Máy bay Mỹ hạ cánh thế nào khi một động cơ nổ ở độ cao gần 10.000 m?

Vì không còn một bên động cơ, việc điều khiển để máy bay giữ được thăng bằng khi hạ cánh là nhiệm vụ khó khăn đối với phi công.

13:00 21/04/2018

Chiếc Boeing 737 mang số hiệu 1380 của hãng hàng không Southwest Airlines, Mỹ, ngày 17/4 đang trong hành trình từ New York tới Dallas thì động cơ bên trái bị nổ giữa không trung, ở độ cao 9.900 m. Các mảnh kim loại bay ra từ động cơ làm vỡ kính cửa sổ, khiến áp suất trên khoang hành khách giảm đột ngột, máy bay phải hạ cánh khẩn cấp. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) cho biết phi cơ gặp sự cố khi đang chở 149 người. Sự việc khiến một nữ hành khách thiệt mạng.

Theo các chuyên gia, kiểu sự cố như trên là đặc biệt hiếm gặp và việc máy bay bị mất một bên động cơ lẫn áp suất trong khoang giảm đột ngột tạo ra tình huống vô cùng nguy hiểm, phức tạp, rất khó xử lý, ngay cả với những phi công lão luyện, theo Wired.

Thứ đầu tiên các phi công có thể nghe hay cảm nhận thấy là một tiếng nổ lớn rồi tiếp đến là một chấn động mạnh khi động cơ nổ tung. Máy bay lập tức nghiêng 41 độ sang bên bị mất động cơ, nhiều gấp đôi độ nghiêng tiêu chuẩn. Khi phi công điều chỉnh lại đường bay, cảnh báo bằng cả âm thanh và hình ảnh được đưa ra. Các phi công cũng sẽ cảm thấy đau tai, dấu hiệu cho thấy áp suất giảm. Tiếp theo, họ nhanh chóng thực hiện lần lượt từng bước trong danh mục các biện pháp phản ứng với tình huống khẩn cấp.

“Những suy nghĩ nảy sinh lúc bấy giờ là ‘Chúng ta đã mất một động cơ và bị giảm áp suất, chúng ta cần hạ cánh'”, ông Douglas M. Moss, chuyên gia tại công ty cố vấn hàng không AeroPacific Consulting, người từng có kinh nghiệm điều khiển máy bay Boeing 757 và 767, cho hay.

Trong khoang máy bay lúc chuẩn bị hạ cánh. Video: Twitter.

Để hạ cánh, bước thứ nhất, các phi công phải đeo mặt nạ oxy và đảm bảo dòng không khí được lưu thông. Chiếc mặt nạ này không phải phiên bản màu vàng dùng cho hành khách mà tương tự phiên bản mặt nạ dành cho phi công lái chiến đấu cơ. Kế đến, họ bắt đầu nỗ lực đưa máy bay hạ cánh. Con người có thể thở ở độ cao 4.570 m nhưng phi công thường hướng đến độ cao dưới 3.050 m nhằm đảm bảo an toàn. Họ không bao giờ muốn thực hiện thao tác bổ nhào một chiếc máy bay vốn đã hư hại nhưng vẫn cần hành động càng nhanh càng tốt.

Các máy bay chở khách hiện đại có khả năng giảm độ cao 6.000 m trong 90 giây. Trong lúc giảm độ cao, vì một bên động cơ đã không còn, phi công phải tập trung chỉnh bánh lái, cánh tà cùng những bộ phận điều khiển khác nhằm giữ cho phi cơ cân bằng.

Phi công sẽ không liên lạc với trạm kiểm soát không lưu cho đến khi thực hiện xong việc giảm độ cao. “Điều chúng tôi được dạy từ ngày đầu tiên ở trường huấn luyện là điều khiển, định vị, liên lạc, theo đúng trình tự trên”, Brian Strzempkowski, nhà huấn luyện phi công tại Trung tâm Nghiên cứu Hàng không thuộc Đại học bang Ohio, nhấn mạnh.

“Họ sẽ thông báo ‘khẩn cấp’ ba lần, thông báo định danh liên lạc, tình trạng động cơ hỏng, đang hạ độ cao xuống 3.050 m ở tốc độ bao nhiêu”, Moss nói. Cơ trưởng, đội ngũ điều hành không lưu và một đơn vị điều phối hàng không sẽ làm việc với nhau nhằm tìm ra sân bay phù hợp nhất cho việc hạ cánh khẩn cấp.

Ở những trường hợp ít cấp bách, phi công có thể bay xa hơn, tới một sân bay lớn và đầy đủ trang thiết bị hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp cực kỳ khẩn cấp như sự cố của phi cơ Southwest Airlines, phi công sẽ yêu cầu ưu tiên và đội điều hành không lưu phải dọn đường để máy bay đáp xuống sân bay gần nhất, ở bất kỳ hướng nào.

Bà Tammie Jo Shults và chồng, ông Dean, tại đại học MidAmerica Nazarene. Ảnh: Newsweek.

Dù tình huống nguy hiểm, nữ phi công Tammie Jo Shults vẫn trao đổi bình tĩnh với trạm kiểm soát không lưu. “Chúng tôi bị mất một phần máy bay, vì thế chúng tôi cần chậm lại một chút”, bà nói trong lúc chuẩn bị cho máy bay đáp.

Phi cơ hạ cánh với vận tốc khoảng 306 km/h, nhanh hơn bình thường khoảng 50 km/h. Nguyên nhân xuất phát từ việc phi công phải điều chỉnh cánh tà ở góc thấp hơn thường lệ nhằm tăng khả năng kiểm soát máy bay.

Trên mặt đất, ban quản lý sân bay sẽ huy động các phương tiện phản ứng để sẵn sàng đón máy bay. Lúc này, phi công đã yêu cầu trạm kiểm soát mặt đất triển khai cả đội y tế trực chiến. “Chúng tôi sẽ dừng ngay bên cạnh xe cứu hỏa”, nữ cơ trưởng Shults thông báo. “Cảm ơn các bạn vì sự giúp đỡ”.

Nguồn: Vnexpress

Tags:
Thư xin lỗi của ông bố dành cho con gái bị ghét bỏ lúc chào đời

Thư xin lỗi của ông bố dành cho con gái bị ghét bỏ lúc chào đời

"Bố từng hối hận vì đã có con và cảm thấy sự ra đời của con đã hủy hoại cuộc đời bố", người đàn ông Anh viết.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất