‘Muốn té xỉu’ khi về Việt Nam xài số điện thoại ở Mỹ
Nhận được hóa đơn điện thoại Tháng Năm, 2017, với số tiền tăng thêm hơn $500 so với mức bình thường, ông Hòa Nguyễn muốn “té xỉu.”
12:30 26/05/2018
‘Cứ nghĩ là dùng Viber gọi thì không trả tiền’
Giữa Tháng Tư, vợ ông Hòa, cư dân thành phố Wesmtminster, về Việt Nam thăm người em đang bị bệnh nặng. Để tiện việc liên lạc, vợ ông cầm theo chiếc điện thoại mà bà vẫn dùng hằng ngày qua mạng T-mobile.
“Vợ tôi nghĩ rằng khi về bển, tải ứng dụng Viber xuống rồi dùng Viber gọi qua internet thì sẽ không phải trả tiền,” ông Hòa kể.
(Viber là một ứng dụng di động cho phép gửi các tin nhắn và gọi miễn phí đến bất cứ người dùng Viber nào. Dĩ nhiên, muốn dùng Viber phải có internet – tức chữ ‘data’ trong hóa đơn T-mobile.)
Nghĩ vậy, nên vợ ông Hòa “hoàn toàn yên tâm” khi gọi và nhận một số cuộc gọi từ các nơi vào số điện thoại của bà. Tổng cộng thời gian các cuộc gọi đến gọi đi là 83 phút.
Chỉ đến khi nhận hóa đơn điện thoại tháng này, ông Hòa mới “tá hỏa” khi thấy “trung bình mỗi tháng tôi trả $175 cho T-mobile, nhưng ‘bill’ tháng này lên đến hơn $700.”
Ra là, 83 phút gọi đi gọi về từ Việt Nam của vợ ông Hòa không miễn phí như bà nghĩ, mà tất cả đều bị tính vào cước phí gọi “roaming” và lệ phí cho mỗi phút gọi này là $5.99
“Ngạc nhiên, tôi gọi cho T-mobile hỏi thì được trả lời là cái phone vợ tôi dùng line của T-mobile, nhưng khi cầm về Việt Nam xài thì do T-mobile có hợp đồng với hãng Viettel ở Việt Nam, và hợp đồng này cho phép những ai đang dùng internet (data) của T-mobile sẽ tự động chuyển sang internet của Viettel và họ tính mình tiền ‘roaming’,” ông Hòa giải thích lại.
“Data roaming” hay nói một cách đơn giản là “roaming”, tức là tính năng cho phép điện thoại của bạn vào được mạng (online) khi bạn đi đến những nơi mà công ty điện thoại của bạn không phủ sóng tới, bằng cách tự chuyển sang “dùng nhờ” sóng của nhà cung cấp mạng (internet) khác.
Trong trường hợp này, T-mobile chưa có sóng ở Việt Nam, nên khách hàng dùng “data” của T-mobile, khi mang điện thoại về Việt Nam, sẽ tự động mượn sóng của Viettel để dùng. Khách hàng sẽ phải trả tiền “roaming” này với giá tùy theo hợp đồng của T-mobile với nhà cung cấp mạng ở mỗi nước khác nhau.
Dùng số điện thoại ở Mỹ mang về Việt Nam dùng sẽ bị tính tiền “roaming” rất cao. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Hiểu nhầm hoặc không hiểu khi sử dụng ‘data’ của điện thoại
Trường hợp bị tính tiền rất nhiều do hiểu nhầm là mình “đang sử dụng Viber, mà Viber thì ‘free’” như cách nghĩ của vợ ông Hòa không phải là cá biệt.
Cũng chính ông Hòa kể, “Mới đây bạn tôi cũng bị khi cầm điện thoại T-mobile đi du lịch ở vùng Caribbean. Bạn tôi nói chỉ mở lên coi tin nhắn thôi thì tất cả ‘roaming’ và hết phải trả gần $400 tiền ‘bill’.”
Vợ ông Hòa và bạn ông đều bị nhầm hoặc có thể không hiểu rõ việc sử dụng internet từ điện thoại di động.
Ngày nay, các điện thoại thông minh “smart phone” đều có tính năng “roaming.” Tùy theo thuê bao mà khách hàng chọn khi sử dụng các hãng điện thoại tại Mỹ, cụ thể trong trường hợp này là T-mobile, mà “data roaming” có thể bị tính tiền nhiều hay ít ở những tiểu bang, những quốc gia khác nhau.
Denise, một nhân viên “chăm sóc khách hàng” (customer service) của T-mobile, cho biết, “Do Việt Nam chưa có sóng của T-mobile, cho nên nếu khách hàng muốn dùng số điện thoại của T-mobile ở Việt Nam thì sẽ phải trả $5.99 cho mỗi phút nghe hay gọi, 20 cents cho mỗi tin nhắn gửi đi hay nhận đến, và $15.00 cho mỗi megabyte khi vào mang xem email hay lướt web.”
Về trường hợp như vợ ông Hòa “nghĩ rằng mình đang dùng Viber khi ở Việt Nam,” Denise giải thích, “Chúng tôi không còn hợp đồng với công ty điện thoại ở Việt Nam, vì vậy bạn sẽ không thể truy cập dữ liệu để sử dụng Viber từ điện thoại của bạn được.”
“Viber sẽ không xài được khi không có internet,” Denise nói thêm.
Về Việt Nam mà muốn có internet cho chính số điện thoại đang xài ở Mỹ thì chỉ có “roaming.”
Nghĩa là, thật sự vợ ông Hòa hoàn toàn dùng “roaming” mà không hề biết.
Cô Tâm Nguyễn ở Santa Ana cũng có kinh nghiệm chút ít về điều này. Cô kể, “Hồi Tháng Ba, khi vừa về đến Sài Gòn, ra khỏi phi trường, mở điện thoại ra thấy có hai tin nhắn và hai cái ‘voice message.’ Tôi mở ra xem và nghe. Còn đang vui vui vì sao mình có thể nhận và nghe tin nhắn từ Mỹ, tôi thử bấm số gọi luôn cho ông chồng. Chồng tôi bắt phone và nói ngay, ‘Em đang gọi bằng roaming đó, họ tính tiền nhiều lắm đó.’ Rồi ổng kêu tôi ‘turn off’ chức năng ‘roaming’ trên điện thoại, bảo mua cái sim ở Việt Nam thay vào rồi hãy gọi lại.”
Cô Tâm cho biết, “Chỉ vậy thôi mà khi nhận bill, thấy bị tính thêm $6.79, tức là 1 phút gọi roaming $5.99, 2 tin nhắn và 2 voice message mỗi cái 20 cents.”
Dù sao thì cô Tâm Nguyễn vẫn “may mắn” hơn vợ ông Hòa và bạn của ông khi có chồng cô biết và chỉ cô cách tắt đi chức năng “roaming” để không “đau bụng” khi nhìn thấy hóa đơn điện thoại tăng lên vài trăm đồng, thậm chí có người lên đến vài ngàn đô la.
Hãy mua thẻ điện thoại địa phương để dùng
Ông Hòa cho biết, “Tôi gọi lên hãng T-mobile cả bốn, năm lần, yêu cầu nói chuyện luôn với người quản lý để ‘ca bài ca con cá’ nhưng mà họ nói số tiền gần $500 đó mình phải trả chứ không được giảm bớt gì hết. Tuy nhiên, họ không bắt mình trả liền một lần mà cho trả trong tám, chín tháng.”
“Tôi muốn nói lên điều này cho mọi người biết là khi sử dụng điện thoại thì phải cẩn thận, nhất là khi mang về Việt Nam, không thôi phải tiền như vậy thì rất vô duyên. Muốn gọi Viber thì hãy mua một thẻ, một sim điện thoại ở Việt Nam thay vào để xài, dùng internet ở Việt Nam rồi gọi qua Viber, đừng mang theo điện thoại có ‘roaming’ như vậy,” ông Hòa nhắn nhủ.
Kinh nghiệm của ông Hòa cũng là lời gợi ý của Denise, nhân viên chăm sóc khách hàng của T-Mobile.
Denise giải thích, “Khi bạn vẫn để ‘sim card’ của T-mobile trong điện thoại và tắt chức năng ‘roaming’ thì điện thoại của bạn không sử dụng được ở Việt Nam vì chúng tôi không phủ sóng ở đó.”
Trả lời cho câu hỏi của phóng viên Người Việt, “Làm sao để có thể sử dụng điện thoại gọi và vào xem email, coi tin tức khi về Việt Nam mà không phải trả nhiều tiền?”, Denise khuyên, “Hãy ‘unlock’ điện thoại của bạn trước khi đi. Khi điện thoại đã ‘unlock’ rồi thì bạn hãy mua một cái ‘sim card’ ở nơi bạn đến để dùng. Đó là lựa chọn tốt nhất.”
Ngọc Lan
Anh em sinh đôi ở Mỹ trúng tuyển vào Apple ngay sau tốt nghiệp
Hai chàng trai 21 tuổi khuyên ứng viên xin việc kể câu chuyện chân thật của mình, không kể chuyện mà bạn nghĩ nhà tuyển dụng muốn nghe.