Mỹ đau đầu với làn sóng ‘hề quỷ’ quái gở

08:43 30/10/2016

Chuyện thật khó tin: Mỹ và Anh đang đau đầu với hiện tượng hóa trang làm “hề quỷ” quái gở đang dần mất kiểm soát.

Càng gần đến dịp Halloween, người dân tại Mỹ và Anh trình báo ngày càng nhiều các đối tượng mang trang phục hề với hình thù khuôn mặt quái dị dọa trẻ em sợ hãi hay thậm chí tấn công người đi đường. Trào lưu kinh dị này được cho là bắt đầu từ Mỹ, sau đó lan đến nước Anh gây ra nỗi sợ hãi cho công chúng. Tại Mỹ, tính đến nay đã có ít nhất 40/50 bang phát hiện có đối tượng hóa trang làm “hề quỷ” và số lượng vẫn tiếp tục tăng.

Không chỉ là trò đùa

Chú hề được biết đến là một nhân vật đáng sợ nhờ cuốn tiểu thuyết kinh dị của Stephen King phát hành vào năm 1986. Trong cuốn sách, chú hề Pennywise đe dọa một nhóm trẻ con trong thị trấn nhỏ ở Mỹ. Nhiều người tin rằng đây là nguồn cảm hứng cho trào lưu này.

Trong làn sóng quái gở lần này, “hề quỷ” được nhìn thấy lần đầu tiên ở thị trấn Greenville, bang South Carolina, Mỹ. Ngày 21-8, một người phụ nữ báo tin cho cảnh sát rằng con trai bà nhìn thấy những chú hề bí ẩn bàn chuyện thì thầm với nhau và gây ra những tiếng động lạ vào khoảng 8 giờ 30 tối trong khu rừng gần nhà. Nhiều người khác cũng khẳng định đã nhìn thấy chú hề trong khu vực. Nhiều trẻ em cho biết bị các chú hề cố tìm cách dụ đi vào rừng.

Câu chuyện kỳ lạ của chú hề ở Greenville nhanh chóng lan tràn trên mạng xã hội, hàng ngàn người cho rằng chuyện này vô cùng kỳ quặc và đáng sợ. Nhưng đây chỉ là màn khởi đầu, bởi sau đó có rất nhiều vụ bắt chước giả làm chú hề để hù dọa người khác. Mọi người ban đầu đều cho đây chỉ là một trò đùa ngớ ngẩn. Thế nhưng nó nhanh chóng trở thành một trào lưu bạo lực khi càng có nhiều trường hợp các đối tượng ăn mặc kiểu “hề quỷ” và cầm dao, gậy đánh gôn, thậm chí cưa sắt tiếp cận người đi đường. Đã có những trường hợp tấn công bạo lực thật sự xảy ra.

Vấn đề này thậm chí đã được đề cập đến ở Nhà Trắng. Người phát ngôn Nhà Trắng, ông Josh Earnest, đã được hỏi về hiện tượng này trong một buổi họp báo định kỳ. “Tôi không biết tổng thống đã được thông báo về tình hình đặc biệt này hay chưa. Đây là tình huống mà tôi nghĩ nên sử dụng luật pháp để có biện pháp trừng trị nghiêm khắc” – tờ The Hill dẫn lời ông Earnest. Theo tạp chí Time, chỉ riêng ở bang Alabama đã có ít nhất chín đối tượng ăn mặc như “hề quỷ” và có hành động gây rối trật tự xã hội đã bị bắt giữ.

Hình ảnh chú hề đáng sợ chạy trên đường phố. Ảnh: THE GUARDIAN

Vượt qua cả Đại Tây Dương

Không dừng lại tại Mỹ, làn sóng hù dọa phong cách kinh dị này còn vượt qua cả Đại Tây Dương và đổ bộ vào châu Âu. Tờ The Guardian cho biết các đối tượng ăn mặc theo phong cách kinh dị này đã được nhìn thấy ở nhiều TP như Essex, Wales, Manchester và Newcastle. Cảnh sát ghi nhận nhiều trường hợp các “chú hề” còn rình rập nhảy ra chặn xe để dọa tài xế, dùng vũ lực và cố tìm cách mở cửa xe, chạy đuổi theo người dân và thậm chí tấn công bằng vũ khí.

Tại thị trấn Brotton, cô Emma Smith, 39 tuổi, cho biết bản thân đã “sợ hãi tột độ” sau khi cùng con gái phát hiện một “gã hề” ẩn nấp trong một góc tối. Kể lại với tờ The Guardian mà cô Emma Smith vẫn chưa hết bần thần: “Tôi và con gái đang đi trên đường Sycamore thì đột nhiên nghe thấy một tiếng động lạ phía sau lưng. Tôi quay lại thì thấy một người mang mặt nạ hề, mặc quần áo tối màu và đứng nhìn mẹ con tôi chằm chằm. Hắn không động đậy mà chỉ đứng đó nhìn chúng tôi không rời mắt. Tôi nói với con gái cố gắng lờ đi và tiếp tục đi thật nhanh nhưng thật sự là lúc đó tôi cảm thấy sợ hãi đến tột độ”.

Một trong những trường hợp nghiêm trọng nhất xảy ra vào sáng 7-10, khi một người đàn ông bịt mặt cầm dao bám theo một nhóm học sinh tới tận trường. Dù không có trường hợp nào bị thương nhưng các em vô cùng hoảng loạn. Cảnh sát trên khắp nước Anh đã nhận được rất nhiều cuộc gọi trong vòng một tháng qua thông báo về các sự việc tương tự. Lực lượng chấp pháp nước này đã phát cảnh báo rằng những kẻ hóa trang làm “hề quỷ” sẽ bị bắt giữ nếu tiếp tục có các hành vi hù dọa người khác. Tờ The Guardian cho biết nhiều đối tượng đã bị bắt giữ. Đầu tháng 10, cơ quan công tố của Anh đã cho xử phạt trường hợp đầu tiên cải trang làm “hề quỷ” và hù dọa trẻ em. Cảnh sát cho biết họ sẽ có các biện pháp cứng rắn vì trào lưu này đã đi quá xa.

Cảnh sát trưởng Darren Deex, thuộc Sở Cảnh sát Essex, cho biết: “Hiện những hình ảnh và video ghi lại những chú hề thu hút được rất nhiều sự chú ý trên các trang mạng xã hội. Đây lại là nơi mà thường xuyên lan truyền những tin tức không đúng sự thật. Việc đưa tin sai sự thật này đã tiếp tục thúc đẩy trào lưu này và tạo ra làn sóng sợ hãi trong cộng đồng”. Chỉ trong vòng một tuần, trào lưu này lại tiếp tục lan rộng từ Anh đến New Zealand và Úc.

Những hệ lụy đau đầu

Năm 2016 không phải là lần đầu tiên ghi nhận hiện tượng có người hóa trang như “hề quỷ” và đi hù dọa người khác. Theo trang mạng Vox, vào năm 2014, cũng từng có một trào lưu hóa trang tương tự, tạo “bão” trên mạng xã hội và lan sang cả Pháp. Xa hơn nữa, vào năm 1981, cảnh sát TP Boston (Mỹ) từng ghi nhận đến hơn 20 cuộc gọi báo nhìn thấy những đối tượng ăn mặc như những chú hề quấy rối trẻ em.

nước Mỹ cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp tương tự lần lượt trong các năm 1991, 1994 và 1997. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội cộng với một tâm lý sợ hãi và nghi hoặc ngày một ăn sâu vào xã hội Mỹ, các hệ lụy đến từ trào lưu “hề quỷ” quái gở này càng làm chính quyền các nước đau đầu, đặc biệt là về vấn đề an ninh.

Hãng tin ABC News đầu tháng 10 cho biết một nhóm đông hơn 500 sinh viên tại ĐH Pennsylvania đã cầm gậy gộc lùng sục khắp trường để tìm kiếm “hề quỷ”. Buổi tối hôm đó, tài khoản mạng của các sinh viên trường đã lan truyền thông tin xuất hiện “hề quỷ” trong khuôn viên khu học xá. Các hội nhóm sinh viên đã lập tức kêu gọi nhau “dạy cho gã hề đó một bài học”. Cuộc săn lùng kéo dài đến khuya nhưng không có bất kỳ “gã hề” nào bị phát hiện.

Tâm lý sợ hãi được thổi phồng bởi mạng xã hội và các mẩu tin liên tiếp hơn hai tháng qua. Nhiều người dân đã tự tìm cách “xử lý” những người cải trang hoặc bị nghi có ý định cải trang làm “hề quỷ”. Tại thị trấn Greenville, nơi khởi đầu của trào lưu “hề quỷ” năm 2016, người dân địa phương đã tự tập họp và mang súng bắn vào trong các khu rừng nghi có “hề quỷ” ẩn nấp. Cảnh sát địa phương đã phải tăng cường tuần tra để trấn an người dân.

Một nữ học sinh trung học tại bang Georgia đã bị tạm giam vì mang dao vào trường học. Cô bé khẳng định mình mang vũ khí theo là để tự vệ không bị “hề quỷ” tấn công. Bi kịch nhất là trường hợp Christian Torres, một thiếu niên 16 tuổi tại bang Pennsylvania, bị đâm chết vì đang đội trên đầu một mặt nạ hề tương tự trong bộ phim kinh dị The Purge (tạm dịch: Cuộc thanh trừng). Cảnh sát địa phương cho biết cậu bé đã mang chiếc mặt nạ đó trong một thời gian và khiến hàng xóm nhiều lần phàn nàn. Tuy nhiên, vào thời điểm bị sát hại, cậu bé không trùm kín mặt nạ mà chỉ đội trên đầu, để lộ mặt và không hù dọa ai cả.

Trước những trường hợp đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua, có vẻ những người thích chơi khăm, giả làm “hề quỷ” để hù dọa người khác đang đối mặt với hiểm nguy nhiều hơn là những người bị chơi khăm.

Theo Pháp luật TP HCM

Tags:
Thực hư tin Tổng thống Trump miễn visa cho công dân châu Á vào Mỹ

Thực hư tin Tổng thống Trump miễn visa cho công dân châu Á vào Mỹ

Nhiều người châu Á đã cảm thấy rất phấn khích vì thông tin cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump miễn phí cấp visa tới Mỹ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất