Máy bay rụng đuôi chỉ 2 phút sau khi cất cánh, khiến 256 người thiệt mạng
Vụ tai nạn của hãng hàng không American Airlines xảy ra chỉ 2 tháng sau vụ khủng bố 11/9, khiến 265 người thiệt mạng.
09:08 05/10/2023
Ngày 12/11/2001, chiếc máy bay Airbus A300 của American Airlines khởi hành từ sân bay quốc tế JFK với điểm đến là Cộng hòa Dominica. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay xấu số đã gặp tai nạn nghiêm trọng và rơi xuống khu dân cư gần đó, khiến 265 người thiệt mạng.
Vì người dân New York vừa trải qua thảm họa 11/9, chứng kiến 2 chiếc máy bay đâm vào tòa tháp và khiến gần 3.000 người thiệt mạng, vụ tai nạn làm dấy lên nỗi lo sợ khủng bố lặp lại. Khi kết quả điều tra cho thấy đó chỉ là tai nạn đơn thuần, người dân Mỹ cũng không còn quan tâm nhiều đến một trong những thảm họa hàng không tồi tệ nhất lịch sử.
Tuy nhiên, đối với những người trong ngành, nguyên nhân của vụ tai nạn đã khiến các chuyên gia và phi công rất sốc. Tại sao phi công có thể khiến chiếc máy bay rụng đuôi giữa không trung chỉ bằng hệ thống điều khiển tàu bay? Ai đã dạy anh ta kỹ thuật chết người này?
Chặng bay mang tính biểu tượng
Năm 1988, nhằm tìm kiếm những những chiếc máy bay có hiệu suất cao để khai thác đường bay màu mỡ tới vùng biển Caribe, lần đầu tiên trong lịch sử American Airlines đã quyết định làm việc với Airbus. Mẫu A300 của Airbus đã được thiết kế từ cuối những năm 1960, bắt đầu được đưa vào sử dụng từ năm 1971 và không có công nghệ gì mới mẻ.
Tuy nhiên, loại A300-600 có 2 điểm khác biệt. Loại này có khoang hành lý lớn bất thường hoàn toàn phù hợp với các hành khách tới Caribe. Ngoài ra còn được trang bị hệ thống điều khiển rất hiện đại. American Airlines đặt hàng 35 chiếc Airbus 300-600, mỗi chiếc có thể chở 250 hành khách.
Năm 2001, 13 chiếc A300 đã trở thành lực lượng hùng hậu trong đội tàu bay của American Airlines, trở hàng triệu hành khách đi và đến các địa điểm trên khắp nước Mỹ một cách an toàn. Trong đó nổi tiếng nhất là chuyến bay mang số hiệu 587 đi từ New York City tới Santo Domingo, thủ đô của nước Cộng hòa Dominica. Đây không chỉ là chặng bay thông thường mà còn là 1 hiện tượng văn hóa.
Máy bay rụng đuôi giữa trời
Tuy nhiên, buổi sáng 12/11/2001, chuyến bay tràn đầy niềm vui đã trở thành thảm kịch.
Như thường lệ, chiếc máy bay được lấp đầy với 251 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn. Điều khiển máy bay là 2 phi công lão luyện của American Airlines: cơ trưởng Ed States (42 tuổi) và cơ phó Sten Molin (34 tuổi), người có bố cũng là 1 phi công.
Đúng 9h, chiếc máy bay đã được nạp đầy nhiên liệu để sẵn sàng cất cánh từ sân bay quốc tế John F. Kennedy. Phi công thực hiện quy trình kiểm tra kỹ thuật như thường lệ và mọi thứ đều ổn. Chiếc máy bay Airbus A300 di chuyển trên đường băng 31L, ngay sau 1 chiếc Boeing 747 của Japan Airlines.
9h11, chiếc máy bay của Japan Airlines cất cánh. Kiểm soát viên không lưu cảnh báo về tình trạng nhiễu động. Tất cả các máy bay cỡ lớn đều sẽ tạo ra nhiễu động và có thể khiến những chiếc máy bay nhỏ hơn bay sau nó lắc lư mạnh, thậm chí rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Tuy điều này không phải là vấn đề nghiêm trọng đối với những máy bay lớn như A300, nhưng theo quy định thì kiểm soát viên không lưu bắt buộc phải cảnh báo phi công. Phải đảm bảo khoảng cách giữa 2 chiếc máy bay trong lúc cất và hạ cánh để mức độ nhiễu động giảm xuống.
2,5 phút sau khi chiếc Boeing 747 cất cánh, máy bay của American Airlines được phép cất cánh. Nhưng vào lúc 9 giờ 16 phút 14 giây, chưa đến 2 phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay đột ngột rơi xuống.
Chuyện gì đã xảy ra?
Những gì xảy ra thực sự kinh hoàng. Khi chiếc máy bay đạt độ cao hơn 500 mét, nó bất ngờ có dấu hiệu mất kiểm soát và lắc lư không ngừng do nhiễu động từ chiếc Japan Airlines (Boeing 747) cất cánh vài phút trước đó gây ra.
Do Airbus A300 có hệ thống điều khiển bánh lái nhạy bất thường nên phi công chưa qua đào tạo có thể dễ dàng mắc sai lầm khi sử dụng quá nhiều lực lên bàn đạp bánh lái. Đây chính xác là những gì đã xảy ra. Dù dày dặn kinh nghiệm nhưng phi công của chuyến bay không chỉ tạo áp lực quá mức lên bàn đạp bánh lái mà còn sử dụng bánh lái quá mức. Sự kết hợp của không khí mạnh và việc sử dụng bánh lái quá mức đã khiến đuôi máy bay bật ra giữa không trung.
Chỉ trong vài giây sau đó, lần lượt cả 2 động cơ đều tách khỏi máy bay, khiến chiếc máy bay đâm thẳng xuống khu vực Queens, thành phố New York và gây ra một vụ nổ dữ dội tại hiện trường vụ tai nạn.
Bên cạnh đó, nó cũng khiến 12 toà nhà khác bị ảnh hưởng nặng nề. Người dân ở cách xa nơi xảy ra tai nạn hàng km vẫn có thể trông thấy các cột khói lớn bốc lên cao.
Trách nhiệm thuộc về ai?
American Airlines đã đổ lỗi cho Airbus vì chiếc máy bay có bộ điều khiển bánh lái nhạy bất thường. Một số người cho rằng thiết kế đuôi máy bay không đạt tiêu chuẩn về chịu lực. Nhưng nhiều chuyên gia nhận định nguyên nhân của vụ tai nạn là do American Airlines huấn luyện phi công không đúng cách.
Dù nguyên nhân là gì đi chăng nữa thì cả hai bên đã thực hiện một số điều chỉnh với mong muốn thảm họa sẽ không lặp lại. American Airlines sửa đổi chương trình đào tạo phi công của mình để giúp họ hiểu rõ hơn về cơ chế bánh lái. Còn Airbus thay đổi thiết kế của hệ thống điều khiển bánh lái trên mẫu A300-600 và A310. Các hãng hàng không khác cũng bắt đầu cảnh báo phi công về các lỗi mà 2 phi công của chuyến bay xấu số đã mắc phải.
Nhịp sống Thị trường (tham khảo Medium)
[
[