Mỹ chuẩn bị chiến lược cho đại dịch mới

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc cách triển khai những kinh nghiệm mà họ đã học được từ đại dịch Covid-19 để chuẩn bị cho những đại dịch khác trong tương lai.

22:00 19/07/2021

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét lại cách tiếp cận đối với các phương pháp xét nghiệm khi đại dịch Covid-19 bước vào giai đoạn mới - giai đoạn mà ca nhiễm hàng ngày giảm xuống mức thấp nhất kể từ mùa xuân năm 2020, nhưng sự xuất hiện của biến thể Delta (lần đầu phát hiện ở Ấn Độ) đe dọa đợt bùng phát dịch mới.

Các quan chức y tế liên bang, cùng với nhà sản xuất bộ kit xét nghiệm, đang cùng nhau tham gia vào quá trình này. Chính phủ tìm cách giúp các công ty nhanh chóng triển khai việc xét nghiệm nếu tình huống khẩn cấp xảy ra, đồng thời dự trữ các nguồn cung xét nghiệm quan trọng.

Không chỉ vậy, theo Politico, hiện tại, khi các biến thể mới như Delta xuất hiện, nhà cầm quyền cũng cần đảm bảo rằng xét nghiệm có khả năng phát hiện ra các chủng mới, đồng thời duy trì năng lực xét nghiệm để phát hiện và ngăn chặn các đợt bùng dịch trong tương lai.

Sẵn sàng cho hiện tại

Hiện nay, với tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ hai mũi tại Mỹ ít hơn 50%, quốc gia này dễ bị tổn thương bởi các biến thể lây lan nhanh chóng như chủng Delta.

Trong bối cảnh các chuyên gia y tế cảnh báo nước Mỹ có thể chứng kiến sự gia tăng ca bệnh ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chính quyền ông Biden đang thúc đẩy kế hoạch thiết lập địa điểm xét nghiệm tại trường học và nơi tạm trú cho người vô gia cư khi mùa thu đến gần.

Ông Biden cũng thúc giục các nhà sản xuất tạo ra sản phẩm có thể sử dụng tại nhà, đồng thời có thể tầm soát cả bệnh cúm, Covid-19 và nhiều loại virus gây bệnh đường hô hấp thông thường khác.

Mặc dù Mỹ hầu như không ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm nào trong mùa cúm năm 2020, các phòng thí nghiệm y tế công cộng đã chuẩn bị cho khả năng tái phát bệnh này vào mùa thu và mùa đông tới, bên cạnh sự bùng phát của Covid-19. Điều này có thể gây ra nhiều khó khăn cho các bác sĩ, bởi vì triệu chứng ban đầu của hai bệnh khá giống nhau.

“Tôi nghĩ điều quan trọng là Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS), chính phủ liên bang và cộng đồng nghiên cứu phải nghiêm túc suy nghĩ về việc chuẩn bị cho nhiều đợt bùng dịch mới, và số ca nhiễm có thể sẽ không đồng nhất giữa các khu vực”, Scott Becker, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các Phòng thí nghiệm Y tế Công cộng, cho biết.

My chuan bi cho dai dich tiep theo anh 2

Nhu cầu xét nghiệm tại Mỹ không hề giảm trong hơn một năm qua. Ảnh: Reuters.

Nhu cầu xét nghiệm Covid-19 tại Mỹ tăng cao ngay từ khi đại dịch bắt đầu, và không hề giảm trong hơn một năm qua. Điều này đã thúc đẩy sự hợp tác chưa từng có giữa cơ quan y tế liên bang và ngành công nghiệp xét nghiệm.

Cả chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và chính quyền đương nhiệm Joe Biden đều đã chi hàng triệu USD để hỗ trợ xét nghiệm quy mô lớn trên toàn quốc. Quốc hội cũng cung cấp hàng tỷ USD để chi trả cho các chương trình xét nghiệm sàng lọc.

Hiện tại, sau gần hai năm chung sống với Covid-19, chính quyền ông Biden đã thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ về vai trò quan trọng của phương án xét nghiệm liên bang.

Michael Iademarco, người đứng đầu nhóm chẩn đoán và xét nghiệm Covid-19 của HHS trong 7 tháng qua, đã quay trở lại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

Dean Winslow, giáo sư y khoa tại Đại học Stanford với chuyên môn về bệnh truyền nhiễm, phụ trách nhóm lập kế hoạch lập điểm xét nghiệm tại trường học của ông Biden.

Jay Butler, phó giám đốc phụ trách bệnh truyền nhiễm của CDC, được điều động đến Văn phòng Trợ lý Bộ trưởng Chuẩn bị và Ứng phó của HHS, giúp hoạch định chiến lược xét nghiệm Covid-19 của chính phủ nếu đại dịch ngày càng lan rộng.

