Mỹ đào tạo giao tiếp cho cảnh sát trẻ

Các chuyên gia báo động tình trạng lực lượng cảnh sát trẻ ở Mỹ thiếu kỹ năng giao tiếp và ứng xử với người dân do lạm dụng mạng xã hội.

20:48 18/06/2017

Một cảnh sát Mỹ trao đổi với người dân trong một cuộc điều tra
Một cảnh sát Mỹ trao đổi với người dân trong một cuộc điều tra 

Thời gian qua, ở Mỹ thường xảy ra các vụ cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức dẫn đến chết người, gây bức xúc trong dư luận và kéo theo nhiều cuộc biểu tình, thậm chí bạo động.

Tờ The New York Times dẫn lời các chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân là cảnh sát thiếu kỹ năng giao tiếp thể hiện sự tôn trọng, thân thiện đối với người dân, từ đó lúng túng khi xử lý các tình huống căng thẳng và cuối cùng phải dùng đến vũ lực.

Theo báo cáo của Khoa Tội phạm học thuộc Đại học Laurier (Canada), lực lượng cảnh sát mắc sai lầm lớn nếu tin rằng súng và còng tay là công cụ chính trong thực thi pháp luật. Thời nay, công cụ quan trọng nhất của sĩ quan cảnh sát là kỹ năng giao tiếp tốt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy 90% thời lượng chương trình huấn luyện tại các học viện cảnh sát tập trung vào các cách phòng vệ cùng những vấn đề khác và chỉ có 10% rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Để khắc phục tình trạng này, một số sở cảnh sát đã mở thêm lớp bồi dưỡng kỹ năng xã hội.

Căng thẳng với dân

Nhiều quan chức và giảng viên cho hay trong thời đại mạng xã hội, cảnh sát thuộc thế hệ Y (ra đời trong giai đoạn đầu thập niên 1980 – 2000) gặp khó khăn khi giao tiếp với người lạ. “Tôi không đánh đồng hết tất cả. Nhưng rõ ràng nhiều cảnh sát trẻ rất lúng túng khi giao tiếp vì thường xuyên “sống ảo”. Ở thời của tôi, nếu gặp vấn đề gì thì mọi người gặp nhau trực tiếp thảo luận. Trong khi đó, giới trẻ thời đại ngày nay chỉ nói chuyện qua mạng và thường có phản ứng không phù hợp khi trực diện rắc rối. Những kỹ năng trên mạng chẳng thể giúp ích gì khi họ ra ngoài xã hội”, ông Thom Dworak, giảng viên thỉnh giảng tại nhiều học viện cảnh sát, lưu ý.

Tương tự, Đài NPR dẫn lời trung sĩ Marty Tucker nhận định: “Cảnh sát trẻ quá căng thẳng khi tiếp xúc với người dân dẫn đến ứng xử tình huống cứng nhắc”. Ông Tucker đang điều hành chương trình huấn luyện giao tiếp cho cảnh sát trẻ của Văn phòng Cảnh sát trưởng tại TP.Spokane, bang Washington. Đối với một công việc đòi hỏi phải thường xuyên tiếp xúc với nhiều người trong những tình huống khó khăn, nhạy cảm như cảnh sát thì đây là một vấn đề lớn. Chính vì thế, Văn phòng Cảnh sát trưởng Spokane hiện đặt trọng tâm vào chương trình đào tạo kỹ năng giao tiếp.

Cùng làm việc với trung sĩ Tucker là chuyên gia giao tiếp Anthony Anderman. Ông đã thiết kế nhiều bài tập như yêu cầu cảnh sát viên mặc thường phục đi dạo quanh siêu thị, trạm xe buýt và thử bắt chuyện, làm quen với người dân. Ngoài ra, cảnh sát mới vào nghề còn được hướng dẫn thực hành “đọc” cử chỉ, nét mặt người khác trước khi bắt chuyện làm quen. Ngoài ra, trong suốt khóa bồi dưỡng, học viên cũng được khuyến khích giảm thời gian sử dụng mạng xã hội và cố gắng nói chuyện nhiều hơn với bạn bè, người thân.

Học “chiến lược” giao tiếp

Tân sĩ quan cảnh sát Russell Aldrich tham gia lớp đào tạo tại Spokane cho biết anh dần phát triển được nhiều “chiến lược” trong giao tiếp phục vụ cho công việc. “Bây giờ tôi biết cách nhìn cách ăn mặc, cử chỉ và nét mặt của một người để đánh giá sơ bộ. Chẳng hạn, nếu cần kiểm tra một người đội nón với logo đội bóng nào đó thì tôi có thể dùng thể thao để mở đầu”, Aldrich cho biết.

Nhiều người có thể nghĩ rằng những kỹ năng tưởng chừng như cơ bản này không cần phải học cũng biết nhưng trong thời đại mạng xã hội bùng nổ hiện nay thì Aldrich và nhiều đồng nghiệp trẻ khác nhận ra họ cần nghiêm túc học hỏi và luyện tập. “Tôi nhận thấy thiếu kỹ năng giao tiếp là vấn đề thật sự của giới trẻ. Chúng tôi dành quá nhiều thời gian cho những thứ trên mạng. Thậm chí trong lúc ở học viện cảnh sát, chúng tôi vẫn chủ yếu giao tiếp qua các ứng dụng trên điện thoại”, Aldrich .

Ông Shawn Weil, chuyên gia thuộc Công ty huấn luyện kỹ năng mềm Aptima, lưu ý không phải tất cả cảnh sát thế hệ Y đều yếu kỹ năng giao tiếp và cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho mạng xã hội. Tuy nhiên, điều tối quan trọng là thượng cấp và giảng viên phải hướng dẫn cho họ cách nói chuyện phù hợp, đảm bảo sự tôn trọng, thân thiện và gần gũi cũng như cương quyết khi cần thiết với người dân.

Theo Thanh niên

Tags:
Cứ phải yêu tiền một cách ghen tuông và mù quáng thì mới giàu được!

Cứ phải yêu tiền một cách ghen tuông và mù quáng thì mới giàu được!

Thực ra thì giàu có đâu phải ước mơ gì đáng bị cấm cản, cũng đâu phải là điều không thể thực hiện được.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất