Mỹ giảm nhiều các ca tim mạch nhờ cấm dùng chất béo chuyển hóa
Lệnh cấm sử dụng chất béo trong thực phẩm có thể giúp giảm đáng kể các trường hợp đau tim và đột quỵ. Đây là kết luận được các nhà khoa học Mỹ đưa ra trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí JAMA của Hiệp hội Tim mạch Mỹ số ra ngày 12/4.
21:52 13/04/2017
Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học thuộc Đại học Yale đã tiến hành so sánh dữ liệu sức khỏe của người dân trên 25 tuổi, sống tại 11 hạt áp dụng lệnh cấm chất béo chuyển hóa và 25 hạt không áp dụng lệnh cấm này trên toàn bang New York, trong thời gian từ năm 2002-2013.
Kết quả cho thấy khoảng 3 năm sau khi các lệnh cấm sử dụng chất béo chuyển hóa được ban hành, số ca nhập viện do đau tim và đột quỵ tại các hạt áp dụng lệnh cấm đã giảm 6,2%, so với các hạt không áp dụng lệnh này.
Trưởng nhóm nghiên cứu trên, tiến sỹ Eric Brandt, nhận định kết quả nghiên cứu đã cho thấy tác động tích cực của chính sách công đối với sức khỏe tim mạch của cộng đồng.
Ông Brandt khuyến cáo các chất béo chuyển hóa có hại cho sức khỏe cần được loại bỏ khỏi chế độ ăn nhằm giảm tỷ lệ tử vong do đau tim và đột quỵ.
Tháng 7/2007, New York là thành phố đầu tiên của Mỹ ban hành lệnh cấm sử dụng chất béo chuyển hóa tại các nhà hàng và quán ăn. Các lệnh cấm tương tự cũng đã được áp dụng tại 25 hạt thuộc bang New York ngay sau đó.
Dự kiến, vào năm 2018, lệnh cấm này sẽ có hiệu lực trên toàn nước Mỹ.
Chất béo tự nhiên có trong nhiều thực phẩm như sữa tươi, thịt bò, thịt cừu,… nhưng ở một lượng rất nhỏ nên không đáng ngại.
Còn chất béo chuyển hóa nhân tạo do các tập đoàn chế biến thực phẩm tạo ra có thể giúp bảo quản thực phẩm trong thời gian dài và làm cho thực phẩm trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, đây là một trong những thủ phạm gây nên các bệnh về tim mạch do chúng có thể đông đặc lại trong máu, tạo thành những vảy mỡ bám vào mạch máu./.
United Airlines sẽ khởi kiện người quay video “kéo lê hành khách”?
United Airlines đang phải đối mặt với chỉ trích của dư luận và mất hàng trăm triệu USD vì giá chứng khoán của hãng giảm mạnh, tuy nhiên người quay đoạn video về việc kéo lê hành khách cũng có thể gặp rắc rối lớn.