Lý giải dòng người di cư tiến về Mỹ ngày càng đông

Không phải ngẫu nhiên dòng người di cư về Mỹ ngày càng tăng. Sau đây là một góc nhìn về vấn đề này.

04:00 21/12/2018

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói về làn sóng di cư từ Trung Mỹ là những vấn đề bất ổn của quốc tế và "thật không công bằng" khi Mỹ phải gánh chịu việc này. Di cư "là cách họ đẩy một đám người ra khỏi đất nước của họ và đổ thừa là do Mỹ (đã làm việc ấy)" - dòng Twitter mà ông Trump đã viết vào ngày 25/11 trước việc 1 đoàn người tị nạn hầu hết là phụ nữ, trẻ em đang ở biên giới muốn tị nạn vào Mỹ.

ly giai dong nguoi di cu tien ve my ngay cang dong hinh 1

Người di cư từ Trung Mỹ. Ảnh: AP.

Nhiều người Mỹ còn chỉ đích danh chính phủ ở các quốc gia xảy ra bất ổn, nghèo đói khiến người dân của họ phải rời bỏ quê hương hướng đến Mỹ tị nạn chính là những người phải chịu trách nhiệm về hàng đoàn người di cư này - "họ đã không quan tâm đến vấn đề của đất nước họ".

Bạo lực, thảm họa môi trường và nghèo đói đang đẩy hằng vạn người dân phần lớn từ Guatemala, Honduras và Afghanistan, v.v... phải rời bỏ quê hương. Đây thực sự là hệ quả của chủ nghĩa thực dân, biến đổi khí hậu và thương mại toàn cầu. Theo như cộng đồng quốc tế đánh giá, việc nhiều quốc gia bất ổn khiến dòng người tị nạn đang tăng lên là bởi quá trình toàn cầu hóa. Không phải ngẫu nhiên mà các con đường di cư ngày nay cũng chính là con đường mà các quốc gia thực dân châu Âu đã từng đi, chỉ có điều "dòng chảy" này lại ngược lại.

Hệ quả của chủ nghĩa thực dân

Pháp xâm chiếm Algeria vào năm 1830 và biến quốc gia này thành thuộc địa đến tận năm 1962. Ngày nay, những người nhập cư vào Pháp đông nhất là những người Algeria.

Anh Quốc đang trong tiến trình Brexit và muốn phong tỏa biên giới của mình. Thế nhưng sau Thế chiến thứ 2, chính họ kêu gọi công dân các nước thuộc địa cũ của Anh nhập cư vào nước này, góp tay tái thiết Anh Quốc sau Thế chiến. Người Ấn Độ và người Pakistan chính là những nhóm nhập cư đúng thứ 2 và thứ 3 vào Anh. Ba Lan là quốc gia có số người đông nhất nhập cư vào đảo quốc Sương mù.

Điều này cho thấy, dòng người di cư tiến về Mỹ để lánh nạn cũng có căn nguyên tương tự như Anh và Pháp.

Về lý thuyết, Mỹ chưa bao giờ là một đế chế. Thế nhưng trên thực tế chính phủ Mỹ liên tục can thiệp vào tình hình nội bộ các quốc gia Mỹ Latin vào những năm 1980 và 1990, thậm chí hạ bệ các nhà lãnh đạo của các quốc gia này, lập nên chính phủ thân Mỹ - đây chính là căn nguyên cho sự bất ổn của các quốc gia Mỹ Latin hiện nay.

Vào những năm 1980, với hy vọng ngăn chặn sự lan tỏa và ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội với các nước Mỹ Latin, Mỹ đã tài trợ và vũ trang cho nhiều chính phủ tại các nước Trung Mỹ. Nhiều cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng, hàng trăm ngàn người phải từ bỏ nhà cửa lánh nạn khỏi các khu vực giao tranh. 

