Mỹ dọn dẹp núi rác sau lốc xoáy
Người dân và đội dọn dẹp các khu vực bị tàn phá sau lốc xoáy ở bang Kentucky, Mỹ, đang xử lý hàng núi rác và tìm kiếm nạn nhân.
07:31 15/12/2021
Thống đốc Kentucky Andy Beshear hôm 14/12 cho biết hàng trăm thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia đã có mặt tại các cộng đồng bị tàn phá sau trận lốc xoáy hôm 10/12 để tìm kiếm nạn nhân và người sống sót, dọn đường và hỗ trợ giữ gìn an ninh.
Trước đó, ông cho hay giới chức đang tiếp tục đánh giá thiệt hại. Nhiều khu dân cư bị san phẳng, 1.000 ngôi nhà bị phá hủy, nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng bị thổi bay.
Beshear cho biết số người thiệt mạng tại bang vẫn ở mức 74, nhưng trong số này có hơn 10 trẻ em. Nạn nhân ít tuổi nhất là em bé hai tháng, nhiều tuổi nhất là cụ già 98 tuổi.
"Tôi hy vọng có thể tìm thấy thêm thi thể. Có quá nhiều nơi bị tàn phá", Beshear bày tỏ, nói thêm rằng hơn 100 người vẫn mất tích và 8 nạn nhân chưa xác định được danh tính.
Khi đội dọn dẹp và tìm kiếm đưa hàng núi rác và mảnh vỡ ra khỏi các cộng đồng, Thống đốc Kentucky cho biết "dọn dẹp quang cảnh lộn xộn, phá hủy và chết chóc khỏi một số khu vực giống như một hình thức trị liệu".
Tổng thống Mỹ Joe Biden lên kế hoạch tới thăm Kentucky vào ngày 15/12. Ông đã tuyên bố tình trạng thảm họa liên bang tại bang Kentucky hôm 12/12.
Tính đến chiều 14/12, hơn 4 ngày sau trận lốc xoáy bất ngờ, 18.000 hộ gia đình và cơ sở kinh doanh ở Kentucky vẫn chưa có điện. Hơn 300 người ở Kentucky, cũng như ở Arkansas và Tennessee, đang tạm trú trong các cơ sở của Hội Chữ thập Đỏ và con số này dự kiến tăng lên. Giám đốc điều hành hội Chữ thập Đỏ Kentucky cho hay hàng trăm người nữa đã được đưa vào ở tạm thời trong khu nghỉ dưỡng tại các công viên của bang.
Ít nhất 50 trận lốc xoáy xuất hiện vào đêm 10/12, càn quét 6 bang ở miền trung nước Mỹ, trong đó có Arkansas, Illinois, Kentucky, Missouri và Tennessee. Lốc xoáy giật sập đường dây điện, tốc mái nhà, hủy hoại nhiều khu vực dân cư, khiến ít nhất 88 người thiệt mạng.
Đợt lốc xoáy hình thành ở miền trung nước Mỹ khi khối khí lạnh từ vùng cực di chuyển xuống phía nam và tương tác với khối không khí nóng ẩm ở khu vực này. Hiện tượng La Nina được cho là khiến mùa đông ấm hơn bình thường ở miền nam nước Mỹ. Các nhà khoa học cảnh báo thời tiết bất thường, nhiệt độ ấm lên vào mùa đông sẽ phổ biến khi Trái Đất nóng lên.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)
Mua vé số theo giấc mơ, trúng 300.000 USD
MỹNgười phụ nữ ở Michigan mua vé số theo giấc mơ nhiều năm trước và trúng thưởng 300.000 USD.