Mỹ cắt chế độ tem phiếu thực phẩm với 3,1 triệu dân, tiết kiệm 2,5 tỉ USD/năm
Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa đưa ra một dự thảo sửa đổi nhằm siết chặt trợ cấp thực phẩm dưới dạng tem phiếu của khoảng 3,1 triệu người.
23:30 24/07/2019
Khi thông tin được công bố ngày 23-7, phía Đảng Dân chủ đã ngay lập tức phản đối, cho rằng dự thảo - đã nhiều lần bị lưỡng đảng từ chối - là một nỗ lực khác của chính quyền ông Trump nhằm tước đi nguồn dinh dưỡng bổ sung của nhiều gia đình.
Theo hãng tin Reuters, chương trình Hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (SNAP) hiện do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) quản lý. Hiện nay, người dân có thu nhập thấp ở 43 tiểu bang của Mỹ đương nhiên được nhận trợ cấp tem thực phẩm qua chương trình SNAP nếu họ thuộc diện được hưởng Hỗ trợ tạm thời cho các gia đình khó khăn (TANF) của liên bang.
Tuy nhiên, USDA đề xuất cắt quy định tự động nhận trợ cấp này. Theo đó, những người nhận trợ cấp TANF phải được đánh giá về thu nhập và tài sản trước khi được nhận thực phẩm miễn phí từ chương trình SNAP.
Nếu được thông qua, quy định này sẽ tiết kiệm cho Chính phủ Mỹ khoảng 2,5 tỉ USD mỗi năm nhờ cắt thực phẩm của 3,1 triệu người.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng nhiều người Mỹ đang hưởng trợ cấp SNAP trong khi nền kinh tế đang mạnh, tỉ lệ thất nghiệp thấp.
Theo thông báo ngày 23-7 của Bộ Nông nghiệp, dự thảo này sẽ lấp các "khe hở" trong luật hiện tại.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue cho biết: "Trong một thời gian dài, lỗ hổng này được sử dụng để bỏ qua các hướng dẫn quan trọng về tiêu chuẩn được nhận hỗ trợ của chương trình SNAP cho những người không đủ điều kiện.
Người Mỹ muốn hoạt động của chính phủ công bằng, hiệu quả với sự chính trực cao như cách họ vận hành gia đình và việc kinh doanh của mình. Đó là lý do chúng tôi đề xuất thay đổi quy định để ngăn chặn tình trạng lạm dụng hệ thống này để chỉ những người khó khăn thực sự mới được hỗ trợ".
Có khoảng 40 triệu người Mỹ, tương đương 12% dân số, đang được nhận thực phẩm miễn phí thông qua chương trình SNAP.
Trung Quốc toan tính gì khi điều tàu xâm phạm vùng biển Việt Nam
Trung Quốc muốn biến khu vực không có tranh chấp của Việt Nam thành tranh chấp để hiện thực hoá âm mưu "Biển Đông là ao nhà".