Lý do Mỹ không ra lệnh ngừng bay với Boeing 737 Max

Để ra lệnh ngừng bay, Mỹ cần xác định được vấn đề cụ thể, chẳng hạn như lỗi pin từng khiến họ yêu cầu Boeing 787 Dreamliners ngừng hoạt động.

09:30 14/03/2019

Trong khi một loạt nước ra lệnh ngừng bay với phi cơ Boeing 737 Max 8 như Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc và Mông Cổ, các quan chức Mỹ cho biết họ tin tưởng rằng công tác đào tạo phi công, bảo trì và các quy định an toàn sẽ giúp họ ngăn chặn thảm họa đã khiến 157 người thiệt mạng tại Ethiopia vào ngày 10/3, khi chiếc Boeing 737 Max 8 của Ethiopian Airlines rơi sau vài phút cất cánh gần Addis Ababa.

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ngày 11/3 ra thông báo dòng máy bay Boeing 737 MAX vẫn đủ điều kiện hoạt động, nhưng sẽ yêu cầu nhà sản xuất chỉnh sửa thiết kế phi cơ trước tháng 4. Họ cũng cam kết có hành động "ngay lập tức" nếu phát hiện bất kỳ vấn đề nào với máy bay.

Máy bay Boeing 737 Max 8 cất cánh tại Washington tháng 1/2016. Ảnh: AFP

Giới chuyên gia cho rằng quyết định của các nước châu Á phản ánh lo ngại về sự lạ lẫm với công nghệ mới và tác động đến uy tín. Trong khi đó, đối với các nhà quản lý hàng không Mỹ, tiêu chuẩn để ra lệnh ngừng bay như vậy cao hơn nhiều, theo Washington Post.

"Tôi không nghĩ là chúng ta có dữ liệu cụ thể để ra lệnh đó vào thời điểm này", John Cox, nhà tư vấn an toàn hàng không của công ty Safety Operating Systems tại Washington, nói. "Ra lệnh ngừng bay là một quyết định lớn, vì vậy chúng ta phải thật thận trọng, chỉ ra quyết định khi có cơ sở chắc chắn".

Tại Mỹ, giới chức cần xác định vấn đề kỹ thuật rõ ràng gây ra sự cố, chẳng hạn một loạt vụ hỏa hoạn đã khiến FAA ra lệnh ngừng bay với Boeing 787 Dreamliners vì lỗi pin năm 2013.

Có nhiều đồn đoán rằng vụ rơi máy bay Ethiopia cũng liên quan đến lỗi cảm biến góc tấn (cung cấp dữ liệu về góc mà gió lưu thông qua cánh máy bay và cho các phi công biết máy bay có lực nâng như thế nào) đã xảy ra trong vụ tai nạn máy bay Boeing 737 Max 8 của Lion Air ngày 29/10/2018. Tuy nhiên, chưa có kết luận chính thức về việc này.

Trung Quốc đã cấm bay 100 phi cơ Boeing. Một số nhà phân tích cho rằng quyết định này mang tính chính trị do họ đang có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ về thương mại. Boeing là cái tên hay được nhắc đến trong các cuộc đàm phán vì Washington luôn thúc giục Bắc Kinh mua thêm máy bay để cân bằng cán cân thương mại.

Tuy nhiên, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho biết họ ra quyết định này vì thực tế rằng hai vụ tai nạn của Lion Air và Ethiopian Airlines đều xảy ra với hai máy bay 737 Max 8 mới được bàn giao và cả hai đều rơi sau khi vừa cất cánh. Cơ quan Trung Quốc nói rằng quyết định phản ánh lập trường "không chấp nhận rủi ro về an toàn".

"Tôi nghĩ rằng trong trường hợp này, họ thực sự lo lắng rằng có điều gì đó không ổn với máy bay", Scott Hamilton, giám đốc điều hành của công ty tư vấn hàng không Leeham, nói.

Vậy tại sao Mỹ lại có cách tiếp cận khác?

Hamilton cho rằng phi công ở Mỹ được đào tạo tốt hơn ở nơi khác. Ông cho biết sau vụ tai nạn của Lion Air, các phi công American Airlines và Southwest Airlines đã rất chú ý đến vấn đề tài liệu hướng dẫn bay thiếu thông tin về cảm biến góc tấn và cách xử lý khi gặp lỗi nhiều khả năng đã được đưa vào chương trình huấn luyện của họ.

Hãng Ethiopian Airlines được đánh giá cao vì hồ sơ an toàn. Trước vụ rơi ngày 10/3, tai nạn lớn gần đây nhất của họ là vào năm 2010, khi một máy bay bốc cháy và lao xuống Địa Trung Hải sau khi cất cánh từ sân bay Beirut, khiến 90 người thiệt mạng. Một sự cố an toàn hàng không lớn khác là chiếc máy bay chở 175 người bị không tặc khống chế hết nhiên liệu và rơi gần quần đảo Comoros năm 1996 khiến 125 người chết. Tuy nhiên, đó không phải là thảm họa khiến chương trình đào tạo của hãng hoặc thiết bị nghi ngờ.

Ethiopian Airlines nổi tiếng là huấn luyện phi công nghiêm ngặt và phục vụ như một trung tâm đào tạo cho châu Phi và các nước xung quanh ở Trung Đông, châu Á và châu Âu.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết vụ tai nạn 10/3 đã làm dấy lên câu hỏi liệu các phi công của Ethiopian Airlines có được đào tạo về cách vô hiệu hóa cảm biến đã xảy ra lỗi trong vụ Lion Air hay liệu bản cập nhật phần mềm mà Boeing hứa hẹn có thể giải quyết sự cố đó đã được cài đặt trên máy bay của hãng này hay chưa.

Boeing từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến cuộc điều tra.

Thomas R. Anthony, cựu điều tra viên FAA, cảnh báo không nên đưa ra kết luận quá nhanh, ngay cả khi có những điểm tương đồng giữa các vụ tai nạn.

Ông đồng tình với quan điểm cho rằng Mỹ có khả năng huấn luyện và giám sát an toàn bay tốt và đó có thể là yếu tố khiến họ quyết định không ra lệnh ngừng bay.

"Các hãng hàng không Mỹ có cơ chế năng động trong việc phân phát tài liệu huấn luyện và cung cấp thông tin mới cho phi công", ông nói. "Ngành hàng không tại Mỹ phát triển hơn hầu hết quốc gia trên thế giới".

Tuy nhiên, một số chuyên gia còn nghi ngờ rằng quyết định của giới chức Mỹ mang tính chính trị. Boeing sử dụng hơn 150.000 lao động ở Mỹ với các nhà máy lắp ráp ở Nam Carolina và bang Washington.

Richard Aboulafia, chuyên gia tư vấn từ Teal Group, cảnh báo rằng các nhà quản lý hàng không Mỹ không nên để bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị. "Vì lợi ích của hệ thống và lợi ích của ngành về lâu dài, chỉ nên đưa ra quyết định dựa vào đánh giá về an toàn. Chính trị hóa sự an toàn không phải là một ý tưởng hay", ông nói.

Phương Vũ

Tags:
Việt kiều Mỹ về nước: Ám ảnh mặc định 'chắc tiền bạc, quà cáp rủng rỉnh mang về'

Việt kiều Mỹ về nước: Ám ảnh mặc định 'chắc tiền bạc, quà cáp rủng rỉnh mang về'

Cho dù không cần biết người ra đi thuộc diện gì nhưng cứ sang Mỹ thì "ắt giàu có tiền bạc, quà cáp mang về sẽ rủng rỉnh" là suy nghĩ của không ít người ở quê nhà. Điều đó cũng đã khiến tôi có phần nặng lòng khi ngày trở về đã gần kề...

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất