Mỹ đã tìm được nguồn đất hiếm để đấu Trung Quốc?
Lầu Năm Góc có thể lấy nguồn đất hiếm ở châu Phi thay thế nhà cung cấp tại Trung Quốc.
11:00 07/06/2019
Reuters ngày 6/6 dẫn các nguồn tin ở Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đang chuẩn bị cụ thể cho chiến lược thay thế nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc.
Công nhân khai thác đất hiếm thuộc tập đoàn Mkango. Ảnh:CNN
Cụ thể, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có cuộc hội đàm với Công ty Mkango Resources thuộc sở hữu của quốc gia châu Phi Malawi, cùng các công ty khai thác đất hiếm khác trên toàn cầu về nguồn cung cấp khoáng sản chiến lược của họ, cụ thể là đất hiếm.
Đây là kế hoạch tìm kiếm trữ lượng đất hiếm đa dạng bên ngoài Trung Quốc của Lầu Năm Góc trong bối cảnh thương chiến hai nước ngày càng trở nên căng thẳng.
Jason Nie, một kỹ sư vật liệu của Cơ quan Hậu cần Quốc phòng thuộc Lầu Năm Góc phát biểu bên lề hội nghị bàn về kim loại quý hiếm của Argus US ở Chicago:
“Chúng tôi đang tìm kiếm bất kỳ nguồn cung cấp nào có khả năng thay thế nguồn Trung Quốc. Chúng tôi muốn sự đa dạng. Chúng tôi không muốn dựa quá nhiều vào một nhà sản xuất, cung cấp đơn lẻ”.
DLA vốn chịu trách nhiệm về khâu hậu cần cho quân đội Mỹ. Tất cả việc mua bán, giao thương, dự trữ các mặt hàng như khoáng sản hiếm, phụ tùng máy bay và đồng phục quân đội đều do DLA quản lý.
Theo Jason, DLA đang cố gắng dùng các mối quan hệ ngoại giao để thương thảo với “đại gia” Rainbow Rare Earths, một trong những công ty hàng đầu về sản xuất đất hiếm của Burundi. Nếu phi vụ này thành công, trữ lượng đất hiếm khổng lồ mà công ty này đang nắm trong tay sẽ thuộc về Mỹ.
Dẫu vậy, đây mới chỉ là một hướng đi còn khó khăn bởi Tập đoàn Mkango Resources hiện vẫn phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc khai thác, chế biến đất hiếm ở Malawi và công nghệ mà họ sử dụng kém xa so với các tập đoàn Trung Quốc.
Ngoài ra, công ty Rainbow Rare Earths đang có thỏa thuận mua bán với tập đoàn Đức ThyssenKrupp. Phần lớn sản lượng đất hiếm do Rainbow sản xuất hiện đang thuộc sở hữu của ThyssenKrupp. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến các giao dịch mua bán trong tương lại giữa Mỹ và công ty này.
Một trong nỗ lực khác của Mỹ là tăng cường hợp tác với công ty khai thác đất hiếm Lynas tại Malaysia. Công ty này vừa tăng cường sản lượng khai thác đất hiếm ở Malaysia, đồng thời liên doanh với Blue Line Mining có trụ sở tại Texas để thành lập một nhà máy sản xuất đất hiếm ở Mỹ.
Thỏa thuận của Blue Line sẽ đảm bảo các công ty Mỹ tiếp tục tiếp cận công nghệ khai thác đất hiếm tương tự các kỹ thuật mà các nhà khai thác ở Trung Quốc đang sử dụng.
Trước thế độc tôn của Bắc Kinh trên thị trường đất hiếm, các quốc gia khác cũng thúc đẩy chương trình khai thác loại tài nguyên quan trọng này.
Mỏ đất hiếm tại California, Mỹ và nhà máy tinh chế đất hiếm của Úc tại Malaysia đã giảm con số nắm giữ thị trường của Trung Quốc xuống còn 70%, theo thông số thống kê năm 2014.
Trung Quốc cung cấp đến 80% sản lượng đất hiếm cho tất cả lĩnh vực thương mại, quốc phòng, công nghệ ở Mỹ song không phải nước Mỹ không thể sản xuất được đất hiếm. Việc khai thác đất hiếm mang lại cái giá quá đắt, đó là môi trường bị hủy hoại.
Kim Hoa
Cậu bé 7 tuổi bán sôcôla quyên 22.000 đô cho ông Trump xây tường
Một cậu bé 7 tuổi ở Texas bằng việc bán sôcôla nóng đã quyên góp được 22.000 đô la cho việc xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico, nhằm ủng hộ vị Tổng thống của mình để bảo vệ đất nước.