Lý do Trung Quốc kiên trì chiến lược 'không Covid'

Gần 20% dân số chưa tiêm chủng và tâm lý chưa sẵn sàng sống chung với dịch khiến Trung Quốc thận trọng khi điều chỉnh chiến lược chống Covid-19.

11:00 12/10/2021

Nhiều quốc gia từng áp dụng những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhằm chống Covid-19 đang dần nới lỏng hạn chế, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng tăng và chính phủ các nước muốn tìm cách phục hồi nền kinh tế.

Nhưng Trung Quốc, nước đi đầu trong nỗ lực kiềm chế Covid-19 bằng biện pháp phong tỏa và kiểm soát biên giới chặt chẽ, hiện vẫn ở chế độ "chờ và xem", chưa thể hiện dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ thay đổi chiến lược "không Covid" của mình.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV cho người dân tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, hôm 21/7. Ảnh: AFP.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV cho người dân tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, hôm 21/7. Ảnh: AFP.

"Ở Trung Quốc, chúng tôi cũng đang thảo luận về chiến lược mới đó... mọi thứ đều có thể thay đổi", Cao Phúc, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) hôm 6/10 nói tại một hội nghị y tế trực tuyến do Brunei tổ chức.

Ông cho biết thêm rằng giới chức y tế đã nhiều lần điều chỉnh cách thức chống dịch quốc gia và sẵn sàng "đánh giá lại" tình hình bất cứ lúc nào. Dù vậy, để coi Covid-19 là bệnh đặc hữu vẫn là một bước chuyển lớn đối với Trung Quốc.

"Chúng tôi chưa sẵn sàng coi Covid-19 là một căn bệnh đặc hữu bởi hiện tại, nó vẫn là dịch bệnh. Nó vẫn có tỷ lệ tử vong rất cao và tâm lý người dân chúng tôi chưa sẵn sàng", Cao cho hay, đề cập đến tình hình dịch bệnh toàn cầu.

Chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp Chung Nam Sơn hồi đầu tuần cũng khuyến cáo chỉ nên dỡ bỏ tất cả các biện pháp kiểm soát biên giới khi những quốc gia khác ghi nhận ít ca nhiễm và đại đa số người dân Trung Quốc được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ. Đến nay, ít nhất 78% dân số nước này đã hoàn thành phác đồ tiêm chủng.

Nhiều quốc gia khác, những nơi từng áp dụng chiến lược "không Covid-19" như Trung Quốc, đang đánh giá lại chính sách của mình.

New Zealand hồi đầu tuần thông báo thay đổi chiến lược xóa sổ Covid-19. "Đây là bước điều chỉnh trong cách tiếp cận mà chúng tôi luôn thực hiện thời gian qua. Biến chủng Delta đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này. Vaccine sẽ hỗ trợ chúng tôi thay đổi", Thủ tướng Jacinda Ardern hôm 4/10 nói.

Australia cũng có kế hoạch nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới bắt đầu từ tháng tới. Sydney thậm chí còn muốn mở cửa nhiều hơn sau khi các rạp chiếu phim, phòng gym và những cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa suốt 4 tháng qua vì phong tỏa.

Singapore cũng đang từng bước chuyển sang chiến lược "sống chung với Covid-19", nhưng một đợt bùng phát mới đây sau khi nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế đã buộc chính phủ phải hoãn kế hoạch mở cửa trở lại.

Tại Trung Quốc, lệnh phong tỏa ngắn hạn vẫn được ban hành tại các điểm nóng khi những ca nhiễm mới được phát hiện, song việc đi lại trong nước và các hoạt động thường ngày khác hầu như không bị ảnh hưởng.

Theo Kwok Kin-on, phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng và Chăm sóc Ban đầu JC thuộc Đại học Trung Quốc ở Hong Kong, việc vẫn còn gần 20% dân số chưa tiêm chủng cũng có thể là một phần nguyên nhân khiến Bắc Kinh lưỡng lự từ bỏ chiến lược "không Covid-19".

Lo ngại dịch bệnh bùng phát càng tăng lên khi Thế vận hội mùa Đông sắp diễn ra ở Bắc Kinh vào tháng hai năm sau, với nguy cơ các vận động viên từ khắp nơi trên thế giới sẽ mang mầm bệnh tới Trung Quốc, Kwok cho hay.

Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cũng cho rằng Olympic sắp tới là một nguyên nhân khiến Bắc Kinh cân nhắc. Mặt khác, năm sau còn diễn ra đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc, một sự kiện quan trọng khiến Bắc Kinh không thể lơ là cảnh giác trước đại dịch.

"Tình hình của Trung Quốc hiện nay không chỉ đơn thuần là về vấn đề y tế", Wu bình luận, thêm rằng Bắc Kinh cũng đã nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng đối với chính sách cứng rắn nhằm kiềm chế đại dịch mà họ theo đuổi.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định Trung Quốc cuối cùng vẫn sẽ phải chuyển sang cách tiếp cận mới, bởi Covid-19 dường như sẽ không thể sớm biến mất. Những biện pháp hạn chế có thể được Trung Quốc điều chỉnh tùy thuộc vào những tác động mà biến chủng Delta hay các chủng khác trong tương lai gây ra.

"Sau khi Delta trở thành chủng trội, về mặt lý thuyết, chúng ta không thể áp dụng chính sách 'không Covid-19' nữa, vì vậy, sống chung với virus dường như là cách tiếp cận thực tế nhất", phó giáo sư Kwok đánh giá.

"Trung Quốc có thể cho phép virus lây nhiễm ở một mức độ nhất định, nhưng họ sẽ theo dõi sát số ca và tỷ lệ nhập viện", ông nói, lưu ý thêm rằng ngay khi hệ thống y tế có nguy cơ quá tải, giới chức nước này sẽ phải "lập tức phong tỏa, truy vết tiếp xúc và đóng biên".

Nhưng theo Nicholas Thomas, chuyên gia về an ninh y tế, phó giáo sư tại Đại học City của Hong Kong, nếu tiếp tục chính sách đóng biên nghiêm ngặt mà không có những động lực mới về tiêm chủng, Trung Quốc sẽ đối mặt không ít rủi ro.

"Họ sẽ tự cô lập mình khỏi thương mại và du lịch toàn cầu", ông nói. "Mặc dù quy mô thị trường nội địa Trung Quốc lớn và đang phát triển nhanh chóng, Trung Quốc vẫn có nguy cơ cạn kiệt nguồn vốn cần thiết và theo thời gian, họ sẽ phải chứng kiến chuỗi cung ứng toàn cầu chuyển hướng đến các nền kinh tế khác".

Tags:
Câu chuyện về cây cầu hoàn hảo nhưng vô dụng nhất thế giới

Câu chuyện về cây cầu hoàn hảo nhưng vô dụng nhất thế giới

Đó là cây cầu Puente Sol Naciente (Cầu mặt trời mọc), ở Choluteca, Honduras. Nó không có đường đến, cũng không có đường đi, nó nằm ở kế bên con sông mà mình cần bắc qua.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất