Mỹ không còn là 'thiên đường' trong mắt người Trung Quốc
Người Trung Quốc từng coi Mỹ là nguồn cảm hứng nhưng giờ đây, họ cho rằng Washington muốn kìm hãm sự phát triển của Bắc Kinh.
03:30 21/05/2019
Một người Trung Quốc đẩy xe nôi có hình cờ Mỹ. Ảnh: AP. |
Diễn viên múa Đoàn Ba lê Quốc gia Trung Quốc Qi Haohan tự hào kể lại những lần anh biểu diễn với đồng nghiệp Mỹ trên các sân khấu ở Trung Quốc. Anh yêu thích Daniil Simkin, diễn viên múa chính tại Nhà hát Ba lê Mỹ. Nhưng khi được hỏi về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sự ngưỡng mộ của anh đối với nước Mỹ lập tức tan biến.
"Chiến đấu, chiến đấu, chiến đấu!", chàng trai 25 tuổi viết trên mạng xã hội, kêu gọi đất nước đứng vững sau khi các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ lâm vào bế tắc, khiến Mỹ áp thuế mới với Trung Quốc và Bắc Kinh tung đòn trả đũa.
"Quyết định tăng thuế của Mỹ sẽ chỉ khiến họ tự hủy hoại mình", Qi nói. "Trung Quốc hoàn toàn sẵn sàng đáp trả".
Quan điểm của Qi là một ví dụ về thái độ phức tạp vừa yêu vừa ghét của người Trung Quốc đối với Mỹ. Người Trung Quốc từ lâu đã coi Mỹ như một nguồn cảm hứng, với những tòa nhà chọc trời lấp lánh, sức mạnh tài chính và sức mạnh quân sự vô song.
Văn hóa Mỹ ăn sâu vào đời sống Trung Quốc đến mức các chuyên gia cho rằng người Trung Quốc không thể tẩy chay các sản phẩm Mỹ như cách họ từng làm với hàng hóa Nhật Bản và Hàn Quốc, khi căng thẳng với các quốc gia này tăng cao. Nhiều người Trung Quốc yêu thích iPhone và tôm hùm nhập khẩu từ Boston. Các thanh niên theo dõi các phim truyền hình Mỹ như House of Cards (Sóng gió chính trường) và Modern Family (Gia đình hiện đại).
Nhiều người Trung Quốc còn ngưỡng mộ nước Mỹ vì hệ thống giáo dục, luật pháp chặt chẽ và quyền lực mềm. Một số người coi giấc mơ Mỹ như động lực tinh thần.
"Giấc mơ Mỹ có nghĩa là làm việc chăm chỉ và từng bước một đạt được mục tiêu" Kobe Liu Zhe, 29 tuổi, người hâm mộ ngôi sao bóng rổ Mỹ Kobe Bryant ở Cáp Nhĩ Tân, nói. "Kobe Bryant đại diện cho giấc mơ đó".
Tuy nhiên, người Trung Quốc giờ đây ngày càng coi Mỹ là một đối thủ chiến lược - quan điểm được thúc đẩy bởi niềm tự hào về sự trỗi dậy của Trung Quốc và bởi các cơ quan tuyên truyền đảng Cộng sản Trung Quốc từ lâu đã mô tả Mỹ là quốc gia thù địch, "đế quốc" cố gắng kìm hãm Trung Quốc.
"Trung Quốc đang có tâm lý đứng thứ nhì", chuyên gia về Trung Quốc Yun Sun tại Trung tâm Stimson ở Washington nói. "Việc bên đứng thứ nhì muốn vượt thứ nhất là điều dễ hiểu".
Theo khảo sát toàn quốc Trung tâm nghiên cứu Pew công bố năm 2016, 45% người Trung Quốc coi sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ là mối đe dọa lớn đối với nước họ, tăng từ mức 39% vào năm 2013. Hơn một nửa số người Trung Quốc tin rằng Mỹ cố gắng kìm hãm Trung Quốc vì không muốn họ trở nên hùng mạnh như Mỹ.
Xu hướng này nhiều khả năng leo thang trong năm qua, khi hai nền kinh tế thế giới đối đầu nhau trong cuộc chiến thương mại. Mỹ cũng thắt chặt hạn chế thị thực đối với sinh viên và học giả Trung Quốc nhằm hạn chế hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và gián điệp.
Một cửa hàng Apple ở Bắc Kinh. Ảnh: NYTimes. |
Những diễn biến này càng củng cố cách nhìn của người Trung Quốc rằng Mỹ cố tình cản trở họ, khiến Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác ngoài đáp trả.
"Chúng tôi không sợ. Trung Quốc có tiền", Amanda Lin, 36 tuổi, nói khi ngồi trong một quán cà phê Mỹ ở Bắc Kinh. Cô cho biết doanh nghiệp sản xuất mà cô đang làm việc bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt thuế quan mới nhất. "Có lẽ chúng tôi phải chấp nhận hy sinh một chút trong thời gian ngắn. Nếu chúng tôi không chiến đấu thì về dài hạn, chúng tôi sẽ phải chịu đựng nhiều hơn", cô nói.
Sự hoài nghi của người Trung Quốc với Mỹ đã tồn tại từ lâu. Nhiều người vẫn nhớ đến sự phẫn nộ khi Mỹ ném bom nhầm vào sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư năm 1999 làm ba người thiệt mạng, khiến sinh viên tại Bắc Kinh biểu tình quyết liệt. Hai năm sau đó, căng thẳng lại bùng lên khi Trung Quốc bắt tổ bay của hải quân Mỹ sau khi một máy bay chiến đấu Trung Quốc và một máy bay do thám Mỹ va chạm trên không trung.
Mỹ vẫn là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách, người đi công tác và sinh viên Trung Quốc. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lượng khách Trung Quốc đến Mỹ đã giảm từ 16% năm 2016 xuống 4% năm 2017. Mức tăng lượng sinh viên Trung Quốc sang Mỹ giảm từ gần 30% năm 2010 xuống 3,6% vào năm ngoái.
Giới chuyên gia cho rằng xu hướng này phản ánh quan điểm rằng Mỹ đang mất dần ánh sáng hấp dẫn với người Trung Quốc. "30 năm trước, nhiều người nghĩ rằng đến Mỹ giống như đến thiên đường", Liu Peng, nhà tư vấn giáo dục ở thành phố Thanh Đảo nói. "Giờ mọi người nghĩ rằng Mỹ đang tụt lại phía sau trong khi Trung Quốc đang phát triển".
Quan điểm phức tạp của người Trung Quốc với Mỹ đặt ra thách thức với giới lãnh đạo Trung Quốc vào thời điểm cuộc chiến thương mại đang diễn ra. Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể miễn cưỡng nhấn mạnh sự đối đầu giữa hai nước vì cho rằng người dân Trung Quốc vẫn dành nhiều tình cảm cho nước này.
Sau khi Mỹ áp thuế mới, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tăng cường tuyên truyền chống Mỹ. Tuy nhiên, giới chức vẫn thận trọng với cách tiếp cận này vì lo ngại rằng nếu họ đẩy thông điệp chống Mỹ đi quá xa, họ có nguy cơ khiến chủ nghĩa dân tộc vượt khỏi tầm kiểm soát. Điều đó sẽ hạn chế lựa chọn của họ trong các cuộc đàm phán với Washington vì họ sẽ luôn phải tỏ ra cứng rắn, không thể linh hoạt.
Mặt khác, nếu các lãnh đạo Trung Quốc hành động quá mềm mỏng, họ có thể bị dư luận trong nước chỉ trích là quá nhún nhường trước Mỹ.
Chen Chun, chuyên gia chính trị tự do ở Quảng Châu, cho biết gần đây ông được mời họp với các quan chức an ninh địa phương. Họ kêu gọi ông có giọng điệu ôn hòa hơn trong các bài viết của mình.
"Họ nói rằng người Trung Quốc dễ bị kích động và cảm xúc có thể trở nên rất phức tạp", Chen nói. "Một mặt, chính quyền muốn sử dụng chủ nghĩa dân tộc để thúc đẩy sự ủng hộ trong nước. Tuy nhiên, nếu những người theo chủ nghĩa dân tộc vượt khỏi tầm kiểm soát, việc này cũng có thể ảnh hưởng đến uy quyền của giới lãnh đạo và sự ổn định của hệ thống".
Ngay cả khi hai nước có thể sớm đạt được thỏa thuận thương mại, giới chuyên gia cho rằng các lãnh đạo Trung Quốc vẫn sẽ chuẩn bị cho một giai đoạn cạnh tranh kéo dài với Mỹ. Họ có thể sẽ điều chỉnh chính sách dựa theo quan điểm của thế hệ trẻ.
"Thế hệ cũ của Trung Quốc vừa tôn trọng vừa sợ Mỹ. Từ khi lớn lên, chúng tôi đã coi người Mỹ là vượt trội còn chúng tôi là kẻ yếu. Tuy nhiên, quan điểm của giới trẻ Trung Quốc giờ đã khác. Họ không kính trọng, cũng không sợ Mỹ", nhà văn theo chủ nghĩa dân tộc Wang Xiaodong cho biết.
Nguồn: Vnexpress.net
Cuộc sống người Việt ở Mỹ: Có thật sự là “thiên đường”?
Được mệnh danh là xứ “thiên đường” và thu hút hàng chục triệu người nhập cư, nhưng cuộc sống ở Mỹ của người Việt thực tế ra sao?