Mẹ Việt nuôi con ở châu Âu: Tôi phải học từ con mình

Một bà mẹ gốc Á nuôi con ở châu Âu như tôi phải tiếp nhận nhiều khác biệt về lối sống, văn hóa và những thứ khác. Và tôi học từ chính con mình.

22:30 05/08/2017

Kate là con gái lớn của gia đình tôi, 13 tuổi, vừa mang bảng điểm học kỳ hai về. Thấy các môn Toán, tiếng Hà Lan, tiếng Pháp chỉ đạt hơn 60 % và thấp hơn điểm trung bình cả khối lớp 7, tôi thất vọng “Thế bạn nào xuất sắc nhất lớp?”.

Đến lượt Kate thất vọng “Sao mẹ cứ so sánh ai giỏi hơn? Giáo viên không xếp hạng học sinh đâu mẹ ạ, ai biết điểm người ấy và cô nói mỗi chúng con đều có thế mạnh riêng. Đây này, Âm nhạc con đạt 90 %, Tôn giáo 83%, Kỹ thuật 79%...”.

Hãy để con mắc lỗi

Một bà mẹ gốc Á nuôi con ở châu Âu như tôi phải tiếp nhận nhiều khác biệt về lối sống, văn hóa như vậy đấy. Và học từ chính con mình. Mấy hôm trước xếp hàng mua bánh pizza ủng hộ bếp trường, tôi thấy trên hành lang trường mẫu giáo và tiểu học của bé Tô- con trai thứ hai ghi khẩu hiệu “Mỗi học sinh là một người đặc biệt”.

Còn cách đây ba tháng, tôi xin cô giáo cho bé Tô nghỉ học hai tuần về Việt Nam đón Tết cổ truyền kẻo từ tháng Chín tới vào lớp Một không được phép nghỉ tùy tiện nữa.

Nhân thể tôi xin cô giáo bài học của hai tuần đó tranh thủ dạy kèm cho con theo kịp bạn bè. Đưa cho tôi tập bài mỏng, cô giáo tươi cười “Nếu con không chịu học thì cứ cho chơi thoải mái, đừng ép. Chúc mấy mẹ con có chuyến đi vui và mang nắng nhiệt đới sang đây cho chúng tôi nhé.”

Đây cũng là ngôi trường niên học năm ngoái Kate vừa tốt nghiệp bậc tiểu học. Và đó cũng là giáo viên từng dạy Kate.

Được nuôi dưỡng, dạy dỗ trong môi trường nhấn mạnh về cảm hứng sáng tạo, đề cao thiên hướng cá nhân nên Kate vẫn thích đi học, lạc quan với bảng điểm dù nhiều môn chính thấp hơn điểm trung bình cả khối.

Quan sát lớp Tô có bé Mathias biết đọc từ rất sớm và tỏ ra hiểu biết hơn bạn cùng lứa, tôi hỏi con “Bạn Mathias có được cô chọn làm lớp trưởng không?”, bé Tô dõng dạc “Làm gì có lớp trưởng, bình đẳng mà mẹ. Nhưng vào dịp Giáng sinh bạn Mathias được chọn đóng vai ông già Noel.”

Đầu học kỳ họp phụ huynh cả lớp để giáo viên thông báo tình hình chung. Cuối học kỳ từng phụ huynh đăng ký giờ họp riêng với giáo viên chủ nhiệm, đơn giản bởi đây là lúc thông báo kết quả học tập và hạnh kiểm từng học sinh: không ai phải ngồi nghe giáo viên phê bình hoặc nhận xét về điểm kém của con mình trước mặt các phụ huynh khác. Lại tế nhị.

Một người bạn ở Việt Nam nghe kể vậy, cười “Ở mình chỉ khi con hư, quậy phá ở trường mới họp phụ huynh riêng.”

Con có thể mắc lỗi. Đó là một phần của quá trình học tập!” Khẩu hiệu này nhắc đi nhắc lại trong tài liệu giáo viên phát cho chúng tôi ở buổi họp phụ huynh chung đầu kỳ của các bé sắp bước vào lớp Một.

Đọc vài trang đầu đã ngập tràn sự khơi gợi cảm hứng và tế nhị yêu thương: Con lên 5 tuổi đã biết nhiều từ rồi. Có thể nói câu dài, câu ghép. Thỉnh thoảng các bé vẫn nói sai.

Không nên sửa từ sai ngay khi con vừa nói mà tốt hơn nên lặp lại câu nói của con theo cách đúng. Ví dụ con nói: Mẹ nhìn kìa, có hai con chiền chiền đậu trên bông hoa. Mẹ đáp lại: Đúng rồi, có hai con chuồn chuồn đậu trên bông hoa, đẹp quá con nhỉ. Như vậy con sẽ thấy mẹ thực sự nghe mình nói chứ không phải chăm chăm xem con nói như thế nào để sửa lỗi.”

Về VN chắc học “đúp”

Một đồng nghiệp cũ sang châu Âu công tác, ghé Bỉ thăm nhà tôi, nhận xét “Sao chị thấy trẻ con bên này đến trường vui vẻ thế nhỉ. Mặt mũi chúng rất thoải mái tự tin, khác hẳn trẻ con ở mình sớm căng thẳng lo âu vì phải học sớm, học nhiều và lắm kiểu cạnh tranh thành tích.”

Tôi trả lời “Nhưng con nhà này chuyển về Việt Nam học chắc đúp sớm vì đã học chậm lại không học thêm.” Nghe đến đây bạn tôi phá lên cười “Không những bị đúp mà còn bị đánh ấy chứ. Bọn trẻ bên này được phép tranh luận với cha mẹ, thầy cô quá thoải mái.”

Mẹ Việt nuôi con ở châu Âu: Tôi phải học từ con mình - ảnh 1

Cha mẹ và con cái cùng hóa trang để dự lễ hội Carnaval của trường- Ảnh: Kiều Bích Hương

Nhưng giáo dục còn liên quan văn hóa, tập quán, lối sống. Rất khó so sánh. Ở nhiều trường lớp tại Việt Nam áp dụng cách luân phiên lớp trưởng 3 tháng/lần để bọn trẻ học cách có trách nhiệm khi được giáo viên giao việc. Và duy trì xếp hạng trong lớp mới có căn cứ để đánh giá, động lực để học sinh phấn đấu. Nói cách khác, trong môi trường giáo dục ở Việt Nam, trẻ em sẽ mạnh về cạnh tranh hơn chăng?

Ở châu Âu đã lâu nhưng tôi chưa đi được nhiều nước trong châu lục bởi đơn giản có bao nhiêu tiền đều dành dụm mua vé đường xa cho con về thăm quê ngoại. Một đứa trẻ lên 5 tuổi như bé Tô mà 6 lần về Việt Nam kể cũng là nhiều.

Nhưng với vợ chồng tôi, về quê cũng là một cách vừa học vừa chơi ý nghĩa cho con cái. Và từ những chuyến đi ấy, tôi thấy cách bạn bè ở lứa tuổi U40 của mình giáo dục con cũng dần khác xưa.

Từng tốt nghiệp chuyên ngành Ngoại giao, giỏi ngoại ngữ, nhưng bạn tôi không dạy kèm con tiếng Anh mà cuối tuần cặm cụi xe ôm chở con đi học giáo viên bản địa “Họ dạy phát âm chắc chắn chuẩn hơn mình, còn ngữ pháp tiếng Anh con phải tự học lấy nếu thích”.

Những người bạn sớm lập gia đình, con cái giờ đã lớn khôn thường khuyên bình tĩnh và tin ở con mình. Không bắt con phải học giỏi bằng mọi giá, sợ nhất con chán học chứ không sợ con không học giỏi. Không quan trọng thành tích cá nhân đến mức nào, quan trọng là thể lực và trí tuệ sống...

Cũng nhờ những chuyến về quê, các con tôi biết đến những người bạn cùng lứa sống ở Việt Nam nhưng hầu như chẳng có gì liên quan đến Việt Nam: học trường quốc tế học phí 30 triệu đồng/tháng, nói ngoại ngữ giỏi hơn tiếng mẹ đẻ, viết luận tiếng Anh tốt hơn trẻ cùng tuổi ở Anh - Mỹ, ăn thực phẩm ngoại nhập, ở chung cư cao cấp có nhiều người nước ngoài.

Tags:
San Jose: Bắt giữ thầy giáo gốc Việt dạy nghệ thuật khá nổi tiếng

San Jose: Bắt giữ thầy giáo gốc Việt dạy nghệ thuật khá nổi tiếng

Một thầy giáo gốc Việt dạy nghệ thuật rất được yêu thích ở San Jose bị bắt giữ vào hôm thứ hai ngày 31 tháng 7 sau khi cảnh sát tìm thấy camera giấu trong phòng vệ sinh tại Enlightenment Studio.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất