Mưu sinh nghề nail của người Việt trên đất Mỹ

Mới đó cũng đã gần 20 năm gắn bó với nghề làm nail, tôi mới nhận ra rằng đây là một công việc không hề dễ dàng đối với cộng đồng người Việt đang sống ở Los Angeles, Hoa Kỳ như chúng tôi.

20:30 06/08/2017

Nhiều người cho rằng mưu sinh nghề làm nail (cắt sửa móng) là một công việc nhàn rỗi, hái ra tiền nhưng thực chất thì không phải vậy. Những ngày đầu đến Los Angeles, qua sự hướng dẫn của người quen, tôi được giới thiệu đến một tiệm nail và bắt đầu lăn lộn với nghề.

Gần như nhiều người Việt đến đây đều chọn công việc này để kiếm sống. Bởi nghề làm móng cần đòi hỏi siêng năng, chăm chỉ, có khiếu thẩm mỹ là có thể trở thành một thợ làm nail.

Bước vào học nghề làm nail, đầu tiên tôi đóng tiền lệ phí cho chủ tiệm nail 100 USD rồi vào làm không công 3 tháng. Đó là khoảng thời gian thử thách khó khăn trong nghề của tôi vì nếu làm tốt chủ tiệm mới nhận vào chính thức.

Thế rồi qua bao cố gắng nỗ lực, tôi cũng được nhận làm việc ở tiệm nail này với mức lương 30 USD/ngày. Ở Mỹ, số tiền này chỉ đủ trang trải cuộc sống ở mức thấp cho những người Việt mới sang như chúng tôi.

Tác giả (áo sọc) với công việc làm nail ở Los Angeles, Hoa Kỳ.

Muốn có được mức lương cao và có thể sống với nghề, tôi học hỏi anh chị đi trước và cuối cùng cũng lấy được tấm bằng về nghề nail sau mấy năm trời cố gắng. Nghề nail đòi hỏi những người thợ phải có tính sáng tạo, gu thẩm mỹ cao, mắt sáng và phải có đôi tay thật mềm mại khéo léo để có thể nắn nót được bộ nail, làm cho khách hài lòng.

Nghề làm nail ở Los Angeles, Hoa Kỳ là một công việc khá thịnh hành đối với dân nhập cư. Mỗi sáng chúng tôi gói ghém dụng cụ và bắt xe đến các salon vào lúc 8 giờ và kết thúc công việc khi chiều muộn. Cắt sửa móng tay là một dịch vụ được ưa chuộng ở Mỹ, hiện cả nước này có hơn 17.000 salon làm móng và phần lớn các thợ nail đều là dân nhập cư như chúng tôi.

Tuy nhiên, một vấn nạn ít người biết đến là việc những người thợ làm móng thường xuyên bị bóc lột sức lao động. Những người Việt mới đến nơi này họ chỉ thấy được là có chút thu nhập, có công ăn việc làm nơi đất khách. Thực chất đồng tiền mà họ kiếm ra thấp hơn mức lương tối thiểu ở Hoa Kỳ gấp nhiều lần.

Có một sự thật về công việc làm nail ở đây mà ít ai nghĩ tới, đó là các thợ làm nail phải chia tiền cho các chủ tiệm với tỉ lệ 4/6, nghĩa là chủ được 40%, thợ hưởng 60% còn lại. Trong cửa tiệm hơn 20 nhân viên của tôi lúc nào cũng đông nghẹt khách, vì thế người chủ tiệm chỉ cần ngồi quản lý camera rồi hết giờ làm việc nhận tiền từ các thợ.

Tuy nhiên có một thực tế đáng vui mừng là hầu hết các thợ nail người Việt đều rất siêng năng, chịu khó học hỏi nên phần lớn đều trụ được với nghề.

Điều kiện sống của những người thợ làm móng cũng vô vàn bất cập. Ban ngày họ đến sa lon làm nail sang trọng, tiếp xúc với các quý bà quyền quý nhưng khi về nhà họ phải sinh hoạt trong các khu trọ lụp xụp, chật chội.

Đó là chưa kể đến việc bị phân biệt đối xử, phần lớn những thợ nail trẻ đẹp, lành nghề thì được ưu ái, còn những người thợ luống tuổi thì phải cố gắng làm việc chăm chỉ hơn để lấy lòng “thượng đế”. Có như vậy mới yên tâm làm việc, nếu bị khách trách móc thì chuyện bị chủ cắt lương, giảm lương là chuyện “như cơm bữa”.

Qua bao nhiêu năm lăn lộn với công việc cắt sửa móng cho người, hiện tôi đã nhận được hơn 100 USD mỗi ngày. Cuộc sống đã có khá hơn, tôi có thể trang trải nhu cầu của gia đình ở mức trung bình. Làm nghề rồi yêu nghề và gắn bó với nghề nail. Bởi nhờ có nghề làm nail này mà tôi mới có thể bám trụ được cho đến hôm nay, tại thành phố Los Angeles đô hội của Hoa Kỳ.

Tags:
5 lỗi dễ bị chủ tiệm phạt nhân viên trong nghề nail

5 lỗi dễ bị chủ tiệm phạt nhân viên trong nghề nail

Những lý do phổ biến sau đây nếu mắc phải bạn rất hay bị chủ tiệm nail trách mắng thậm chí là phạt. Hãy xem để không bao giờ mắc phải nhé

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất