Lý do nữ sinh Mỹ bỏ đại học danh tiếng
Trong mắt mọi người, Jenny Lu (18 tuổi, ở bang Massachusetts, Mỹ) là tấm gương sáng vì đỗ vào Đại học Pennsylvania danh giá. Nhưng với cô đó chỉ là ảo ảnh.
02:00 30/10/2019
Jenny Lu chia sẻ lý do quyết định nghỉ học tại Đại học Pennsylvania, một trong tám trường thuộc khối Ivy League danh giá, chỉ sau ba tuần học.
Cuối tháng 8, tôi đóng gói hành lý và nói lời tạm biệt với Đại học Pennsylvania chỉ sau ba tuần trở thành sinh viên năm nhất. Tôi trở về nhà ở thành phố Medford, bang Massachusetts, gây sốc cho gia đình, bạn bè. Mọi người và ngay cả bản thân tôi đều tự hỏi, chuyện nực cười gì đang diễn ra vậy?
Tôi di cư từ Trung Quốc đến Mỹ vào năm 6 tuổi cùng mẹ và anh trai hơn tôi một tuổi. Mục đích của mẹ tôi là muốn hai người con được hưởng nền giáo dục và cơ hội việc làm phong phú của đất nước này. Từ mẫu giáo đến lớp 12, tôi vùi đầu trong sách vở, không ngừng nỗ lực để trở thành học sinh xuất sắc.
Các giáo viên đều nhận xét tôi là đứa trẻ thông minh, giáo viên trung học nói với mẹ tôi rằng tôi sẽ có tương lai đầy hứa hẹn. Tôi bị bao vây bởi thành tích và giải thưởng, xếp hạng thứ 4 trên 300 học sinh tại trường trung học, là chủ tịch câu lạc bộ tình nguyện viên lớn nhất trường và có điểm SAT vô cùng tuyệt vời.
Trong mắt mọi người, tôi chính là "con nhà người ta". Ở Mỹ hay ở Trung Quốc, tôi luôn là tấm gương thành công mà những người bạn của mẹ tôi kể cho con họ. Ví dụ, bạn của mẹ tôi sẽ nói như này: "Con hãy nhìn Jenny, bạn ấy đạt điểm cao và sẽ vào một đại học tốt, tìm được công việc tốt và kiếm được rất nhiều tiền". Đó là định nghĩa của người Trung Quốc về sự thành công. Vì vậy, khi tôi nhận được giấy báo trúng tuyển Đại học Pennsylvania vào tháng 12 năm ngoái, mọi người tin rằng tôi đang trên con đường chuẩn mực dẫn đến thành công.
Tuy nhiên, những gì mọi người nhìn thấy lại là ảo ảnh khác xa thực tế. Để đạt được thành tích như vậy, tôi không có nhiều thời gian để ngủ, thậm chí khi có thời gian, tôi phải dùng thuốc ngủ. Tôi không phải người duy nhất. Tôi nhìn thấy áp lực về điểm số và đại học đè nặng trên nhiều bạn bè khác, những người có thành tích tốt như tôi. Tôi tin rằng áp lực đó đã thúc đẩy chúng tôi thành công về mặt học thuật, nhưng như con dao hai lưỡi nó bào mòn tâm hồn của chúng tôi. Áp lực đó đến từ cha mẹ, hệ thống giáo dục và bản thân mỗi người.
Sau khi được nhận vào Đại học Pennsylvania, tôi đón nhận những lời chúc mừng, ánh mắt ngưỡng mộ, sự tự hào... mà mọi người xung quanh dành cho mình. Tuy nhiên, từ sâu thẳm tâm hồn, tôi cảm thấy sợ hãi khi ngày nhập học gần kề vì biết rằng thành công này đến từ sự kỳ vọng của cha mẹ. Tôi không biết ước mơ của mình là gì, tôi không chắc chắn về con đường mình sẽ đi và tôi giống như bù nhìn, làm theo những gì mọi người muốn.
Có vẻ như không chỉ tôi mà nhiều học sinh khác cũng đang cảm thấy như vậy. Dường như xã hội đang ngày càng mẫn cảm với hai từ "thành công" và đặt ra nhiều áp lực khiến học sinh chúng tôi kiệt sức, thậm chí nhiều người rơi vào tình trạng trầm cảm. Đáng sợ là trong khi chúng tôi mệt mỏi, chán chường, những người xung quanh lại coi đó là điều hoàn toàn bình thường. Khi việc nộp đơn vào các trường đại học ngày càng khốc liệt, phụ huynh càng tạo áp lực buộc con phải làm việc chăm chỉ hơn để đạt mục tiêu vào trường đại học ưu tú.
