Mua chó online, cẩn thận kẻo bị lừa!
Chỉ vì mê chó, một cư dân Garden Grove suýt bị lừa cả ngàn đô la khi mua một con chó (puppy) thông qua mạng Internet. Không chỉ mình ông, có rất nhiều người khác tại Mỹ, Canada, Úc… cũng bị lừa với một kịch bản tương tự.
08:00 29/04/2019
Chuyện mới xảy ra với ông Đinh Quang Anh Thái, một nhà báo kỳ cựu ở nhật báo Người Việt, hôm 24 Tháng Tư, 2019. Ông Thái nói một cách hài hước: “Tôi chấp nhận để người đời sẽ nói mình ‘già rồi còn dại’ khi đưa câu chuyện này lên báo. Mục đích của tôi là để cho đồng hương cảnh giác đừng để bị lừa như tôi.”
Ông kể: “Tôi có hai cô con gái, một đứa 17, một đứa 16, rất mê chó từ bé. Nhưng tôi chưa bao giờ đồng ý cho các cháu nuôi. Cho đến tận hôm vừa rồi tôi mới đồng ý cho nuôi một con chó. Thế là con gái tôi lên mạng tìm mua giống chó Corgi. Khi tìm kiếm trên Google với từ khóa ‘Corgi puppy for sale’ thì ra kết quả có rất nhiều trang web bán giống chó này.”
Giống chó Corgi tại vùng Nam California người ta đang rao bán thường là từ $1,500 đến $2,250 một con. Trong khi tìm trên mạng thì các vùng ở tiểu bang khác như Virginia, giá chỉ có $500 đến $850 mà thôi.
“Hôm đó là ngày 23 Tháng Tư, con tôi liên lạc với số điện thoại trên một trang web bán một con chó Corgi rất đẹp, ở tiểu bang Virginia. Người bán chó nói giá chỉ có $500 gồm cả tiền vận chuyển. Tôi rất ngạc nhiên vì từ tiểu bang đó về đây cách hơn 5 tiếng bay mà sao giá lại rẻ như thế. Nhưng tôi không nghi ngờ gì, nên vẫn đồng ý mua. Họ muốn tôi trả tiền bằng Money Gram, tôi cũng đi chuyển tiền bằng Money Gram cho họ. Nhưng sau đó thì họ lại đổi ý, họ nói tôi trả bằng giftcard. Lúc ấy thì tôi bắt đầu nghi ngờ. Tôi đã hủy giao dịch Money Gram đó và không mua giftcard nữa,” ông kể tiếp.
“Tôi đã nghĩ trong đầu rằng có gì đó đáng nghi khi họ đòi trả tiền bằng giftcard, nhưng rồi… tôi vẫn bị lừa lần thứ hai,” ông Thái tiếp tục câu chuyện.
“Lần này, con tôi lại tìm được một website khác bán chó Corgi cũng rất đẹp, ở Sacramento cũng với giá chỉ có $500. Lần này, người bán chó chỉ yêu cầu tôi đặt cọc trước $300 mà thôi, thông qua một phần mềm có tên là Cashapp. May mắn là phần mềm này có liên quan tới nhà băng của tôi và cho 10 ngày để được hoàn tiền nếu không ưng con chó. Vì thế nên tôi đồng ý chuyển $300 cho họ. Ngay ngày hôm sau, tôi nhận được thông qua email đầy đủ giấy tờ liên quan tới việc nhận nuôi con chó, bao gồm giấy sang tên chủ mới cho con chó, giấy xác nhận tên tuổi, giống chó và một tờ giấy của hãng bay vận chuyển chó,” ông kể tiếp.
Ông Thái đưa ra một loạt các tin nhắn mà “bên bán chó” gửi cho ông cùng hình ảnh các giấy tờ, có dấu, chữ ký nhìn rất thật và chuyên nghiệp, rồi kể tiếp: “Sau đó họ nói phải nộp tiền để chích ngừa thuốc Anti-Pressure (thuốc chống áp lực bay) và tiền chuồng, tiền vận chuyển chó. Số tiền tổng cộng là $950. Họ nói khi chó được giao tới nhà mà mình không muốn giữ chuồng thì họ sẽ trả lại một nửa tiền. Họ cũng yêu cầu tôi trả bằng Money Gram. Đặc biệt họ muốn tôi phải ghi địa chỉ của người nhận trên tờ Money Gram đó. Nhưng quy định ở Money Gram thì chỉ để tên, không để địa chỉ được, người nhận phải tới trình thẻ ID khi nhận. Do đó họ nói tôi trả bằng thẻ giftcard. Tôi cũng mua hai thẻ giftcard trên Amazon để trả cho họ số tiền $950.”
“Sau đó, tôi nhận được tin nhắn rằng con chó đã được chích ngừa rồi, bây giờ chuẩn bị lên máy bay. Họ còn đưa cả số điện thoại và tên của người đại diện dịch vụ vận chuyển của hãng bay cho tôi.”
“Tuy nhiên, nửa tiếng sau họ lại gọi cho tôi, họ nói hãng bay cần thêm $1,500 nữa để mua tiền bảo hiểm và cũng phải trả bằng giftcard chứ không trả bằng hình thức nào khác. Tới đây thì tôi biết ngay đây có thể là trò lừa đảo. Tôi tức tốc chạy ra nhà băng để đóng lại giao dịch $300. Đồng thời, tôi gọi lên hãng Amazon để đóng luôn hai giftcard trị giá $950 mà tôi đã mua của họ. Rất may là hãng Amazon họ đã trả lại thẻ mệnh giá $500 đầu tiên cho tôi, còn thẻ thứ hai họ nói cần điều tra thêm nên tôi chưa nhận lại được $450,” ông kể tiếp.
