Mỹ - Trung đánh giá đàm phán thương mại có tiến triển
Hai nước chỉ còn một tháng để đạt thỏa thuận, nếu không muốn chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang.
04:30 02/02/2019
Cuộc đàm phán thương mại kéo dài hai ngày giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa kết thúc tại Washington (Mỹ). Một thông báo đăng trên Xinhua (Trung Quốc) cho biết hai bên đã đạt tiến triển quan trọng trong các cuộc nói chuyện được đánh giá là thẳng thắn, cụ thể và có kết quả. Trung Quốc đồng ý tăng mua sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp và dịch vụ Mỹ. Hai nước cũng thống nhất tăng hợp tác về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Trong khi đó, thông báo của không đưa ra cam kết nào mới của cả hai bên, chỉ khẳng định tình hình có tiến triển và "còn rất nhiều việc cần làm". Thông báo cũng lặp lại đe dọa nâng thuế nhập khẩu nếu Mỹ - Trung Quốc không đạt "kết quả thỏa mãn".
Đoàn đàm phán của Mỹ và Trung Quốc trong 2 ngày qua. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Mỹ - Donald Trump hôm qua cho biết sẽ cử hai nhà đàm phán hàng đầu sang Trung Quốc - Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ - Robert Lighthizer. Cả hai sẽ tới đây giữa tháng 2 để tổ chức vòng đàm phán tiếp theo.
Trump cũng nêu ra khả năng gặp trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình, sau khi nhận thư mời chính thức. Trước đó, ông cho biết "sẽ không có thỏa thuận cuối cùng nào cho đến khi tôi và ông Tập gặp nhau trong tương lai gần". Nhiều khả năng nó sẽ diễn ra sau cuộc họp thượng đỉnh của Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un dự kiến vào cuối tháng 2.
Sau cuộc gặp hôm qua với Phó thủ tướng Trung Quốc - Lưu Hạc - người dẫn đầu đoàn đàm phán của Trung Quốc lần này, cho biết hai bên "đã đạt tiến triển đáng kể", nhưng "không có nghĩa chúng tôi đã đạt thỏa thuận". Trump cho rằng việc Trung Quốc đồng ý mua lượng lớn đậu tương Mỹ thể hiện sự thiện chí.
Lighthizer hôm qua cũng cho biết hai bên đã bàn thảo chi tiết về các yêu cầu cải tổ cấu trúc của Mỹ với Trung Quốc. Dù vậy, hai nước chỉ mới bắt đầu soạn thảo tài liệu chung để đàm phán, đồng nghĩa vẫn còn rất nhiều việc cần làm.
Ông cho biết thỏa thuận cuối cùng sẽ không được trình lên Quốc hội để biểu quyết. Một trong các lựa chọn là thỏa thuận theo hình thức biên bản ghi nhớ. Dù vậy, điều này lại làm dấy lên lo ngại về tương lai của nó khi Nhà Trắng đổi chủ. Trong quá khứ, Trung Quốc cũng từng rời bỏ các biên bản ghi nhớ tương tự, chỉ một thời gian sau khi ký.
Nguồn: VnExpress.net
Căng thẳng đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc
Cuộc đàm phán cấp cao đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ nhằm giảm bất đồng về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cũng như hạ nhiệt cuộc xung đột thương mại song phương kéo dài nhiều tháng.