Một năm ở nông trại sa mạc học tư duy Do Thái của chàng trai Việt

Ngày cao điểm vác 3 tấn chuối, mỗi buồng nặng gần bằng mình, Tá Đông có được tư duy, sức khỏe và thu nhập sau một năm đi Israel.

21:00 13/03/2019

Từng được một công ty trong lĩnh vực logistics mời về làm việc từ khi còn chưa tốt nghiệp, song Nguyễn Tá Đông, 29 tuổi, sống ở Đăk Lăk lại quyết định tìm một hướng rẽ ít người đi – tu nghiệp sinh tại Israel – đất nước Trung Đông có nền nông nghiệp công nghệ cao. Dưới đây là chia sẻ của Đông về hành trình đi xây nền móng cho bản thân trước lúc lập nghiệp.

Tôi quê gốc ở Hà Tĩnh, sinh ra và lớn lên tại Đăk Lăk trong một gia đình thuần nông đông anh em. Hiểu rõ xuất thân gia đình nên từ nhỏ tôi đã không ngừng phấn đấu.

Vào đại học ở TP HCM về quản trị ngoại thương, ngoài thời gian học ở trường tôi còn đi làm thêm đủ thứ và bắt đầu khởi nghiệp từ năm 3 đại học. Chưa ra trường tôi được một công ty về logistics mời làm nhân viên chính thức. Tuy nhiên sau một năm đi làm tôi thấy giá trị nông sản Việt Nam quá thấp, không xứng với công sức người nông dân bỏ ra, lại luôn đối mặt với vấn đề được mùa mất giá. Tôi trăn trở phải làm việc gì đó để thay đổi hiện trạng. Cùng lúc đó tôi biết đến tu nghiệp sinh ở Israel – học tư duy làm nông nghiệp của người Do Thái.

Quyết định đi của tôi là chuỗi ngày đấu tranh tư tưởng vì lúc nộp hồ sơ cũng đồng thời chuẩn bị kết hôn. Với niềm đam mê nông nghiệp, tôi đánh liều vay 40 triệu đồng làm hồ sơ đăng ký. Thời điểm ấy thông tin trên mạng còn ít ỏi, gia đình, bạn bè đều phản đối, lo sợ sang đó bom đạn khủng bố. May mắn vợ tôi ủng hộ.

Tháng 9/2015, tôi đặt chân đến Israel. Trái với lo lắng, nơi đây thật bình yên, trời Địa Trung Hải trong veo, cây oliu mọc đầy đường. Qua đây vừa học vừa làm trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh thì từ một người tiếng Anh chỉ biết “hello”, tôi đã nhanh chóng giao tiếp được.

Tại đây, tôi sống và làm việc trong một Moshav với diện tích gần 15 ha chuyên về chuối (Moshav là một loại thị trấn nơi tập hợp các nông trại). Mỗi tuần tôi được đi học một ngày, còn lại làm việc trong nông trại.

Trường học có nhiều học viên đến từ các quốc gia khác nhau như Philippines, Lào, Campuchia, Việt Nam và một số bạn đến từ châu Phi. Chúng tôi được dạy những kiến thức về nông nghiệp, phân bón, hệ thống tưới tiêu, tiêu chuẩn nông sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thậm chí có cả những môn nghiên cứu về côn trùng học.

Công việc ở nông trại xoay quanh trồng, chăm sóc, thu hoạch và đóng gói chuối. Với kỹ thuật tiên tiến, một buồng chuối ở đây thường đạt 40-50 kg (gần gấp đôi Việt Nam). Thời cao điểm, tôi phải bốc cả trăm buồng chuối mỗi ngày.

Mỗi buồng chuối nặng 40-50 kg, có ngày Đông vác gần nghìn buồng. Ảnh: NVCC.

Mỗi buồng chuối nặng 40-50 kg, có ngày Đông vác gần trăm buồng khi còn ở Israel. Ảnh: NVCC.

Dù ở Việt Nam tôi đã lao động tay chân nhiều, sang đây vẫn bị sốc bởi cường độ làm việc liên tục 10-14 tiếng/ngày. Trời nắng nóng, vác buồng chuối nặng gần bằng mình nên cứ mỗi tối về là vai tôi ê buốt, nhiều ngày sau mới quen.

Ngày vợ sinh con, tôi chỉ được nhìn qua màn hình. Thương vợ, thương con, tôi chỉ biết đăng ký vác chuối thêm để kiếm thêm mấy chục đôla gửi về. Giai đoạn đầu đời chưa có trí nhiều thì dùng sức để kiếm tiền và những đồng tiền tôi làm ra được vợ rất trân trọng.

