Một giáo sư tuyên bố đã tìm ra thuốc "chữa khỏi" Covid-19
Giáo sư Paterson cho biết mình không thổi phồng khi nói hai loại thuốc này chính là phương pháp "chữa khỏi" Covid-19.
08:00 18/03/2020
Một nhóm các nhà nghiên cứu Australia nói rằng họ đã tìm ra cách chữa trị Covid-19, và hi vọng có thể khởi động một thử nghiệm lâm sàng trên toàn quốc ngay trong tháng 3 này. Giáo sư David Paterson, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm Lâm sàng tại Đại học Queensland tiết lộ:
Nhóm của ông đã sử dụng kết hợp hai loại thuốc để giết chết toàn bộ virus SARS-CoV-2 trong ống nghiệm. Loại thuốc thứ nhất là chloroquine được dùng để điều trị sốt rét. Loại thuốc thứ hai là hỗn hợp lopinavir/ritonavir trước đây từng được dùng để ức chế virus HIV.
Sau đó, họ đã tiến hành thử nghiệm chúng trên những bệnh nhân đầu tiên dương tính với Covid-19 tại Australia. Kết quả là virus trong người họ cũng biến mất và các bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn.
Hiện cũng là một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Phụ nữ Hoàng gia Brisbane, Giáo sư Paterson cho biết mình không nói quá hay thổi phồng khi coi hai loại thuốc này chính là một liệu pháp "chữa khỏi" Covid-19.
"Đó là một phương pháp điều trị tiềm năng hiệu quả", Giáo sư Paterson nói. "Các bệnh nhân cuối cùng đã không còn virus corona trong cơ thể, sau khi họ kết thúc đợt điều trị".
Giáo sư David Paterson, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm Lâm sàng tại Đại học Queensland
Vì cả hai loại thuốc này hiện đều đang có sẵn tại Australia và đã được đăng ký để điều trị các căn bệnh khác, việc cấp phép thử nghiệm chúng trên bệnh nhân Covid-19 sẽ không gặp nhiều cản trở.
"Những gì chúng tôi muốn làm bây giờ là một thử nghiệm lâm sàng lớn trên khắp Ausatralia, chúng tôi nhắm đến quy mô thử nghiệm tại 50 bệnh viện. Và những gì chúng tôi sẽ làm là so sánh sự hiệu quả của từng loại thuốc với nhau và với sự kết hợp khi điều trị bằng cả hai loại thuốc", giáo sư Paterson nói.
Dựa trên kinh nghiệm của mình, ông và nhóm nghiên cứu cho biết tất cả các loại thuốc này đều dung nạp tốt và không có tác dụng phụ ngoài dự kiến. Nhóm nghiên cứu của ông đã dự định sử dụng các loại thuốc này từ khi dịch bệnh chưa bùng phát mạnh tại Ausatralia.
"Chúng tôi không lúng túng trước tình hình, chúng tôi có thể tiến nhanh đến bước ghi danh những người Australia vào thử nghiệm", giáo sư Paterson nói. "Câu hỏi mà tất cả chúng tôi đều có trong đầu – chúng tôi biết dịch bệnh đang đến, nhưng đâu là cách tốt nhất để chữa trị nó?".
Nhìn vào kinh nghiệm chống dịch hiệu quả tại Trung Quốc và Singrapore, giáo sư Paterson tự tin rằng họ có thể bắt đầu áp dụng biện pháp điều trị với thuốc sốt rét và thuốc HIV tại quê nhà.
"Chúng rôi muốn mang đến cho người Australia một biện pháp điều trị tuyệt vời đến hoàn hảo, chứ không phải chỉ là một phỏng đoán của ai đó, hoặc một kinh nghiệm mà ai đó kể lại sau khi họ chứng kiến trên một vài người", ông nói.
Theo kế hoạch dự kiến, giáo sư Paterson sẽ tiến hành tuyển mộ và ghi danh các bệnh nhân tham gia thử nghiệm hai loại thuốc vào cuối tháng ba.
"Theo tiến độ đó, nếu chúng tôi có thể thử nghiệm nó trong đợt bệnh nhân đầu tiên này, thì vài tháng tới theo dự kiến chắc chắn rằng sẽ còn có nhiều ca nhiễm bệnh mới nữa, khi đó chúng tôi sẽ có được những thông tin tốt nhất để điều trị cho những bệnh nhân tiếp theo", ông nói.
"Đó chính là mục tiêu của chúng tôi, để có được những kinh nghiệm thực tế [khi điều trị Covid-19] ở Australia".
Chloroquine, một loại thuốc chống sốt rét dường như cũng có tác dụng điều trị Covid-19
Trước đó, cả hai loại thuốc chloroquine và lopinavir / ritonavir đã đều được thử nghiệm tại Trung Quốc. Chloroquine là một loại thuốc điều trị sốt rét hiếm khi được sử dụng. Còn lopinavir/ritonavir là hỗn hợp thuốc điều trị HIV thế hệ cũ và đã được thay thế bằng thuốc thế hệ mới.
Tuy nhiên, giáo sư Paterson cho biết các dữ liệu thử nghiệm ở Trung Quốc không thực sự chính xác. Vì thời điểm thử nghiệm thuốc là khi Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng khổng lồ của các bệnh nhân. Các thử nghiệm ở đó đã được tiến hành thiếu kiểm soát chất lượng.
"Mọi thứ lúc đó đơn giản là rất hỗn loạn", giáo sư Paterson nói. "Những bệnh viện dã chiến đã được xây dựng và hệ thống y tế thực sự rất áp lực".
Vì vậy bây giờ, ông ấy muốn tiến hành các thử nghiệm một cách cẩn thận và bình tĩnh tại Australia, để chống lại virus corona mới và giảm bới sự lo lắng của người dân nước mình.
Giáo sư Paterson cho biết Australia cũng đã sử dụng những loại thuốc này để điều trị cho một số bệnh nhân. Kết quả của chúng rất thành công, nhưng thử nghiệm ấy cũng đã không được thực hiện trong sự kiểm soát và đối chiếu chặt chẽ.
Các loại thuốc này có dạng viên nén và bệnh nhân đã được cho uống chúng. Giáo sư Paterson kể lại những người tham gia thử nghiệm đầu tiên chính là những bệnh nhân Trung Quốc tại Australia. Họ đã lên internet và đọc được các thử nghiệm điều trị Covid-19 ở nước ngoài khi đó.
Các bệnh nhân này sau đó đã nói với các bác sĩ và yêu cầu họ cũng nên thử nghiệm phương pháp này dành cho mình. Giáo sư Paterson nhớ lại: "Các bác sĩ của chúng tôi đã rất, rất ngạc nhiên khi một loại thuốc HIV thực sự có thể hoạt động để chống lại virus corona mới. Nhưng chúng tôi cũng đã có một chút hoài nghi.
Đó là làn sóng bệnh nhân Trung Quốc đầu tiên chúng tôi có (ở Australia), nhưng rồi tất cả họ đã làm rất, rất tốt khi được điều trị bằng thuốc HIV. Điều đó khiến chúng tôi an lòng… rằng chúng tôi đã có một thứ gì đó rất tốt ở đây".
Tại Australia, tổ chức từ thiện tại Bệnh viện Phụ nữ Hoàng Gia Brisbane RBWH Foundation đã thành lập một Quỹ Hành động vì virus corona. Cho đến chiều thứ hai, họ đã huy động được 30.000 USD trong số 750.000 USD mong muốn để thực hiện thử nghiệm thuốc lâm sàng và các nghiên cứu y học khác liên quan đến Covid-19.
"Các thử nghiệm sẽ bắt đầu ngay khi nguồn tài trợ được bảo đảm", RBWH Foundation cho biết.
Khi được hỏi tại sao họ phải kêu gọi tiền ủng hộ, giáo sư Paterson nói rằng nhóm của ông muốn cung cấp các biện pháp điều trị đến nhiều người dân Australia nhất có thể, và các bác sĩ thì không thể rời khỏi vị trí thường ngày của mình để lo việc tài chính cho nghiên cứu.
"Thực tế là các bác sĩ sẽ cần phải tập trung vào bệnh nhân của họ và chúng tôi cần phải có một nhóm nghiên cứu rất mạnh trên khắp Australia, để đảm bảo mọi thứ được tiến hành thật tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Và chắc chắn rằng đó sẽ phải là một nghiên cứu thực sự có chất lượng cao, để chúng tôi có thể hoàn toàn tin tưởng vào kết quả của nó", ông nói.
"Chúng ta đã từng làm điều này trước đây với các vụ cháy rừng. Đây là một ví dụ điển hình trong đó chúng ta đã tiếp cận được với công chúng, để có được nguồn hỗ trợ tài chính dành cho các nghiên cứu, để chúng có thể được tiến hành.
Hiện 50 bệnh viện đã bày tỏ sự quan tâm và muốn tham gia [vào thử nghiệm] cùng chúng tôi. Chúng tôi đoán rằng sẽ còn có nhiều bệnh viện hơn nữa".
Link nguồn: https://genk.vn/australia-mot-giao-su-tuyen-bo-da-tim-ra-thuoc-chua-khoi-covid-19-20200317003931267.chn
Los Angeles đóng cửa các tụ điểm giải trí trước tình hình dịch Covid-19
Los Angeles là thành phố lớn mới nhất ở Mỹ thực thi đóng cửa phần lớn ngành công nghiệp giải trí.