Lý do ông Trump liên tục đòi giày khi bị ám sát hụt
Bị tuột giày trong lúc mật vụ đè lên người trong vụ ám sát hụt, ông Trump liên tục đòi lấy giày, điều được định hình từ bản năng "làm chủ sân khấu" của ông.
13:26 17/07/2024
Khi loạt tiếng súng của nghi phạm Thomas Matthew Crooks vang lên tại vận động tranh cử tại Butler, bang Pennsylvania ngày 13/7, các mật vụ nhào lên sân khấu, xô cựu tổng thống Donald Trump nằm sát xuống sàn rồi tạo thành một "bức tường người" bao quanh ông. Trong lúc hỗn loạn, ông Trump bị tuột mất một chiếc giày.
Khi tay súng đã bị hạ, các mật vụ đỡ ông Trump dậy và hối thúc ông rời khỏi sân khấu, di chuyển đến xe bọc thép đỗ cạnh đó. Họ muốn đưa yếu nhân đến nơi an toàn càng nhanh càng tốt, nhưng có vẻ ông Trump không vội chút nào. Phản ứng đầu tiên của cựu tổng thống là đòi lại chiếc giày bị tuột.
"Để tôi lấy giày đã", ông nói. "Để tôi lấy giày đã". Nhưng các mật vụ lúc đó không chú ý đến yêu cầu của ông, bởi điều quan trọng nhất với họ lúc đó là sự an toàn của cựu tổng thống.
"Tôi đỡ được ngài rồi", một mật vụ nói, và ông Trump trả lời "Để tôi đi giày đã".
Một mật vụ khác bất ngờ nhận ra ông Trump đã bị thương. "Chờ đã, đầu ngài đang chảy máu", người này nói.
"Thưa ngài, chúng ta phải di chuyển ra xe ngay", người khác thúc giục. Ông Trump đã bị thương và đang chảy máu. Mỗi giây trôi qua đều vô cùng căng thẳng.
Trump không nao núng. Ông tiếp tục lặp lại lần thứ tư chỉ trong 9 giây: "Để tôi đi giày đã".
Nhưng các mật vụ phớt lờ yêu cầu này của ông. Sau hiệu lệnh, họ cùng nhau đưa ông Trump tiến về xe bọc thép, bỏ lại trên sân khấu một chiếc giày kiểu Oxford màu đen trên thảm đỏ.
Giới quan sát cho rằng chiếc giày này, cùng những yêu cầu lấy giày liên tiếp của Trump, thể hiện rất nhiều điều về tính cách của ông Trump, cho thấy bản năng cũng như nghệ thuật làm chủ sân khấu của cựu tổng thống trong hoàn cảnh sinh tử.
"Đôi khi, ý nghĩa của một chiếc giày còn vượt qua giá trị của nó", Ben Sherwood, bình luận viên của Daily Beast, nhận xét.
Theo Sherwood, việc liên tục đòi đi giày cho thấy điều đầu tiên Trump nghĩ đến khi thoát chết là bản thân ông. Bản năng mách bảo ông cần đủ cả hai chiếc giày để chạy, để đứng vững và để giữ gìn hình ảnh của mình.
Điều đó cho thấy ông Trump là một người làm chủ sân khấu, luôn chú ý đến hình ảnh bản thân, dù là trong tình cảnh hỗn loạn nhất.
Khi nhận ra không thể kịp lấy giày, bản năng chính trị đã mách bảo ông Trump cần chú ý đến đối tượng khác: khán giả bên dưới và những gì họ thực sự muốn. Họ muốn biết ông vẫn an toàn và đứng vững giữa nghịch cảnh.
"Chờ đã, chờ đã, chờ đã", ông ra lệnh cho các mật vụ đang hối hả đẩy ông khỏi sân khấu. Trong 74 giây từ khi bị đạn sượt qua tai, các mật vụ cố gắng đưa ông đến nơi an toàn, nhưng ông muốn ghi dấu ấn.
Dùng tay gạt vòng vây của các đặc vụ để nhìn thấy khán giả và để phóng viên có thể chụp ảnh mình rõ hơn, ông hô lớn: "Chiến đấu, chiến đấu, chiến đấu", đồng thời giơ nắm đấm lên trời.
Đám đông reo hò vang dội như đang xem một đấu sĩ. Một đấu sĩ đứng lên sau trận đánh, gương mặt vương máu và đầy thách thức, dù dưới chân thiếu mất một chiếc giày.
Từng là một ngôi sao truyền hình thực tế, bản năng giúp ông Trump hiểu được ý nghĩa quan trọng về mặt hình ảnh và biểu tượng của thời khắc này.
Đối với những người ủng hộ, chiếc giày bóng loáng màu đen mà ông Trump để lại trên sân khấu tượng trưng cho tinh thần bất khả chiến bại của ông. Nó cũng sẽ gợi lên sự tương phản với đôi giày mà đối thủ của ông, Tổng thống Joe Biden, đang sử dụng.
Sau gần nửa thập kỷ đi những đôi giày da màu đen truyền thống, ông Biden gần đây chuyển sang sử dụng những sản phẩm khiến người ta liên tưởng đến một người đàn ông lớn tuổi đang tập trung vào sự ổn định, chắc chắn và thoải mái, như giày thể thao Hoka Transport màu đen đế trợ lực, giày thể thao không dây Sketchers và giày kiểu Oxford hiệu Cole Haan Brogues đế cao su.
Về phía ông Trump, hình ảnh chiếc giày trên sân khấu gợi nhớ về khoảnh khắc ông đối mặt khủng hoảng. Bản năng đầu tiên thôi thúc ông không bỏ lại chiếc giày đắt tiền, nhưng bản năng thứ hai lớn hơn, đã tạo ra dấu ấn khó phai.
"Trong thời điểm nền chính trị Mỹ hiện nay, hình ảnh về nắm đấm giơ cao giữa hỗn loạn và hoang mang có thể sẽ áp đảo hình ảnh ổn định và thoải mái", Sherwood nhận định.
2 con trai chia bố mẹ ra để chăm sóc: Vợ chồng già bật khóc vì không biết bao giờ mới gặp lại
Hai người con trai thì vốn rất yêu thương cha mẹ, nhưng hai cô con dâu thì thường xuyên tỏ vẻ khó chịu. Suốt ngày tị nạnh nhau là bên mình phải chăm sóc cha mẹ nhiều hơn.