“Sau khi tôi không liên lạc nữa thì những người này còn tiếp tục gọi tôi, thậm chí đưa người khác gọi, nhân danh là hãng máy bay đang giữ con chó đó, phải trả tiền bảo hiểm để hãng bay ship đi. Họ còn dọa: Nếu không thì họ sẽ đưa con chó vào Shelter, thì có thể người chủ chó là mình đứng trên giấy tờ có thể phải ra tòa vì bỏ rơi con chó. Những lời đe dọa như vậy nếu gặp phải người yếu bóng vía thì sẽ rất sợ, sẽ tiếp tục mất tiền cho họ,” ông Thái cho biết thêm.
Câu chuyện thứ hai
Từ tiểu bang Minnesota, anh Huy Lê, 40 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin, kể rằng anh cũng từng suýt bị lừa trong một giao dịch mua chó tương tự vào năm 2016. Anh đọc được một đoạn quảng cáo trên mạng Craglist với hình ảnh một con chó giống Samoyed trắng muốt, rất đẹp, nhưng không để giá bán và cũng không để số điện thoại, chỉ để email. Anh bèn viết email liên lạc hỏi xem con chó đã bán chưa.
Lập tức anh nhận lại thư trả lời rất nhanh từ một người có tên là Floyd Fancis với nội dung rằng họ đang ở thành phố St. Louis, tiểu bang Missouri, hiện đang có hai con chó Samoyed mới 8 tuần tuổi. Vì lý do có công việc mới rất bận, không có thời gian chăm sóc chó nên họ phải tìm chủ mới để cho chó đi chứ không bán. Yêu cầu của họ là chỉ cần chủ mới phải thực sự là một gia đình tốt với con chó.
Để thêm phần tin tưởng, người có tên Floyd Fancis còn gửi kèm theo một danh sách 10 câu hỏi phỏng vấn rất chuyên nghiệp như: Nhà ông có trẻ em không? Đã bao giờ ông nuôi chó chưa? Nhà có vườn và chỗ chơi cho chó không? Ông có muốn nuôi một hay cả hai con? Các con ông có yêu chó không? Ông ở thành phố nào, số điện thoại và địa chỉ liên lạc?
Anh Huy Lê cho biết anh rất xúc động khi có người tốt và lo lắng cho con chó như vậy. Anh đã dành hai tiếng đồng hồ để trả lời cẩn thận từng câu hỏi chất vấn trên của Floyd.
Hôm sau, anh Huy Lê nhận được email từ người có tên Floyd, nói rằng anh ta đã hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ sang tên, tiêm phòng và đã đóng $40 để đặt cọc dịch vụ vận chuyển chó tới bang Minnesota cho anh. Nhiệm vụ của anh Huy là phải trả $280 tiền phí vận chuyển. Kèm theo đó là bốn tấm hình con chó Samoyed lông trắng như tuyết nhìn rất đẹp. Anh cho biết anh sẵn sàng trả số tiền nhiều hơn thế, chứ $280 thì không là gì đối với anh, vì con chó quá dễ thương và có giá thị trường khoảng $1,500.
Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là anh chàng Floyd đó nói công ty chuyển hàng có tên là Uship, không nhận thanh toán tiền bằng thẻ tín dụng mà chỉ nhận thẻ giftcard của Target. Floyd yêu cầu anh Huy phải ra Target mua ba thẻ Target mệnh giá $100 để cào thẻ và đọc số thẻ cho anh ta.
Vốn là một nhân viên ngành công nghệ thông tin, từng làm trong văn phòng chuyên chống lừa đảo thẻ tín dụng tại ngân hàng, anh Huy Lê ngay lập tức nhận ra đây là một trò lừa đảo nên đã ngừng luôn cuộc giao dịch.
Trò lừa đảo bán chó đã phổ biến khắp Mỹ, Canada và Úc
Không chỉ có ông Thái Đinh ở California hay anh Huy Lê ở Minnesota là nạn nhân của việc mua chó trên mạng. Có hàng ngàn người yêu chó khác cũng là nạn nhân trên khắp thế giới.
Theo thông tin từ tổ chức Better Business Bureau (BBB.org), một tổ chức bất vụ lợi chuyên đánh giá uy tín và giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với các công ty thương mại tại Hoa Kỳ, thì trong vài năm trở lại đây, có hàng ngàn người yêu chó khác cũng là nạn nhân trên khắp thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, Canada, Úc.
BBB trích dẫn số liệu báo cáo của cơ quan Federal Trade Commission tại Mỹ cho hay, năm 2015 có khoảng 37,000 vụ lừa đảo liên quan tới mua chó. Ở Úc, chỉ trong sáu tháng năm 2017, đã có 337 vụ. Còn ở Canada, trong năm 2016 có tới 377 vụ lừa đảo liên quan tới mua bán thú cưng, số tiền người dân bị lừa lên đến $222,000.
Theo BBB, những kẻ lừa đảo phần lớn ở Cameroon, một nước thuộc miền Trung Tây Châu Phi. Chúng sử dụng các số điện thoại ảo trên Internet, lập website và bịa ra một địa chỉ ma tại Hoa Kỳ để lừa đảo. Chúng thường nhắm vào những người yêu chó, những người sẵn sàng chi trả một số tiền để đón chó về như một thành viên trong gia đình. Mỗi nạn nhân trung bình bị lừa từ $100 đến $1,000, cá biệt có người bị lừa lên tới $5,000. Chúng sử dụng những người ở Mỹ để thu hộ tiền cho chúng, thông qua giftcard hoặc Money Gram.
Những điều khách Tây sợ bị lừa khi tới Việt Nam
Khách quốc tế thường dễ nhầm tờ 500.000 đồng và 20.000 đồng, vì nhìn thoáng qua chúng khá giống nhau.