“Đây là dấu hiệu cho thấy chúng tôi xem xét các vấn đề liên quan đến xét nghiệm một cách nghiêm túc. Chúng tôi đồng thời suy nghĩ cho tương lai khi xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết cho quá trình xét nghiệm nhằm chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo”, một quan chức HHS nói.

“May mắn thay, hiện tại, có vẻ như vaccine có hiệu quả chống lại các biến thể mới. Nhưng chúng tôi vẫn chưa thể chắc điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Vì vậy, chúng tôi cần xây dựng một chiến lược xét nghiệm bền vững và thực thi chiến lược đó cho đến khi đại dịch này kết thúc”, người này nói thêm.

Chuẩn bị cho tương lai

Chính phủ liên bang đang tìm cách đảm bảo các mối quan hệ đối tác công tư phát triển trong thời kỳ đại dịch sẽ tiếp tục kết nối với nhau, ngay cả khi cuộc khủng hoảng y tế hiện tại kết thúc.

“Về mặt tài chính, chúng tôi đang tìm hiểu xem ngành công nghiệp chẩn đoán dịch bệnh cần gì để sẵn sàng cho trường hợp khẩn cấp, trước đại dịch tiếp theo diễn ra”, một quan chức HHS cho biết.

“Mỹ cần phải dự trữ một số thứ trong kho để chuẩn bị cho một đại dịch mới có thể ập tới trong tương lai”, một quan chức khác thuộc HHS cho hay.

Duy trì một kho dự trữ vật tư xét nghiệm - chẳng hạn như gạc, thuốc thử hoặc ống xét nghiệm để vận chuyển mẫu bệnh phẩm - là một lĩnh vực được quan tâm.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đang chịu trách nhiệm hỗ trợ phát triển các phương thức xét nghiệm Covid-19 tiên tiến thông qua chương trình Rapid Acceleration of Diagnostics (RADx). Bruce Tromberg, nhà khoa học NIH tham gia sáng kiến, cho biết họ dự kiến ​​chi 100 triệu USD để hỗ trợ thương mại hóa công nghệ xét nghiệm mới trước năm nay.

My chuan bi cho dai dich tiep theo anh 3

Covid-19 đã để lại cho Mỹ bài học về năng lực xét nghiệm. Ảnh: CNN.

“Chúng tôi đang làm việc với một số nhà sản xuất thông qua RADx để sáng tạo thêm nhiều phương pháp xét nghiệm nhằm đánh giá nhanh các biến thể”, ông Tromberg nói. “Bạn lấy một miếng tăm bông, đưa vào trong thiết bị, sau đó thiết bị có thể đánh giá cùng một lúc 27 biến thể mà không cần phải thực hiện giải trình tự gene mới xác định được”.

Ông Tromberg hy vọng chính phủ sẽ tài trợ thêm cho dự án RADx nhằm phát triển các xét nghiệm có thể xác định thời gian sau khi tiêm mà vaccine bảo vệ cơ thể khỏi virus.

Về lâu dài, nỗ lực này là nhằm đại tu cách thức xét nghiệm y tế của Mỹ, tránh những sai lầm mà nước này đã mắc phải khi đại dịch Covid-19 mới bắt đầu.

Một nguồn tin trong ngành cho biết có một khía cạnh độc đáo mà đại dịch Covid-19 mang lại cho sức khỏe cộng đồng. Đó chính là nhờ Covid-19, cách thực hiện và tính khả dụng của các xét nghiệm chẩn đoán dịch bệnh quan trọng đã được chia sẻ công khai.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Ông Tromberg cảnh báo ngay cả khi các ca mắc Covid-19 tại Mỹ được kiểm soát, nếu các quốc gia khác vẫn vật lộn với nhiều biến thể mới và nguy hiểm hơn, quá trình xét nghiệm tại Mỹ vẫn cần phải theo kịp tiến độ.

“Các biến thể đang thay đổi theo thời gian. Cho đến khi đại dịch được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, Mỹ sẽ vẫn trong tình thế nguy hiểm”, ông Tromberg nói.

Tags:
Nghiên cứu của Đại học Harvard: 4 thói quen tưởng vô hại, làm giảm tuổi thọ nam giới

Nghiên cứu của Đại học Harvard: 4 thói quen tưởng vô hại, làm giảm tuổi thọ nam giới

Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, tuổi thọ đàn ông có thể bị rút ngắn vì những thói quen phổ biến như ăn uống thất thường, ít vận động hay tâm lý căng thẳng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất