Mảng giao đồ ăn tạo cơn sốt đầu tư tại Mỹ
Các công ty giao đồ ăn và thực phẩm đang trở thành tâm điểm cơn sốt của giới đầu tư tại Mỹ, những người đang đặt cược rằng xu hướng phục vụ tận nhà và nơi làm việc sẽ tiếp tục tăng trưởng, theo The Wall Street Journal.
05:00 29/10/2018
Nhân viên giao đồ ăn của công ty DoorDash đi giao đồ ăn ở thành phố San Francisco. Ảnh: WSJ |
Nở rộ các dịch vụ giao đồ ăn và thực phẩm
Kể từ đầu năm đến nay, các công ty đầu tư mạo hiểm đã rót 3,5 tỉ đô la vào các dịch vụ giao đồ ăn và thực phẩm ở Mỹ. Con số này cao gấp ba lần so với con số của cả năm ngoái, theo công ty đầu tư mại hiểm PitchBook (Mỹ).
Hôm 16-10, Công ty giao thực phẩm Instacart có trụ sở ở thành phố San Francisco, bang California thông báo đã huy động thêm khoản đầu tư 600 triệu đô la dựa trên mức định giá mới nhất của công ty này là 7,6 tỉ đô la, tăng mạnh so với mức định giá 4,4 tỉ đô la trước đây. Apoorva Mehta, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Instacart cho biết công ty đang lên kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Công ty giao đồ ăn Postmates có trụ sở ở San Francisco được định giá 1,2 tỉ đô la cũng đang tìm kiếm các ngân hàng để tư vấn về kế hoạch IPO.
DoorDash, một công ty giao đồ ăn khác, cũng được định giá 4 tỉ đô la sau vòng gọi vốn mới nhất vào hồi tháng 8.
Trong khi đó, cổ phiếu của Công ty giao đồ ăn Grubhub có trụ sở ở thành phố Chicago tăng 61% trong năm nay.
UberEats, đơn vị giao đồ ăn của Công ty gọi xe Uber Technologies, được các ngân hàng định giá vào khoảng 20 tỉ đô la.
Hôm 23-10, UberEats cho biết sẽ mở rộng hoạt động ra các thành phố để giao đồ ăn đến các địa điểm có 70% dân số Mỹ sinh sống vào cuối năm nay so với con số 50% hiện nay. Giới đầu tư và các lãnh đạo ngành thực phẩm Mỹ kỳ vọng dịch vụ giao đồ ăn và thực phẩm sẽ tăng trưởng bùng nổ trong thời gian tới khi nhiều người dân có xu hướng chọn các phương án tiện lợi hơn để ăn uống, chẳng hạn đặt các suất ăn ở nhà hàng thông qua ứng dụng di động.
Jeremy Scott, nhà phân tích ngành kinh doanh nhà hàng của công ty chứng khoán Mizuho Securities (Nhật Bản), dự báo trong vòng 10 năm tới, mảng kinh doanh bán đồ ăn mang đi và giao đồ ăn sẽ chiếm 15% doanh thu của các nhà hàng ở Mỹ, so với con mức 5% hiện nay.
Các nhà hàng ở Mỹ có lịch sử giao đồ ăn sớm hơn các chuỗi bán lẻ thực phẩm ở Mỹ. Các chuỗi nhà hàng pizza và nhà hàng của người Trung Quốc tại Mỹ đã thực hiện giao đồ ăn trong nhiều thập kỷ qua. Lượng khách hàng đặt mua thực phẩm trực tuyến để được giao hàng tận nhà tăng nhanh kể từ khi Amazon thâu tóm chuỗi cửa hàng thực phẩm tươi Whole Foods vào năm ngoái.
Một số chuỗi siêu thị thực phẩm lớn ở Mỹ bao gồm Walmart và Kroger đang phát triển các dịch vụ giao hàng của riêng họ để một ngày nào đó có thể loại bỏ dịch vụ giao hàng của bên thứ ba. Năm ngoái, chuỗi cửa hàng bách hóa Target đã thâu tóm Công ty khởi nghiệp giao hàng Shipt với giá 550 triệu đô la. Uber đang cân nhắc giao thực phẩm thông qua UberEats. Trong khi đó, Instacart vừa triển khai dịch vụ giao hàng cho các chuỗi siêu thị Kroger và Aldi và dự kiến sẽ mở rộng khu vực giao hàng ở Mỹ lên con số 3.000 cuối năm nay. Apoorva Mehta, Giám đốc điều hành Instacart, cho biết công ty này sẽ thu hút thêm nhiều khách hàng cho dù các chuỗi siêu thị thực phẩm bắt đầu triển khai dịch vụ giao hàng của riêng họ.
Thách thức và lợi thế
Một số nhà đầu tư lo ngại cơn sốt đầu tư vào các công ty giao đồ ăn và thực phẩm sẽ chóng nở, sớm tàn do gặp phải nhiều thách thức. Thứ nhất, sự trung thành của khách hàng phụ thuộc vào các nhà hàng và các chuỗi bán lẻ thực phẩm, chứ không phải dịch vụ giao hàng. Nhiều chuỗi bán lẻ thực phẩm đang vận hành dịch vụ đặt mua trực tuyến và nhận hàng tại cửa hàng, thậm chí cuối cùng có thể cung cấp dịch vụ giao hàng của riêng họ. Trong khi đó, nhiều nhà hàng đang chấp nhận giảm lợi nhuận để tự cung cấp dịch vụ giao đồ ăn miễn phí ở các thị trường mới để vượt lên các đối thủ.
Một số công ty nhà hàng, bao gồm Darden Restaurants, công ty mẹ của chuỗi nhà hàng Olive Garden, cho biết dịch vụ giao đồ ăn không phải là mảng kinh doanh béo bở đối với các đơn hàng giá trị thấp. “Có cảm giác như thị trường đang trong tình trạng bong bóng”, Lan Sigalow, đối tác ở công ty đầu tư vốn mạo hiểm Greycroft, nói.
Một số nhà đầu tư dự báo trong thời gian tới thị trường sẽ chứng kiến làn sóng sáp nhập. Brita Rosenheim, nhà tư vấn cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, nói: “Rốt cục, tôi không nghĩ rằng sẽ có nhiều dư địa để các đấu thủ nhỏ thành công”.
Các công ty giao đồ ăn và thực phẩm cho rằng hoạt động giao thực phẩm cho các chuỗi siêu thị và nhà hàng nổi tiếng cho phép họ tiếp cận lực lượng khách hàng sẵn có. Liz Meyerdirk, Giám đốc phát triển kinh doanh toàn cầu của UberEats, nói: “Đưa logo của nhà hàng McDonald’s lên ứng dụng UberEats cung cấp cho khách hàng cảm giác thân quen”.
Trong năm nay, Grubhub bắt đầu giao đồ ăn cho hai chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Taco Bell và KFC ở Mỹ. Adam DeWitt, Giám đốc tài chính Grubhub, cho rằng điều này giúp Grubhub thiết lập sự hiện diện ở những thành phố mà dịch vụ giao đồ ăn còn chưa phổ biến. Trong bối cảnh lượng khách hàng ghé đến các chuỗi nhà hàng đang bão hòa hoặc suy giảm, một số lãnh đạo ngành kinh doanh nhà hàng xem dịch vụ giao đồ ăn là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu dù họ phải trích một số phần trăm giá trị đơn hàng cho dịch vụ này.
Steve Easterbrook, Giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh McDonald’s, cho biết các đơn hàng được thực hiện thông qua các dịch vụ giao đồ ăn chiếm 10% doanh thu của chuỗi nhà hàng này ở một số thị trường.
Easterbrook nói: “Sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ giao đồ ăn vẫn duy trì ở mức cao. Một khi họ trải nghiệm sự tiện lợi, nhiều người trong số họ sẽ trở thành khách hàng trung thành nhất và sẽ thường xuyên đặt món ăn qua các dịch vụ giao đồ ăn”.
Những tháng ngày tươi đẹp của hàng Trung Quốc giá rẻ tại Mỹ sắp kết thúc
Thời kỳ hàng hóa gửi gần như miễn phí từ Trung Quốc đến Mỹ đã sắp kết thúc với các yêu cầu tăng phí mới từ tổng thống Mỹ, ông Donald Trump.