Miễn thuế lợi tức: California tìm cách giữ chân nhà giáo
Một dự luật mang tên “Tuyển Mộ và Lưu Giữ Nhà Giáo” vừa được đề nghị tại Thượng Viện tiểu bang California sẽ hoàn toàn miễn thuế lợi tức tiểu bang cho các nhà giáo có thời gian làm việc hơn sáu năm.
07:34 05/04/2017
Dự luật SB 807 này là một nỗ lực mới nhằm tạo điều kiện để các nhà giáo ở lại trong ngành của mình tại một tiểu bang đang gặp tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng.
Tại nhiều nơi trên nước Mỹ, các nhà giáo tiếp tục gặp tình trạng lương thấp và quá nhiều áp lực tinh thần khiến nhiều người nghỉ việc, dù rằng ai cũng hiểu vai trò cao quý của nghề này.
Dự luật ở California sẽ là biện pháp đầu tiên ở cả tầm vóc tiểu bang và liên bang để tìm cách tạo điều kiện cho các nhà giáo thâm niên ở lại ngành giáo dục.
Tuy nhiên, trong khi ai cũng đồng ý rằng tìm cách giải quyết vấn đề thiếu hụt giáo viên là quan trọng, ý tưởng dùng chiến lược chưa thử nghiệm bao giờ này cũng khiến có các câu hỏi là liệu một chương trình tốn kém như vậy có hiệu quả để đối phó với những vấn đề lớn hơn trong ngành giáo dục hay không.
Theo lời ông David Steiner, giám đốc điều hành viện nghiên cứu Johns Hopkins Institute for Education ở Baltimore, thì có nhiều lý do để giải thích tình trạng thiếu hụt giáo viên ở California và các tiểu bang khác.
“Có sự thiếu hụt trầm trọng về giáo viên cho trẻ có nhu cầu đặc biệt và những trẻ mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ,” Tiến Sĩ Steiner cho hay. “Những lãnh vực thiếu giáo viên có nhiều lý do, nhưng thấy rất rõ ràng ở những nơi như San Francisco, vì chi phí cho nhà ở quá cao, khiến các nhà giáo không đủ tiền chi trả.”
Tại California, tình trạng nhu cầu cao và giáo viên ít đã khiến xảy ra vấn đề phải thuê những giáo viên không đủ khả năng hay những giáo viên tạm thời. Và việc các giáo viên bị yêu cầu phải dạy những lớp ngoài khả năng chuyên môn của họ cũng là điều thường thấy.
“Hiện cũng có sự lo ngại lớn lao về các quyền lợi y tế và hưu trí của nhà giáo bị cắt giảm,” theo lời ông John Craven, giáo sư Sư Phạm tại đại học Fordham University ở New York.
Ông Craven nói rằng tại một số tiểu bang cũng như địa phương, đóng góp của giới chủ nhân cho chương trình hưu trí rất ít ỏi. Do đó, các nhà giáo phải đóng thêm tiền của riêng mình và điều này lại càng làm cho mức lương của họ đã thấp lại càng thấp hơn. Ông Craven cho hay tình trạng này ảnh hưởng nhiều nhất đến các giáo viên mới vào nghề.
Tất cả các vấn đề nêu trên đóng góp vào sự ngần ngại của những người nghĩ tới việc đi vào nghề dạy học, cũng theo ông Craven.
Dự luật ở California sẽ tìm cách điều chỉnh tình trạng này bằng cách cho các giáo viên mới vào nghề được bớt số thuế lợi tức tương đương với 3.4% mức lương của họ. Những người đã đi dạy từ sáu năm trở lên, sẽ hoàn toàn không phải trả thuế lợi tức, coi như làm tăng tiền lương của họ từ 4 đến 6% trong 10 năm tới.
Tất cả các biện pháp giảm và miễn thuế cho giáo chức này sẽ khiến tiểu bang California phải chi thêm $617.5 triệu mỗi năm, không phải là một con số nhỏ. Nhưng qua việc đầu tư vào ngành giáo dục, các nhà lập pháp nghĩ rằng sẽ giúp giảm bớt số người bỏ nghề và có lợi cho tiểu bang về mặt tài chánh trên đường dài.
“Nhà giáo là những người khởi sự tiến trình tạo ra công viện làm,” theo lời nghị sĩ tiểu bang Henry Stern, thuộc đảng Dân Chủ, người đưa ra dự luật này cùng với đồng viện là nghị sĩ Cathleen Galgiani, cũng thuộc đảng Dân Chủ.
“Nghề dạy học rất quan trọng cho sự thành công kinh tế của tiểu bang California và ảnh hưởng tới mọi ngành nghề ở nơi đây,” ông Stern cho hay.
California đang dư diện mặt trời, giá điện vẫn không giảm
California sản xuất rất nhiều điện năng lượng mặt trời trong những giờ ban ngày, nhiều đến nỗi một số nhà máy đang đóng cửa, cho đến khi nào nhu cầu tăng lên sau đó trong ngày.