Sau một năm trải nghiệm học tập và làm việc tôi nhận ra rằng làm nông không phải là công việc nặng nhọc, bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà ngược lại nếu biết cách làm đúng và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thì có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Tôi cũng học được tư duy làm việc của người Do Thái – rằng chỉ quan tâm tới kết quả, hiệu suất công việc chứ không cần biết đã làm như thế nào.

Chẳng hạn, nhóm của tôi được phân nhiệm vụ đóng gói 10 pallet chuối để xếp lên xe trong buổi sáng thì họ chỉ quan tâm tới việc chúng tôi đóng đạt, đủ hàng, còn phối hợp làm sao đó là việc của team. Cứ xong sớm là được nghỉ.

Trước lúc đi, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng Israel có nền nông nghiệp tiên tiến nên sang đó hy vọng học hỏi được, tuy nhiên trong quá trình học tập và làm việc thực tế, tôi mới thấy rằng họ còn hiện đại gấp trăm lần so với những gì tôi tưởng tượng. Đất đai khô cằn, toàn sỏi đá. Nhà dân sinh sống ven triền đồi, nhường lại những vị trí bằng phẳng ít ỏi để làm nông nghiệp. Chính phủ cùng các nhà khoa học luôn đồng hành cùng nông dân. Trong đó nhà khoa học nghiên cứu vùng đất phù hợp với từng loại cây và không ngừng cải tiến cây giống nhằm mang lại năng suất tối ưu nhất, cùng khả năng kháng bệnh cao sau đó chuyển giao lại cho nông dân sản xuất, còn chính phủ dựa vào kết quả nghiên cứu sẽ cho quy hoạch vùng nguyên liệu, những cánh đồng mẫu lớn có thể áp dụng máy móc hiện đại vào thay thế sức người.

Dân số ít nên lực lượng lao động chân tay cũng bị hạn chế, do vậy họ luôn ưu tiên sử dụng cơ giới hóa cho sản xuất, ngay cả việc tưới tiêu với diện tích hàng chục hecta chỉ cần một người vận hành là đủ. Tôi hiểu ra rằng trong sản xuất nông nghiệp, việc quy hoạch vùng trồng, cơ giới hóa và nắm bắt công nghệ là điều vô cùng cần thiết, bởi nó quyết định tới năng suất, hiệu quả kinh tế.

Đông (áo đen) đang áp dụng công nghệ hiện đại vào mô hình nông nghiệp mà anh đang bước đầu triển khai, ảnh chụp tháng 2/2019. Ảnh: NVCC.

Đông (áo đen) đang áp dụng công nghệ hiện đại vào mô hình nông nghiệp ở Đăk Lăk mà anh đang bước đầu triển khai, ảnh chụp tháng 2/2019. Ảnh: NVCC.

Cũng nhờ khoảng thời gian này, tôi tích lũy được một số vốn, về Việt Nam mua được 2 hec ta đất làm trang trại ở Đăk Lăk. Quan trọng nữa là cơ thể khỏe mạnh vì ngày nào cũng “đẩy tạ, tập gym” bằng buồng chuối.

Trên mảnh đất chỉ có sỏi đá và đầy hoa trinh nữ ở quê hương Đăk Lăk, tôi và những người cùng chí hướng đang biến nó thành một mô hình nông nghiệp sinh thái để người dân địa phương có thể bắt chước làm theo, tăng thu nhập, giảm sức người, đảm bảo cuộc sống tốt hơn. Nơi đó có khu vui chơi, học tập cho trẻ nhỏ và hơn nữa còn là nơi tôi có thể đắm mình với thiên nhiên, tận hưởng hoa nở, chim hót, tiếng suối róc rách.

Chị Hồng Ngọc – chuyên viên tư vấn của Trung tâm cung ứng nguồn nhân lực (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, hình thức thực tập sinh nông nghiệp xuất hiện những năm gần đây mở ra một cơ hội học hỏi cho sinh viên độ tuổi 20-25. Với nhiều bạn trẻ yêu thích nông nghiệp thì Israel là lựa chọn đầu tiên giúp đào tạo kiến thức về nền nông nghiệp công nghệ cao, bên cạnh tăng cường khả năng tiếng Anh và tích lũy thêm một chút tài chính.

Phan Dương ghi

Tags:
Bố mẹ bỏ quên con gái 5 tuổi ở sân bay

Bố mẹ bỏ quên con gái 5 tuổi ở sân bay

Sau kỳ nghỉ, khi về đến nhà, cặp vợ chồng Đức mới nhận ra con gái mình vẫn đang ở sân bay.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất