Mỹ bắt đầu một 'khởi đầu mới'
Lễ tuyên thệ nhậm chức của Biden diễn ra giữa lúc nước Mỹ bộn bề khủng hoảng, nhưng phát biểu với 11 từ "đoàn kết" của ông truyền đi thông điệp 'khởi đầu mới'.
02:30 22/01/2021
Nỗi lo ngại sau vụ bạo loạn tại Đồi Capitol, do đám đông ủng hộ Trump gây ra, khiến thủ đô Washington được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ với 25.000 lính Vệ binh Quốc gia cùng hàng nghìn cảnh sát phong tỏa khu trung tâm, nhằm phục vụ lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành, với số ca tử vong trên cả nước vượt 400.000, người dân cũng được yêu cầu tránh khu vực tổ chức sự kiện, dẫn đến cảnh tượng kỳ lạ khi một tân Tổng thống phát biểu trước công viên quốc gia National Mall vắng bóng người, chỉ có 200.000 lá cờ đại diện cho đám đông.
Nhiều hoạt động truyền thống cũng phải hủy vì Covid-19, bao gồm bữa trưa với các lãnh đạo quốc hội, cuộc diễu hành quy mô lớn trên Đại lộ Pennsylvania hay dạ hội buổi tối, nơi tân tổng thống và đệ nhất phu nhân thường khiêu vũ.
Trong một ngày thời tiết giá lạnh nhưng vẫn có nắng nhẹ, thượng nghị sĩ Amy Klobuchar, người sẽ trở thành chủ tịch Ủy ban Quy định của Thượng viện, phát biểu mở đầu lễ nhậm chức của Biden, gọi đây là "khởi đầu mới" của đất nước, hai tuần sau khi đám đông biểu tình xông vào tòa nhà quốc hội.
Sau khi tân Phó tổng thống Kamala Harris tuyên thệ vài phút, Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ trước sự chứng kiến của Chánh án Tòa Tối cao Mỹ John Roberts vào lúc 11h49 (23h49 giờ Hà Nội) ngày 20/1.
"Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ đảm đương vị trí tổng thống Mỹ một cách trung thành và sẽ làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ Hiến pháp Mỹ. Vì vậy xin Chúa hãy giúp tôi!", Biden nói.
Trong phát biểu nhậm chức dài 21 phút, bên cạnh việc ca ngợi chiến thắng của nền dân chủ, Biden đưa ra thông điệp mang tính hòa giải khi kêu gọi người dân gác lại những chia rẽ sâu sắc và u ám, để cùng nhau đối mặt với đại dịch, cuộc khủng hoảng kinh tế và nạn phân biệt chủng tộc.
"Chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến thô lỗ này, cuộc chiến giữa đỏ với xanh, nông thôn với thành thị, bảo thủ với tự do. Chúng ta có thể làm được điều này nếu chịu mở lòng mình thay vì giữ trái tim sắt đá, nếu chịu khoan dung, khiêm tốn và sẵn sàng đặt mình vào vị trí của người khác, dù chỉ trong giây lát", Biden cho biết.
Tân Tổng thống Mỹ đã sử dụng từ "đoàn kết" 11 lần trong bài phát biểu, nói rằng ông biết điều này "nghe có vẻ như một ảo tưởng khờ dại", nhưng nhấn mạnh người Mỹ từng vượt qua những thời khắc xung đột và có thể làm như vậy một lần nữa.
"Chúng ta có thể hợp lực, ngừng la hét và hạ nhiệt tình hình. Nếu không có đoàn kết, sẽ không có hòa bình, chỉ còn cay đắng và giận giữ. Không có tiến bộ, chỉ còn phẫn nộ và kiệt quệ. Không có quốc gia, chỉ còn tình trạng hỗn loạn. Đây là thời khắc lịch sử của khủng hoảng và thách thức. Đoàn kết là con đường phía trước. Chúng ta phải bắt kịp thời đại với tư cách là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ", Biden nói.
Tổng thống cao tuổi nhất của Mỹ từng trải qua hàng loạt biến cố ngay từ lúc bắt đầu sự nghiệp. Chỉ một tháng sau khi được bầu vào thượng viện năm 1972, Biden nhận tin vợ và con gái một tuổi qua đời vì tai nạn. Hai con trai của ông bị thương nặng nhưng may mắn sống sót. Tuy nhiên, năm 2015, người con cả Beau, cựu tổng chưởng lý bang Delaware, lại ra đi ở tuổi 46 vì ung thư não.
Theo bình luận viên Charles McNulty của Los Angeles Times, ý thức về sự mất mát đã được thể hiện trong diễn văn của Biden, với một đặc điểm không hiện hữu trong suốt 4 năm biến động dưới thời Trump, là sự khiêm tốn. "Trong lịch sử hiện đại không có bài phát biểu nào được truyền đi với giọng điệu thủ thỉ và đầy tâm sự như vậy", McNulty nhận xét.
Nhiều bình luận viên đánh giá việc Biden đắc cử tổng thống Mỹ là chuyện "đúng người, đúng thời điểm", bởi ông không chỉ là một chính trị gia nổi tiếng vì sự bình tĩnh và đồng cảm, giúp xoa dịu cử tri giữa đại dịch, mà còn là một người ôn hòa không thể bị công kích về những vấn đề liên quan đến giới tính và chủng tộc như các ứng viên Dân chủ khác.
Đây chính là những cuộc khủng hoảng mà Mỹ đang phải đối mặt, cần thời gian để giải quyết. Ngay trong ngày đầu tiên tại Phòng Bầu dục, Biden đã bước đầu "gỡ rối" bằng một loạt sắc lệnh hành pháp, bao gồm đưa Mỹ tái gia nhập hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và WHO, ngừng xây bức tường biên giới với Mexico, đảo ngược lệnh cấm nhập cảnh với công dân các nước Hồi giáo, áp lệnh đeo khẩu trang bắt buộc nhằm phòng chống Covid-19.
Mặc dù một số sắc lệnh được đánh giá chỉ mang tính biểu tượng hơn là hiệu quả thực tế, với kinh nghiệm hàng chục năm làm thượng nghị sĩ và mối quan hệ tốt đẹp với nhiều chính trị gia kỳ cựu, Biden được kỳ vọng có thể thu hút đủ sự ủng hộ tại quốc hội để hiện thực hóa kế hoạch "hàn gắn" nước Mỹ đầy táo bạo của ông.
Giấc mộng tổng thống mà Biden hằng ấp ủ hàng chục năm qua đã trở thành sự thật. Giờ đây, ông tiếp tục khao khát trở thành cầu nối, cam kết tạo ra biến chuyển để kéo đất nước khỏi những cuộc khủng hoảng chồng chéo. Việc ông chọn Harris, người phụ nữ đầu tiên, cũng là người da màu gốc Nam Á đầu tiên, trở thành Phó tổng thống được coi là minh chứng cho cam kết này.
"Hôm nay, chúng ta đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử một phụ nữ tuyên thệ nhậm chức Phó tổng thống, Kamala Harris. Đừng nói với tôi rằng mọi thứ không thể thay đổi", Biden tuyên bố.
Ánh Ngọc (Theo NY Times, LA Times)
Quân đội Mỹ có thể từ chối bắn đại bác chia tay Trump
Lầu Năm Góc được cho là đã từ chối đề nghị của Trump về việc tổ chức lễ chia tay với 21 phát đại bác khi ông rời nhiệm sở.