Các cuộc nội chiến cũng đã khiến cho tình hình kinh tế của các quốc gia này lâm vào cảnh kiệt quệ. Thu nhập trung bình tại các quốc gia El salvador, Guatemala, Honduras và Nicaragua ở thập niên 1990 thấp hơn so với thập niên 1980. Sự bất ổn trong khu vực đã khiến gần 1 triệu người El Salvador và Guatemala di cư đến Mỹ từ năm 1981 đến 1990. 

Thương mại hóa toàn cầu khiến gia tăng di cư

Việc liên kết các nền kinh tế phát triển và phần còn lại của thế giới cũng đã thúc đẩy làn sóng di cư ồ ạt. Người di cư Mexico vào Mỹ đã tăng lên nhanh chóng khi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ có hiệu lực kể từ năm 1994. Việc này đã khiến cho các ngành gia công, sản xuất của Mexico phát triển mạnh mẽ nhưng thay vào đó nó cũng khiến cho nông dân nước này lâm vào cảnh khốn đốn khi mà thị trường Mexico mở cửa cho những sản phẩm nông nghiệp của Mỹ thâm nhập.

Không thể cạnh tranh với nông sản Mỹ giá rẻ, hàng trăm ngàn nông dân Mexico đã thất nghiệp, tính đến 2006, khoảng 2 triệu nông dân nước này đã phải rời bỏ các khu vực nông thôn để lên thành thị kiếm việc làm. Nhiều người trong số họ đã di cư đến Mỹ, nơi mà họ tìm được cho mình công việc trong các lĩnh vực như xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ. 

Lao động nhập cư luôn là những con mồi béo bở cho những nhà sản xuất của Mỹ bởi mức lương luôn thấp hơn so với những công nhân bản địa. Theo thống kê của phía Mỹ, nhưng người nhập cư từ Mỹ Latin đang chiếm khoảng 1/4 số công nhân làm việc trong 3 lĩnh vực nói trên.

Biến đổi khí hậu, thiên tai

Biến đổi khí hậu, thiên tai là một vấn đề quốc tế khác cũng đã góp phần vào cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Sự nóng lên toàn cầu hiện nay có nguồn gốc từ cuộc Cách mạng Công nghiệp ở châu Âu từ 150 năm trước. Các vấn đề liên quan như mực nước biển dâng cao hơn, thời tiết cực đoan ngày càng khó lường. Nhưng tác động của nó lại ảnh hưởng đầu tiền đến những nước nghèo, những quốc gia đang phát triền. Những thay đổi về nền nhiệt và lượng mưa trong suốt những năm qua đã khiến cho sản lượng nông sản ngày càng tụt giảm ở các nước Mỹ Latin. Phần lớn những nông dân mất sinh kế của mình đã gia nhập vào đoàn lữ hành đầu năm 2018. 

Mặc dù Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia thải khí nhà kính lớn nhất thế giới nhưng lượng khí thải tính trên mỗi đầu người ở các nước phát triển luôn cao hơn 30 lần so với các nước đang phát triển vì người dân ở các nước giàu tiêu thụ nhiên liệu cho sản xuất, sinh hoạt như sưởi ấm hay làm mát lớn hơn, ăn thịt nhiều hơn, di chuyển bằng các loại phương tiện cũng nhiều hơn.

Cộng đồng quốc tế cần có những cái nhìn cụ thể, công bằng hơn về vấn đề di dân thay vì đổ lỗi cho các nước nghèo và đóng cửa biên giới. Ngày 10/12 vừa qua, 164 quốc gia đã ký kết một Hiệp ước về Di cư toàn cầu, nhằm chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng Quốc tế về tình trạng người di cư, đảm bảo quyền con người của họ được tôn trọng và chung tay giải quyết các căn nguyên của tình trạng di cư. Tuy nhiên, Mỹ không có trong danh sách 164 quốc gia này./.

Tags:
164 quốc gia lần đầu ký Hiệp ước Di cư toàn cầu, Mỹ phản đối

164 quốc gia lần đầu ký Hiệp ước Di cư toàn cầu, Mỹ phản đối

Gần 85% quốc gia thành viên LHQ ủng hộ thỏa thuận không có tính ràng buộc pháp lý này, nhưng Mỹ, Australia và một số quốc gia phản đối.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất