Mới qua Mỹ

Tôi cũng vừa theo chồng qua Mỹ được 6 tháng. 6 tháng còn quá nhiều thứ chưa làm quen được, nhưng tôi cũng chia sẻ cùng các bạn.

23:30 20/12/2018

Trong quá trình yêu nhau và còn ở Việt Nam, cũng nhờ blog này, tôi cố gắng học Anh Văn, làm tóc, làm móng tay và nấu ăn để làm hành trang đi qua nước Mỹ theo chồng.

Chồng tôi là bạn học cũ. Tình cờ liên lạc nhau, thương nhau, rồi lấy nhau. Do đó không có gì trở ngại là quá xa lạ nhau như một số bạn lấy chồng Việt Kiều.

Nhờ có học Anh Văn kỹ, tôi từ ngày thứ hai, sau đêm đầu tiên, là có thể chào hỏi và chuyện trò với hàng xóm, một ông lão người Mỹ. Ông sửa cho tôi cách phát âm nhiều từ và tôi học rất nhanh.

Ông nói cho tôi biết sống ở Mỹ cần có credit. Làm gì làm, phải “build credit để mà có tương lai. Muốn có credit là phải đi làm có đóng thuế. Sống ở Mỹ là sống cho tương lai chứ không phải hiện tại. Người Mỹ nói về cuộc sống của Mỹ rất hay cho dù có nhiều thứ không hạp với văn hóa của người Việt mình.

Sau 2 ngày đầu tiên thì chồng phải đi làm. Chờ chồng về thì chờ lâu, cho nên tôi nấu ăn cho cả gia đình chồng giết thời gian.

Giấy tờ thì chẳng có gì, vì thế phải chờ đăng ký kết hôn và làm nhiều thứ giấy tờ khác.

Tuần sau thì cả gia đình chồng đi cùng tới toà tuyên thệ kết hôn. Có thể ông cha, ông sư, ông hay bà mục sư có thể tuyên thệ kết hôn. Nếu không có họ thì người ta đến toà để tuyên thệ kết hôn để có hôn thú.

Hơi buồn vì chẳng có bạn bè của mình. Cảm thấy đơn côi và lạc lõng vì ngoài chồng ra đâu còn ai. Cho dù chỉ là thủ tục pháp lý nhưng thấy buồn vì không có ai phía mình trong phút giây này. Cho dù cả hai gia đình cùng làm đám cưới lớn trước khi đi qua Mỹ nhưng tôi vẫn thấy có gì đó thiếu thiếu.

Chồng sáng đi làm, chiều về ăn cơm, xong thì dẫn tôi đi học các lớp Anh Văn (ESL) miễn phí dành cho những người mới đến Mỹ hoặc kém tiếng Anh. Không thấy chữ Việt, giọng Việt, con người Việt làm tôi thấy cô đơn. Tối lại với chồng trên giường là tôi thấy ấm áp và vui nhất cùng những cảm giác thăng hoa với nhau. Sáng dậy phải lo chia tay chồng đi làm việc.

Có hôn thú thì xin thẻ an sinh xã hội. Có thẻ này mới đi làm được. Có thẻ an sinh xã hội mới làm tiếp giấy tờ để có thẻ xanh tạm. Có thẻ an sinh xã hội thì phải đóng tiền làm giấy cho phép làm việc vì tôi qua đây theo diện vị hôn thê, chứ không theo diện vợ chồng.

Chờ dài cổ mới có thẻ xanh tạm và có giấy cho phép làm việc. Tôi bắt đầu tìm việc trên web cũng như đi lòng vòng các cửa hiệu viết đơn xin việc. Do chồng tôi báo trước lúc này kinh tế Mỹ chưa phục hồi, việc làm ít cho nên tôi không lạ là không có ai kêu tôi. Tôi vẫn kiên nhẫn đi xin việc.

Trong quá trình đi xin việc, tôi cũng được học lái xe. Tôi thi lấy giấy phép tập lái xe khá dễ dàng vì có học Anh Văn và có chồng giảng nghĩa cho cuốn sách học (phát miễn phí). Sau 2 tuần tập lái xe với chồng và người nhà chồng, tôi có bằng lái. Ai cũng khen tôi lanh lợi và biết tuân thủ luật giao thông tốt.

Nhờ tập nói chuyện Anh Văn nhiều với ít người hàng xóm, có người giới thiệu tôi vào làm hãng làm bao bì và thùng giấy với mức lương đạm bạc: $9 mỗi giờ. Mọi người đều khích lệ cho nên tôi vui lắm, nhưng ai cũng nói làm ở Mỹ hơi cực và chuẩn bị tinh thần để … than thở với chồng (cười).

Tuy không có xe, tôi chịu khó đi làm bằng xe buýt, chiều chồng đón về. Những ngày đầu làm việc cả người ê ẩm nhưng tôi ráng chịu đựng và mọi người an ủi. Tuần đầu ngày nào chồng cũng mát xa cho thoải mái. Đúng là có chồng mà mình thương yêu thấy ấm áp và có sức để làm quen với công việc và Xã hội.

Chỗ làm thì mọi người không tỏ vẻ kỳ thị người mới đến Mỹ. Ai cũng cười và nói “Welcom to America”. Ai cũng tự hào mình làm việc được vì có làm là có tất cả cho dù công việc chỉ $9 mỗi giờ.

Tôi học hỏi nhiều trong công việc. Đó là tính kỷ luật và an toàn lao động. Mình người làm, mình phải biết an toàn lao động cho dù quản lý có ép mình làm. Trong vòng an toàn và công việc trên hợp đồng lao động thì làm, không thì đòi hỏi sự an toàn và đúng hợp đồng. Cho dù ai cũng bị bịnh làm biếng nhưng công việc phải làm cho đúng và đủ.

Hai tuần sau, tôi được lảnh lương (lương tuần, gác lại 1 tuần). Chồng tôi dẫn tôi ra ngân hàng cho tôi mở account riêng để tập quản lý và tích lũy tiền bạc.

Quản lý tiền bạc và tính toán mọi tiêu xài là chuẩn mực của người Mỹ. Người ở Việt Nam hay chê Việt Kiều hay “tính toán” trong tiêu xài nhưng họ đâu biết đó là chuẩn mực của người Mỹ. Do đó khi tiêu xài gì, mọi người đều “tính toán” và xem chuyện đó là đáng để được làm khi ở Mỹ.

Tuần lương đầu tiên của tôi bị trừ đủ loại thuế. Do bảo hiểm sức khoẻ bên hãng chồng bao cho tôi nên tôi không cần mua. Các loại thuế lấy hết gần 30% thu nhập khiến tôi cảm thấy mất mát lớn. Chồng tôi nói là thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của dân Mỹ. Nhờ có thuế thì công cộng (đường xá, công viên, tiện ích,…) mới đầy đủ và tốt.

Mặc dù tôi chỉ làm công nhân quèn và lương thấp, bạn bè nhà chồng tôi có vẻ nể tôi vì tôi mới qua biết đi học hỏi thêm và biết đi làm hãng và có đóng thuế.

Nhiều cô mới qua, không chịu học hỏi thêm (cả chuyện lái xe lái không được) vội đi làm móng tay trốn thuế. Tuy có nhiều tiền gấp 3 lần tôi nhưng không có tương lai. Các cô ấy đeo túi LV, đeo nhẫn kim cương to, áo quần xịn,…. nhưng không tích luỹ tiền trong ngân hàng được vì làm trốn thuế và lấy tiền mặt (không lấy check). Ngân hàng không nhận tiền mặt nhiều nếu đồng tiền không có nguồn gốc rõ ràng.

Tôi được nhiều người Mỹ cho biết đi làm hãng ít tiền nhưng tôi sẽ học và hoà nhập tốt hơn. Con cái sau này có credit tốt từ ba mẹ để đi lên nếu có hướng mở.

Chỉ mới 6 tháng thôi, tôi không thể nói điều gì hơn. Trước mắt tôi sẽ dồn tiền đặt cọc để mua xe trả góp có chồng đứng tên chung để “build credit”. Chiếc xe để giúp tôi đi làm và tự do trong di chuyển hơn. Chồng có thể giúp tôi mua nhưng tôi muốn giống chồng hồi xưa là chồng khi mới qua bên Mỹ thì chẳng có ai đứng tên giúp đở nhiều thứ. Còn tôi qua Mỹ thì có chồng làm nền tảng và tôi sẽ không dựa dẫm mãi nền tảng của chồng mà vun xây thêm cho nền tảng của cả hai thêm vững chắc.

Trước mắt, tôi vẫn phải học ESL để củng cố Anh Văn, đi làm để “build credit”, tìm hiểu xã hội để hoà nhập với cuộc sống ở Mỹ, và sẽ học cái nghề đang thịnh hành hay sẽ thịnh hành.

Ở Mỹ tuổi nào cũng có thể và phải học theo nhịp phát triển của Xã hội. Do đó tôi sẽ học, học lấy vài chứng chỉ (certificate), cho dù không phải học đại học nhưng cái học sẽ giúp tôi trở thành một thành viên tốt trong xã hội Mỹ.

Cảm ơn các bạn đã đọc những lời chia sẻ.

Thanh Hằng

Tags:
CẬP NHẬT: Trung Quốc bắt công dân Canada thứ ba sau vụ Huawei

CẬP NHẬT: Trung Quốc bắt công dân Canada thứ ba sau vụ Huawei

Nếu được xác nhận, đây là công dân thứ ba của Canada bị Trung Quốc bắt giữ sau vụ giám đốc tài chính toàn cầu Huawei của Trung Quốc, bà Mạnh Vãn Chu, bị bắt tại Canada hồi đầu tháng 12.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất