Mong manh giấc mơ Mỹ
“Những kẻ mộng mơ” – cụm từ người bản địa sử dụng nói tới những người nhập cư vào Mỹ khi còn nhỏ. Hiện, “Những kẻ mộng mơ” có thể đối mặt với nguy cơ bị trục xuất.
09:30 13/09/2017
Ngoại trừ một chút ngữ điệu Tây Ban Nha mờ nhạt, Juan Escalante không khác gì những người đã sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Thích mặc quần bò, đeo kính Ray Ban và có một tình yêu nồng nàn với cà phê, Juan y hệt như bao người Mỹ khác.
Điều khiến anh khác biệt là được cha mẹ, người Venezuela, đưa đến Mỹ từ năm 11 tuổi. Anh không có giấy tờ hợp lệ, nhưng đã giành được quyền bảo đảm từ Chính phủ Mỹ vào năm 2012 – không trục xuất những người trẻ tuổi, như Escalante và hai người em.
“Tôi cảm thấy mình như người Mỹ. Tất cả những gì tôi thiếu là một mảnh giấy xác nhận rằng lòng trung thành của tôi nằm ở đất nước này – Juan Escalante, hiện 28 tuổi và là nhà vận động nhân quyền ở Tallahassee, Florida, nói. “Cuối cùng thì, khi nói về Chương trình “Hành động vì trẻ nhập cư – DACA” – chúng ta đang nói về những người đã lớn lên ở Mỹ, muốn đóng góp và tiếp tục biến mảnh đất này thành ngôi nhà thực sự của họ”.
Sau nhiều tháng trì hoãn, Tổng thống Donald Trump sẽ sớm có quyết định cuối cùng về số phận của những người nhận DACA – thường được gọi là “kẻ mộng mơ” – trong khi ông phải đối mặt với áp lực thực hiện những cam kết cứng rắn và thời hạn thực hiện trong chiến dịch bầu cử trước đó của mình.
Một nhóm các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa, đứng đầu là luật sư Texas Ken Paxton, đã đe dọa sẽ kiện ra tòa đối với Chương trình DACA, trừ khi chính phủ hủy bỏ kế hoạch và ngừng cấp giấy phép lao động trước ngày 5.9 tới.
Tổng thống Donald Trump đã ban hành các sắc lệnh ngặt nghèo về quy định nhập cư, như cấm khách du lịch từ 6 quốc gia Hồi giáo, nhưng lại do dự về việc “ra tay” đối với DACA. Trong chiến dịch bầu cử năm ngoái, ông đã mô tả chương trình này là một sự “ân xá bất hợp pháp”.
Một nghiên cứu của Tom Wong – nghiên cứu viên tại Đại học California, San Diego – cho thấy DACA có ích cho nền kinh tế Mỹ, và ngược lại.
Khoảng 97% “Kẻ mộng mơ” hiện đang làm việc hoặc theo học ở các trường. Việc được phép lao động tại Mỹ giúp nhiều người leo từng nấc trên bậc thang sự nghiệp, nghĩa là mức lương trung bình tăng lên 69%, và đồng nghĩa thu ngân sách của chính phủ cũng tăng thêm.
“Kẻ mộng mơ” trả tiền thuê nhà, mua xe hơi và máy tính xách tay… Cuộc khảo sát với 3.063 người tham gia cho thấy: 16% mua nhà và 5% tiến hành kinh doanh; trên tổng thể, họ sẽ làm tăng thêm 460 tỉ đôla lợi nhuận cho nền kinh tế Mỹ trong thập kỷ tới – ông Wong khẳng định. Ít nhất 72% trong số 25 công ty hàng đầu của Fortune 500 sử dụng nhân công xuất phát từ Chương trình DACA, có nghĩa là bất kỳ quyết định ngừng gia hạn giấy phép lao động cũng sẽ bắt buộc các tập đoàn lớn dành thời gian và tiền bạc để tuyển dụng những tài năng mới trong tương lai ngắn.
Những “Kẻ mộng mơ” – những đứa trẻ được đưa vào Mỹ, thường là bằng các con đường bộ nguy hiểm xuyên qua sa mạc và qua các băng nhóm tội phạm. ¾ trong số họ đến từ Mexico; độ tuổi trung bình khi nhập cảnh là 6 tuổi rưỡi.
Cuộc thăm dò ý kiến của Morning Consult, vào tháng 4.2017 cho thấy, 78% số cử tri muốn “Kẻ mộng mơ” được phép ở lại Mỹ; 56% bày tỏ sự ủng hộ cho việc cấp quyền công dân. Chỉ có 14% số người được hỏi cho rằng họ nên bị trục xuất…
Chương trình “Hành động vì trẻ nhập cư – DACA” đã giúp 800.000 người nhập cư trẻ tuổi, không giấy tờ, có tư cách pháp nhân, giấy phép lao động và giấy phép lái xe, nhưng hiện đang nằm trong diện xem xét bị trục xuất dưới thời Tổng thống Donald Trump.
THÀNH LƯƠNG
Nguồn: laodong.vn
Cách ứng phó kì lạ của dân Mỹ với siêu bão Irma
Mặc dù Irma là một trong những cơn bão Đại Tây Dương mạnh nhất, nhiều người dân Florida vẫn rất thư thái khi đón bão.