Món ăn Việt ở Mỹ: Ngon nhưng không phải ai cũng biết
Orange County là nơi có Little Saigon với hơn 200,000 người gốc Việt chọn làm nơi trú ngụ. Thế nên đi đâu cũng thấy món ăn Việt. Tuy nhiên cũng còn rất nhiều người “nước ngoài” lạ lẫm với những món ăn này.
04:00 20/05/2018
Việt Nam có nhiều món ngon trên khắp ba miền, nhưng khi nhắc tới món ăn Việt ở Mỹ, người ta thường nghĩ đến hai món “chủ lực” là bánh mì và phở. Đúng là như vậy, vì đi đâu cũng thấy tiệm phở, hay một tiệm bánh mì tựa như Lee Sandwiches.
Anh Jason Moore, một sinh viên Mỹ gốc Châu Phi của đại học Cal State Fullerton, chia sẻ hiểu biết của mình về thức ăn Việt Nam: “Cứ mỗi tối Thứ Bảy, tôi hay rủ đám bạn vào ký túc xá để nhậu rồi đứa nào cũng nhức đầu. Sáng hôm sau, bọn tôi hay đi ăn phở tại có tiệm phở Olivia ở gần trường, đi bộ 10 phút là tới.”
“Thật sự mà nói, tôi chỉ biết có phở và bánh mì là món ăn Việt thôi. Tôi nghe nhiều người nói có nhiều món khác ngon lắm, mà không biết món gì để thử,” anh Jason nói thêm.
Nhiều người cũng cho biết họ chỉ biết có phở và bánh mì là món ăn Việt thôi, cũng không biết gì nhiều về các món khác. Có khi nào hai món này làm lu mờ đi những món ăn Việt khác không?
Biết là phở nổi tiếng, nhưng với một số người, phở không được như món mì ramen của người Nhật.
Ở Fountain Valley có tiệm Shin-sen-gumi, một tiệm bán mì Nhật, lúc nào cũng có nhiều người đủ mọi sắc dân xếp hàng ăn. Mỗi khi có một tiệm ramen sắp mở trong vùng thì các thực khách lại xôn xao trên mạng.
Còn tiệm phở, cho dù có đông cũng chỉ có người Việt ăn là chính.
Tại sao lại có sự khác biệt như vậy?
Có lẽ một phần là do người Nhật biết quảng bá văn hóa của mình hơn chăng?
Đài truyền hình Nhật NHK World có chương trình Begin Japanology, một chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh để giới thiệu cho người nước ngoài biết về ẩm thực và văn hóa của nước mình.
Ngoài báo đài ra, những truyện tranh và phim hoạt hình của Nhật ngày càng thu hút giới trẻ, và khiến họ tìm hiểu thêm về văn hóa của đất nước này.
Ông Minh Phan, một cư dân ở Midway City đứng xếp hàng trước tiệm ramen Shin-sen-gumi, nêu cảm nghĩ: “Hôm nay con trai tôi rủ đi ăn. Món ăn Nhật ngon thì ngon, nhưng tôi thấy không ngon bằng món ăn nước mình. Chắc tại người Nhật họ biết quảng bá, thêm nữa là đất nước họ hùng cường nên nói người ta dễ nghe.”
“Việt Nam mình bị nhiều thiệt thòi, nên khó mà cho người ta thấy được văn hóa của nước mình. Có gì để người ta coi đâu. Con trai tôi ngày nào thấy nó cũng coi phim hoạt hình Nhật, rồi cuối tuần nó rủ tôi đi ăn mấy món Nhật ở Costa Mesa. Con trai mình ngay đây mà còn không thèm tìm hiểu về cội nguồn của nó, thì làm sao người khác biết được,” ông Minh kể thêm.
Người Tàu tuy không có sức mạnh truyền thông như người Nhật, nhưng món ăn của họ thì ai cũng biết.
Hầu hết các thành phố lớn ở Hoa Kỳ đều có một khu phố Chinatown. Nào là Los Angeles, San Francisco rồi đến New York, thành phố lớn nào cũng đông người Tàu.
Ở Mỹ thì không ai không biết tới Panda Express. Mặc dù đây là những món ăn đã bị “Mỹ hóa”, nhưng cũng phần nào đại diện được cho món Tàu. Trong khi nhiều người còn không biết Lee Sandiwiches là gì, thì Panda Express lại không lạ với số đông.
Anh John Takahashi, sinh viên gốc Nhật ở đại học Cal State Long Beach, cho biết: “Tôi cũng thấy làm lạ là món ăn Việt Nam không có nhiều người biết đến. Hôm kia, tôi đi ăn cơm phần Việt với mấy đứa bạn, hình như ở quán Mai gì đó ở Westminster, ăn rất ngon. Tôi thích nhất cái món cá kho trong cái nồi nhỏ.”
“Tiếng Nhật có chữ ‘gohan’ có hai nghĩa là bữa cơm và hạt cơm. Người Nhật chúng tôi rất thích ăn cơm, mà tôi thấy mấy món ăn Việt này mặn mà, ăn rất hợp với cơm. Thật là tiếc vì những món này ít người biết tới,” anh John nói thêm.
Có lẽ là đúng như lời ông Minh nói, Việt Nam có nhiều thiệt thòi nên khó mà thi triển tài nghệ ẩm thực của mình như người Nhật và người Tàu. Chả biết làm sao để tuyên truyền.
Cũng cám ơn hai món phở và bánh mì làm rạng danh ẩm thực Việt ở Mỹ, nhưng đâu phải chỉ có hai món này. Phải tìm mọi cách để quảng bá những món ngon đặc sắc khác của người Việt thôi.
Chàng thạc sĩ Canada tranh thủ làm công nhân vì cô gái Việt
Ngày cuối tuần, Trần Anh Nhật, chàng trai gốc Việt, chuyên nghiên cứu về ung thư não, tranh thủ đi lái xe chở hàng để kiếm tiền chăm vợ.