Jenny Lu đã bỏ Đại học Pennsylvania, Mỹ. Ảnh: Huffpost
Tôi tin rằng điều này đặc biệt phổ biến trong các gia đình Trung Quốc và châu Á. Khi tôi đạt điểm thấp hơn dự kiến trong kỳ thi SAT đầu tiên, gia đình đã yêu cầu tôi học gia sư để cải thiện điểm số. Trong các gia đình Trung Quốc, việc thuê gia sư rất phổ biến. Nó không chỉ giúp học sinh đạt điểm cao kỳ thi SAT mà cả trong việc học bình thường, viết bài luận, chuẩn bị phỏng vấn hay bất cứ điều gì khác khiến con cái họ thành công trên con đường học tập.
Thú thật tôi đã ghen tị với những người bạn không đến từ gia đình châu Á vì cha mẹ các bạn rất khoan dung và không quá coi trọng điểm số hay kết quả học tập. Bên trong bong bóng của mình, tôi nhận thấy áp lực vào đại học tồn tại trong mọi nền văn hóa, nhưng nó đặc biệt nặng nề trong các gia đình châu Á.
Tôi không thể chia sẻ tình trạng sức khỏe tâm thần với cha mẹ vì nó không được công nhận và không bao giờ được thảo luận trong gia đình tôi. Tôi không thể cải thiện tình trạng tinh thần, đối phó với xúc cảm tiêu cực của bản thân. Những cảm xúc bị coi là yếu đuối này tôi phải giữ kín một mình, và những người bạn Á châu của tôi cũng vậy.
Những cảm xúc này đi theo tôi tới Đại học Pennsylvania, xuất hiện trong ký túc xá, trong các lớp học, trong khuôn viên trường, khiến tôi ngộp thở và nhận ra môi trường này không dành cho mình. Sau vài ngày sinh hoạt tại Đại học Pennsylvania, tôi thậm chí không muốn ở đó thêm dù chỉ một ngày chứ đừng nói đến bốn năm học sắp tới.
Với trạng thái tinh thần luôn ở mức thấp, tôi quyết định nghỉ học. Tôi đã chia sẻ trải nghiệm của mình với giáo sư cố vấn học tập tại đại học, người thầy vô cùng tuyệt vời vì luôn hỗ trợ tôi, lắng nghe tâm tư tình cảm của tôi và ủng hộ tôi nói với cha mẹ sự thật. Tôi, cố vấn học tập và mẹ tôi đã có cuộc gặp mặt để trò chuyện. Sau nhiều năm, cuối cùng tôi và mẹ có thể bày tỏ suy nghĩ của bản thân.
Tôi nói với mẹ rằng sẽ không cảm thấy hạnh phúc và không thể hoàn thành khóa học tại Pennsylvania, tôi cần được nghỉ ngơi. Mẹ tôi nói rằng chúng tôi là người nhập cư, con đường bà vạch sẵn cho tôi là đường duy nhất mẹ biết để dẫn đến thành công. Mẹ tôi chỉ muốn những điều tốt nhất cho tôi mà không ngờ rằng chúng lại khiến tôi cảm thấy mệt mỏi.
Nhờ sự tư vấn của giáo sư học tập, mẹ tôi hiểu ra ngoài Đại học Pennsylvania, còn nhiều trường học và con đường khác nữa dẫn đến thành công. Đó là cuộc trò chuyện khó khăn, nhiều nước mắt, nhưng qua đó tôi và mẹ có thể hiểu nhau hơn và giải tỏa những áp lực trong cuộc sống. Giờ đây, tôi biết rằng mẹ sẽ luôn lắng nghe và ủng hộ quyết định của tôi.
Trong những tuần qua, tôi tham gia chương trình tình nguyện, làm thêm, dành thời gian cho những người tôi yêu quý và lắng lại để xác định rõ sở thích, điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Tôi suy nghĩ nghiêm túc về những điều tôi muốn làm, công việc tương lai tôi mong muốn.
Tôi sẽ nộp đơn vào trường đại học khác phù hợp với mong muốn vào mùa thu năm sau, điều này khiến tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái, tự tin. Mặc dù ngôi trường đó có thể không phải là lựa chọn đầu tiên của gia đình tôi, nhưng tôi sẽ tốt nghiệp trong lĩnh vực yêu thích và khiến gia đình tôi tự hào.
Tôi hy vọng các sinh viên hiểu rằng cho dù bạn đang nộp đơn vào trường nào hay cảm thấy không hài lòng với trường hiện tại, bạn không bao giờ bị mắc kẹt chỉ với một lựa chọn. Và nếu bạn biết trường đại học đó không dành cho mình hãy mạnh dạn từ bỏ. Tôi biết tôi đã quyết định. Tôi chỉ mới 18 tuổi. Tôi có đủ thời gian.
Trải nghiệm làm nông dân của nữ sinh Mỹ
Làm nông được xem là lối thoát tạm thời của những ai không có khả năng theo đuổi ước mơ hoặc bất lực với công việc, nhưng với Briana Yablonski thì không.