mỹ tại thủ đô Port-au-Prince của Haiti năm 1994. Ảnh: Corbis/VGC.
Lính Mỹ tại thủ đô Port-au-Prince của Haiti năm 1994. Ảnh: Corbis/VGC.

Cựu đô đốc Mỹ James Stavridis cho rằng cách tiếp cận tốt nhất với Haiti là Mỹ hỗ trợ xây dựng một lực lượng ổn định thông qua Liên Hợp Quốc, Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ hoặc Liên minh Các quốc gia Mỹ Latinh. "Việc hiện diện quân sự tại quốc gia này rất khó xảy ra, đặc biệt là khi chúng tôi đang kết thúc các chiến dịch ở Afghanistan", cựu đô đốc Mỹ nhận định.

Tuy nhiên, Biden có thể đối mặt với áp lực phải hành động, đặc biệt là khi tình hình chính trị và an ninh ở Haiti trở nên xấu đi. Một số nhà hoạt động đang tìm cách hối thúc Biden đảm bảo rằng Mỹ không đứng ngoài lề nếu Haiti chìm sâu hơn vào hỗn loạn.

Nguy cơ dân tị nạn Haiti chạy khỏi đất nước và tới bang Florida của Mỹ, với số lượng tương tự cuộc khủng hoảng đầu những năm 1990, có thể buộc Biden phải ra tay.

Tổng thống Mỹ khi đó là George H.W. Bush ra lệnh giữ một số người tị nạn Haiti tại căn cứ hải quân Guantanamo, khiến cộng đồng quốc tế chỉ trích dữ dội. Cựu tổng thống Clinton sau đó điều tuần duyên Mỹ hồi hương người tị nạn Haiti bị chặn trên biển.

Cựu đô đốc Stavridis nói nguy cơ xảy ra làn sóng tị nạn từ Haiti có thể sẽ thay đổi tính toán của chính quyền Biden, đồng thời nhận định quân đội Mỹ đã xây dựng những kế hoạch dự phòng để đối phó với tình huống này.

Tags:
Tổng thống Biden sa thải quan chức do ông Trump cài cắm

Tổng thống Biden sa thải quan chức do ông Trump cài cắm

Nhà Trắng thông báo Tổng thống Joe Biden đã sa thải ông Andrew Saul - người được ông Trump bổ nhiệm vào ghế lãnh đạo Cơ quan An sinh Xã hội - sau khi ông này không chịu từ chức.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất