Miền đất hứa trong mắt chính quyền Biden
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có những động thái để thâm nhập châu Phi nhiều hơn, khi châu lục này được đánh giá là một thị trường đầu tư nhiều hứa hẹn.
23:00 17/10/2021
Có hiệu lực từ đầu năm nay, Khu vực Thương mại Tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA) là khối thương mại lớn thứ nhì trên thế giới về số thành viên, chỉ sau Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hiện 54 trong số 55 thành viên của Liên minh châu Phi, ngoại trừ Eritrea, đồng ý gia nhập khối này.
Tại phiên điều trần hồi cuối tháng 7 ở Điện Capitol, giới chuyên gia kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden không bỏ lỡ cơ hội và tham gia vào khối thương mại mới hình thành tại châu Phi, theo Nikkei Asia.
Khu vực Cape Town tại Nam Phi vào buổi đêm. Ảnh: Reuters.
“Tương lai của thị trường châu Phi sẽ được định hình bằng điện thoại di động”, Aubrey Hruby, thành viên cấp cao thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, phát biểu trước tiểu ban về châu Phi của Thượng viện Mỹ.
Bà Hruby vẫy chiếc điện thoại và nói tiếp: “Đối với hàng trăm triệu thanh niên châu Phi, đây là tấm gương phản chiếu thế giới. Câu hỏi đặt ra là: ‘Ai sẽ định hình cách sử dụng và nội dung của tương lai?’.Tôi cho rằng chúng ta nên suy nghĩ về điều này”.
Động lực khu vực mới
Mỹ muốn giới trẻ xem phim và nghe nhạc do các nhà sản xuất nội dung của nước này cùng cấp. Song tại châu Phi, nền tảng trực tuyến phổ biến nhất là M-Pesa, do công ty Safaricom của Kenya điều hành và sử dụng công nghệ từ hãng Huawei của Trung Quốc.
Nhiều người châu Phi cũng nghe nhạc bằng ứng dụng Boomplay, một thương hiệu từ nhà sản xuất điện thoại Transsion Holdings có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc.
Bà Florizelle Liser, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng Doanh nghiệp về châu Phi tại Mỹ, nhận định: “Các đối thủ của chúng ta đang làm tốt hơn nhiều. Nhưng đây là thời điểm thích hợp để đánh giá lại mối quan hệ kinh tế”.
Bà Liser cho biết: “Trong 10 đến 20 năm tới, tầm quan trọng của châu Phi với thị trường thế giới sẽ tăng lên đáng kể, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng với Mỹ, bao gồm ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), năng lượng, tài chính, cơ sở hạ tầng và y tế”.
Cũng theo bà Liser, đại dịch Covid-19 thúc đẩy những nỗ lực hiện tại của châu Phi: "Các quốc gia châu Phi đang đẩy mạnh gấp đôi việc tích hợp nền kinh tế, các nỗ lực số hóa và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu".
Giáo sư Landry Signe từ Trường Quản lý Toàn cầu Thunderbird, bang Arizona, lưu ý rằng châu Phi dự kiến là nơi sinh sống của 40% dân số thế giới vào năm 2100. Do đó, AfCFTA cung cấp một “động lực khu vực mới” để Mỹ tiếp tục phát triển.
Những người Mỹ biểu tình để phản đối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ảnh: Reuters.
Khi rời khỏi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Mỹ bỏ lỡ cơ hội tiếp cận thị trường châu Á đang tăng trưởng. Song đối với châu Phi, chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như muốn xây dựng một chỗ đứng vững chắc.
Trong Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Mỹ - châu Phi hồi cuối tháng 7, bà Dana Banks, Giám đốc cấp cao về châu Phi tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, cho biết chính quyền Mỹ có kế hoạch “hồi sinh” một châu Phi thịnh vượng.
Đây là sáng kiến do cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra vào năm 2018, được coi là “trọng tâm của cam kết về kinh tế và thương mại giữa Mỹ và châu Phi”.
Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia, bà Aubrey Hruby nhận xét AfCFTA không giống CPTPP vì nó là một sân chơi hoàn toàn mới với Mỹ. “Ông Biden muốn tham gia vào AfCFTA để cạnh tranh với Trung Quốc”, chuyên gia này cho biết.
Mỹ có nhiều lợi thế
Victoria Nuland, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề chính trị của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã công du Nam Phi, Botswana, Tanzania và Niger vào đầu tháng 8. Trong chuyến đi, bà Nuland đã thảo luận với các nhà lãnh đạo châu Phi về thương mại, y tế và dân chủ.
Ngay trước chuyến đi, Mỹ thông báo tặng 25 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho 49 quốc gia tại châu Phi.
Nhiều nguồn tin có mặt trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ khẳng định nước này có nhiều cách để giành lợi thế tại châu Phi.
Theo bà Hruby, Mỹ có thể sử dụng công nghệ vệ tinh để “đi tắt đón đầu”, nhằm cạnh tranh với cơ sở hạ tầng viễn thông mà Trung Quốc xây dựng tại châu Phi. Bà nói: “Sự hỗ trợ có mục tiêu của Mỹ trong lĩnh vực số hóa sẽ giúp các nước châu Phi đi trước cách tiếp cận cũ”.
Chuyên gia Liser thì nhận định các nước châu Phi đang dần ưu tiên chất lượng thay vì giá cả khi xây dựng cơ sở hạ tầng. Bà nói: “Điều quan trọng với họ là có những con đường, những sân bay thật sự chất lượng”.
Công nhân Trung Quốc và công nhân châu Phi. Ảnh: Getty.
Bà Liser tự tin rằng các công ty của Mỹ có lợi thế cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ kỹ thuật và công nghệ cao. “Những sản phẩm tốt nên được sử dụng khi xây dựng cầu đường ở châu Phi. Chúng tôi làm điều này tốt hơn”, bà Liser nói.
Trung Quốc đang có thế mạnh về sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ. Song người châu Phi trong tương lai có thể không thoải mái với các công nghệ theo dõi.
“Khi cơ sở hạ tầng viễn thông của Trung Quốc được mở rộng tại châu Phi, nhiều người lo ngại về quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu hay sự phụ thuộc quá mức vào các ứng dụng cài sẵn”, bà Hruby phân tích.
Từ những lập luận trên, bà Hruby cho rằng Mỹ có thể thu hút giới trẻ tại châu Phi, thông qua việc bảo vệ các tiêu chuẩn và đưa ra chính sách Internet rộng mở.
Dù vậy, việc giành được niềm tin của người châu Phi vẫn là một cuộc chiến lâu dài.
Bà Hruby cho biết khoảng 20% nhà lãnh đạo và nguyên thủ quốc gia của châu Phi từng học tập tại Mỹ. “Nếu vậy, trong 25 năm nữa, họ sẽ theo học ở đâu? Điều quan trọng là phải tập trung vào giáo dục”, chuyên gia này kết luận.
30 thành phố hạnh phúc nhất nước Mỹ theo xếp hạng của WalletHub
Một số thành phố của Hoa Kỳ được biết đến với sự thân thiện, một số khác là những điểm đến du lịch được yêu thích, và dưới đây là 30 thành phố được đánh giá là những nơi hạnh phúc nhất để cư trú.