Merkel cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ hai nghiêm trọng hơn thứ nhất
Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo làn sóng Covid-19 tại nước này sẽ diễn biến phức tạp hơn, khi ca nhiễm ở châu Âu đang tăng mạnh và Mỹ phải áp hạn chế mới.
09:00 12/11/2020
"Giống như dịch cúm Tây Ban Nha, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần rằng làn sóng thứ hai sẽ nghiêm trọng hơn", Merkel nói với các cố vấn kinh tế trong một cuộc họp trực tuyến hôm 11/11.
Mặc dù ca nhiễm mới ở Đức giảm nhẹ vài tuần sau khi các quan chức Đức tái áp đặt hạn chế, nước này hôm 11/11 ghi nhận thêm 261 ca tử vong, mức cao nhất kể từ tháng 4. Tổng cộng Đức báo cáo 726.176 ca nhiễm và 12.082 ca tử vong.
Từ ngày 2/11 đến 30/11, người Đức không bị giới hạn trong nhà, nhưng được yêu cầu tránh tất cả hoạt động đi lại không cần thiết, chỉ cho phép lưu trú qua đêm vì "mục đích phi du lịch".
Các quán bar, quán cà phê, nhà hàng, nhà hát và rạp chiếu phim phải đóng cửa. Các giải đấu thể thao chuyên nghiệp được tiếp tục diễn ra nhưng không được đón khán giả. Tuy nhiên, trường học và cửa hàng được phép mở cửa.
Toàn cầu ghi nhận 52.379.008 ca nhiễm và 1.288.181 ca tử vong do nCoV, trong khi 36.648.992 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.
Châu Âu đang là tâm Covid-19 của thế giới khi ghi nhận 12.910.060 ca nhiễm và 306.450 ca tử vong do nCoV. Hàng loạt quốc gia châu Âu đã áp phong tỏa cùng các biện pháp hạn chế quyết liệt hơn chống dịch.
Anh báo cáo thêm 22.950 ca nhiễm và 595 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.256.725 và 50.365.
Anh hôm 31/10 tái áp đặt phong tỏa toàn quốc Đây là một trong những lệnh giới hạn nghiêm ngặt nhất từ sau Thế chiến II, trong đó người dân được yêu cầu ở nhà và chỉ ra đường vì những lý do nhất định như đi học, đi làm, mua sắm nhu yếu phẩm thiết yếu và thuốc men, cũng như chăm sóc những người dễ tổn thương trong xã hội.
Pháp ghi nhận thêm 35.879 ca nhiễm và 328 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.865.538 và 42.535. Pháp cấm người dân tự ý rời khỏi nhà từ ngày 30/10. Các quán bar, nhà hàng cũng sẽ đóng cửa cho đến ít nhất tháng 12 và việc đi lại giữa các khu vực sẽ bị hạn chế.
Các nhà máy, trang trại và một số dịch vụ công sẽ tiếp tục hoạt động nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế. Học sinh từ cấp tiểu học đến trung học sẽ tiếp tục đến trường nhưng trẻ em dưới 6 tuổi sẽ phải đeo khẩu trang. Các trường đại học, vốn là điểm nóng virus từ tháng 9, sẽ chỉ giảng dạy trực tuyến.
Tại Italy, quốc gia ghi nhận 1.028.424 ca nhiễm và 42.953 ca tử vong, tăng lần lượt 32.961 và 623, chính phủ tuần trước áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn quốc cũng như các biện pháp cứng rắn hơn ở 4 khu vực, đóng cửa hầu hết các cửa hàng, quán bar, nhà hàng và hạn chế việc đi lại của người dân.
Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, Thụy Điển áp đặt hạn chế một phần với quán bar và nhà hàng bằng việc cấm bán đồ uống có cồn sau 22h từ ngày 20/11. Biện pháp này đánh dấu thay đổi trong cách chống dịch của nước này khi trước đây họ chủ yếu dựa vào tinh thần tự nguyện của người dân.
Trong tuần qua, ca nhiễm mới ở Thụy Điển đã tăng kỷ lục và các bệnh viện tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân. Nước này ghi nhận 166.707 ca nhiễm, trong đó 6.082 người chết.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 10.691.419 ca nhiễm và 247.198 ca tử vong sau khi báo cáo thêm lần lượt 125.597 và 1.279.
Thống đốc New York Andrew Cuomo thông báo áp đặt hạn chế mới từ 13/11, yêu cầu quán bar, nhà hàng và phòng tập thể dục trong bang đóng cửa vào 22h, giới hạn số người tham dự các bữa tiệc riêng tư từ 10 người trở xuống. Một ngày trước đó, California và một số bang Trung Tây cũng siết chặt hạn chế phòng dịch.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 48.285 ca nhiễm và 549 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 8.684.039 và 128.164.
Đại dịch đã lây lan rộng khắp đất nước 1,3 tỷ dân, từ các thành phố lớn như thủ đô New Delhi và trung tâm tài chính Mumbai, đến những vùng nông thôn và địa phương khác. Nhiều quan chức cấp cao nước này cũng nhiễm virus, như Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah hay Thống đốc Ngân hàng Trung ương Shaktikanta Das.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 564 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 163.406. Số người nhiễm nCoV tăng 47.724 trong 24 giờ qua, lên 5.749.007.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết xử lý đại dịch sẽ dễ dàng và bớt tốn kém hơn nếu đầu tư vào thuốc chữa thay vì vaccine, đồng thời tiếp tục quảng bá thuốc chống sốt rét chloroquine, bất chấp nhiều bằng chứng cho thấy nó không hiệu quả.
Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 742.394 ca nhiễm và 20.011ca tử vong, tăng lần lượt 2.140 và 60 ca.
Nền kinh tế phát triển nhất châu Phi bắt đầu nới lỏng hạn chế xuống mức thấp nhất hồi tháng 9, sau khi tỷ lệ ca nhiễm mới giảm, đồng thời mở cửa biên giới cho hành khách quốc tế từ đầu tháng 10 sau lệnh cấm kéo dài 6 tháng. Tình trạng đóng cửa khiến Nam Phi mất hơn 2 triệu việc làm trong quý II, nền kinh tế sụt giảm kỷ lục.
Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 39.664 người chết, tăng 462, trong tổng số 715.068 ca nhiễm, tăng 11.780. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9, với tình trạng gia tăng được báo cáo tại gần như toàn bộ 31 tỉnh.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 448.118 ca nhiễm, tăng 3.770 so với hôm trước, trong đó 14.836 người chết, tăng 75 ca. Philippines báo cáo 401.416 ca nhiễm và 7.710 ca tử vong, tăng lần lượt 1.672 và 49 ca.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế , Tedros Ghebreyesus, nhấn mạnh các quốc gia phải đoàn kết để chống lại virus. "Chúng ta có thể mệt mỏi với Covid-19, nhưng nó không mệt mỏi với chúng ta", ông nói. "Chúng ta không thể nhắm mắt và hy vọng nó biến mất. Nó không chú ý đến các luận điệu chính trị hoặc các thuyết âm mưu. Hy vọng duy nhất của chúng ta là khoa học, giải pháp và sự đoàn kết".
Link nguồn: https://vnexpress.net/merkel-canh-bao-lan-song-covid-19-thu-hai-nghiem-trong-hon-thu-nhat-4190484.html
Mỹ dự định phân phối vắc xin ngừa Covid-19 vào tháng 12 với giá 39 USD
Nếu hãng dược Pfizer có các dữ liệu vắc xin an toàn cần thiết, Mỹ sẽ nhận được khoảng 20 triệu liều mỗi tháng.