Mỹ, Anh, Pháp cảnh giác với sự thống trị của Trung Quốc ở Biển Đông

Việc mở rộng quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông có thể gây phiền phức cho Hoa Kỳ và đe dọa an ninh ở Châu Á Thái Bình Dương, theo tờ Philstar của Philippines.

11:30 14/06/2018

Cơ quan Nghiên cứu Nghị viên Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu có tựa đề “Tranh chấp về Vùng lãnh thổ và Kinh tế độc quyền liên quan đến Trung Quốc: Các vấn đề cho Nghị viên”. Văn bản cho thấy sự kiểm soát của Bắc Kinh tại Biển Đông có thể có tác động đối với hoạt động của Hoa Kỳ và tình hình an ninh ở Châu Á – Thái Bình Dương.

Bài nghiên cứu cho biết Hoa Kỳ có thể bị lôi kéo vào một cuộc khủng hoảng hay xung đột vì Mỹ có quan hệ an ninh song phương với Nhật Bản và Philippines.

Nghiên cứu của Nghị viên Hoa Kỳ lưu ý rằng sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực sẽ gây khó khăn cho Mỹ khi vận hành lực lượng của mình ở Tây Thái Bình Dương.

Các máy bay quân sự Mỹ nằm trên tàu sân bay USS Carl Vinson ở Manila, Philippines, trong một lần ghé cảng 5 ngày cùng với tàu khu trục tên lửa USS Michael Murphy vào ngày 17/2/2018. (Ảnh: AP)

Bài nghiên cứu cho biết: “Những diễn biến như vậy [của Trung Quốc]có thể làm các nước trong khu vực xem xét lại các chương trình quốc phòng và các chính sách đối ngoại của họ, điều đó có khả năng dẫn đến một sự thay đổi hơn nữa trong cấu trúc của khu vực”.

Sự cương quyết này có thể dẫn tới khủng hoảng hoặc xung đột nảy sinh giữa Trung Quốc và Đài Loan hoặc các đồng minh khác của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.

Đầu tháng này, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio đã đề xuất trong một cuộc phỏng vấn, rằng Hoa Kỳ nên tìm cách “phá hủy” tiền đồn quân sự mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên khắp Biển Đông, theo tạp chí quân sự Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Ảnh: Gage Skidmore/Flickr)

Báo cáo của Nghị viện Mỹ cũng lưu ý một số quan điểm của giới quan sát rằng Trung Quốc có thể đang sử dụng các tranh chấp hàng hải để làm tăng sự nghi ngờ giữa các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực.

Nghiên cứu Nghị viện Mỹ cũng cảnh báo Bắc Kinh có thể đang cố gắng “làm suy yếu cấu ​​trúc an ninh khu vực do Hoa Kỳ lãnh đạo và do đó tạo điều kiện cho Trung Quốc có ảnh hưởng lớn hơn đối với khu vực”.

Trong những tháng qua, Trung Quốc đã triển khai tên lửa chống hạm, hệ thống tên lửa đất đối không và thiết bị gây nhiễu điện tử trên cơ sở mà họ xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh cũng đã hạ cánh một máy bay ném bom hạt nhân trên đảo Phú Lâm, tiền đồn lớn nhất ở quần đảo Hoàng Sa.

Đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng – Ảnh: DigitalGlobe

Điều này đã thúc đẩy Hoa Kỳ hủy lời mời Trung Quốc tham gia các bài tập RimPac, một cuộc diễn tập hàng hải đa quốc gia lớn nhất thế giới. Thay vào đó, Mỹ lần đầu tiên mời Việt Nam tham gia hoạt động này.

Trong khi đó, các nước châu Âu đã bắt đầu khẳng định quyền tự do hàng hải và thách thức hoạt động quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong cuộc đối thoại Shangri-La ở Singapore đầu tháng này, Pháp và Vương quốc Anh bày tỏ cam kết tiếp tục thực hiện tự do hàng hải trong vùng biển tranh chấp này.

Theo Bộ trưởng lực lượng vũ trang Pháp Florence Parly, ít nhất vào năm ngoái Pháp đã thực thi tự do hàng hải khi cho tàu chiến đi qua Biển Đông.

Bộ trưởng lực lượng vũ trang Pháp Florence Parly. (Ảnh: Modtada)

Bà Florence Parly nói trong hội nghị thượng đỉnh quốc phòng và an ninh: “Chúng tôi tin rằng các cuộc đàm phán là con đường đúng đắn để đi. Trong khi đó, chúng ta nên rõ ràng rằng ‘động thái đã rồi’ [của Trung Quốc] không phải là một điều được chấp nhận”.

“Châu Âu đã bắt đầu huy động rộng rãi hơn để hỗ trợ cho nỗ lực này… Tôi tin rằng chúng ta nên mở rộng nỗ lực này hơn nữa”, bà nói thêm.

Minh Đức

Tags:
Tôi mất tổ ấm sau cuộc họp gia đình để dạy vợ

Tôi mất tổ ấm sau cuộc họp gia đình để dạy vợ

Sau lần vợ chồng cãi nhau nặng lời, anh Thành mời bố mẹ hai bên tới để "dằn mặt" vợ, không ngờ bị ly hôn thật.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất