Mỹ không để Trung Quốc viết lại luật quốc tế trên Biển Đông

Đó là khẳng định của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall G.Schriver đặc trách các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương trong cuộc phỏng vấn với Thanh Niên về chính sách của nước này tại khu vực.

03:30 09/10/2018

Ông nhận định như thế nào về tiềm năng quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới?

Mỹ muốn nâng cấp quan hệ toàn diện với Việt Nam cũng như duy trì xung lượng cho quan hệ an ninh quốc phòng và quốc hội đang ủng hộ điều này. Hợp tác an ninh quốc phòng song phương đang lớn mạnh và điều này sẽ mở rộng sang lĩnh vực hỗ trợ an ninh và khí tài. Tôi cho rằng đây là khía cạnh khá mới trong quan hệ của chúng ta. Theo từng trường hợp cụ thể, tôi cho rằng quốc hội sẽ ưu tiên các thỏa thuận trang bị năng lực liên quan đến an ninh biển và nhận thức về khu vực trên biển cho đối tác Việt Nam. Tôi biết được đang có nhiều thảo luận về vấn đề này, và chúng tôi muốn trở thành đối tác trong việc hỗ trợ an ninh.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis chủ trương tăng cường quan hệ với Việt Nam và ông sẽ đến Việt Nam trong 2 tuần nữa. Chúng tôi đã chuẩn bị lịch trình đầy ắp, không chỉ dừng lại ở hoạt động giải quyết hậu quả chiến tranh mà còn thảo luận những vấn đề thiết thực, bao gồm vấn đề hàng hải.

Quân y Mỹ khám mắt cho người dân Quảng Nam trong khuôn khổ chương trình PACANGEL hồi tháng 9

Ông có thể cho biết về chiến lược của Mỹ tại liên khu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Donald Trump?

Nói một cách ngắn gọn, chúng tôi tìm cách thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong bối cảnh đa số các vùng biển châu Á đang đối mặt với thách thức từ thái độ ngày càng cứng rắn của Trung Quốc trong việc áp đặt chủ quyền bất hợp pháp tại khu vực. Thông qua việc hợp tác với đồng minh và đối tác của Mỹ, cũng như các bên chia sẻ lợi ích tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chúng tôi muốn góp phần duy trì tự do hàng hải, thúc đẩy tuân thủ luật và quy tắc quốc tế.

Tổng thống Trump đã ký Đạo luật ủy quyền quốc phòng 2019 với ngân sách lên đến 716 tỉ USD. Vậy có bao nhiêu phần trăm trong số này rót vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?

Tôi không thể nói chính xác là bao nhiêu phần trăm, nhưng tôi có thể nói rằng chiều hướng đang tiếp tục nghiêng về mục tiêu tái cân bằng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đó là cam kết đã được Bộ trưởng Mattis thể hiện qua Chiến lược An ninh quốc gia (NSS) và nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên quốc hội.

Chúng tôi làm việc với các ủy ban quân vụ, ủy ban phân bổ ngân sách, và ai nấy đều hiểu rằng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là mặt trận ưu tiên. Theo thời gian, mọi người có thể thấy được sự dịch chuyển tài nguyên và nguồn lực. Điều này không có gì phải bàn cãi.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Randall G.Schriver phát biểu tại một buổi nói chuyện về chiến lược của Mỹ tại Đông Nam Á

Đến nay, có vẻ như các biện pháp mà Mỹ cùng đồng minh đang áp dụng vẫn chưa cho thấy hiệu quả đáng kể trong việc ngăn chặn những hành động gây quan ngại của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong tương lai gần và dài hạn, Mỹ sẽ điều chỉnh như thế nào về khía cạnh chiến lược và cách tiếp cận?

Tôi đồng ý rằng chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi về hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, theo thời gian, điều mà chúng tôi muốn hướng đến chính là thể hiện một sự phản đối đồng loạt và mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế vì ngày càng có thêm nhiều quốc gia tỏ ý quan ngại về hành vi của Trung Quốc. Thông qua nỗ lực gia tăng áp lực từ cộng đồng thế giới, chúng tôi hy vọng chính quyền Bắc Kinh cuối cùng sẽ thay đổi hành vi của mình. Tất nhiên, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm bao gồm tất cả các bên tại khu vực, và chúng tôi luôn hy vọng trở thành đối tác với Trung Quốc. Thế nhưng trong tương lai gần, Mỹ sẽ tập trung vào nỗ lực thu thập sự ủng hộ của quốc tế để bảo đảm tính tự do và rộng mở cho khu vực.

Duy trì lợi ích tại Biển Đông là quan điểm nhất quán của nhiều chính quyền Mỹ từ trước đến nay. Dù một số cách tiếp cận của Tổng thống Trump trực tiếp hơn những người tiền nhiệm, nhưng các chính quyền Mỹ trước đó vẫn nhận ra tầm quan trọng của Biển Đông. Tổng thống Trump không phải là một nhà lãnh đạo theo kiểu truyền thống và ông sẵn sàng thử nhiều cách khác nhau.

Vừa qua, tàu chiến Trung Quốc đã “áp sát nguy hiểm” tàu khu trục Mỹ tại khu vực quần đảo Trường Sa. Mỹ có biện pháp gì để ngăn chặn nguy cơ tại vùng biển này?

Chúng tôi hoàn toàn có cách đối phó. Nếu Trung Quốc cho rằng có thể thay đổi ý định của Mỹ bằng cách ngày càng khiêu khích hơn, thực hiện các hành động nguy hiểm tại Biển Đông, tôi khẳng định họ đã nhận định sai. Chúng tôi vẫn tiếp tục đi đến những nơi mà luật quốc tế cho phép, chúng tôi sẽ không thay đổi ý định chỉ vì những hành động trên. Chúng tôi sẽ không để họ viết lại luật quốc tế và Mỹ vẫn đang theo đuổi điều đó thông qua các hoạt động di chuyển tự do và hợp pháp của các lực lượng tại khu vực.

Mỹ vẫn tiếp tục đối thoại trực tiếp với Trung Quốc về những hành vi nguy hiểm có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với họ thông qua kênh liên lạc quân sự chính thức về cách thức hoạt động một cách an toàn, để tránh sự cố có thể biến thành khủng hoảng chính trị song phương.

Theo ông, tình hình leo thang căng thẳng về nhiều mặt giữa Mỹ và Trung Quốc hiện tại sẽ tác động như thế nào đến khu vực?

Hiện chúng tôi đang trong giai đoạn xuất hiện một số căng thẳng trong quan hệ. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence vừa có bài phát biểu hết sức thẳng thắn và trực tiếp về hành vi của Trung Quốc và những khía cạnh của hành vi đó đang ảnh hưởng như thế nào đến môi trường nội địa của Mỹ. Chúng tôi không muốn quan hệ với Trung Quốc xấu đi. Bên cạnh đó, chúng tôi có quan điểm khác nhau về Biển Đông và đang tìm cách xử lý trên mọi kênh hiện có, từ ngoại giao đến quân sự. Điều này có nghĩa là chúng tôi rất cẩn thận khi hành động và đảm bảo không dẫn đến xung đột. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lo ngại hành vi của Trung Quốc có thể dẫn đến ngưỡng ngày càng có nhiều hành động cố tình hơn. Chúng tôi muốn Trung Quốc trở thành một phần của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Thế nhưng, trong tương lai gần, nếu cần thiết, chúng tôi sẽ phải giải quyết một cách trực tiếp.

Nguồn: Thanhnien.vn

Tags:
Trung Quốc bơm thêm 110 tỷ USD vào nền kinh tế đối phó chiến tranh thương mại

Trung Quốc bơm thêm 110 tỷ USD vào nền kinh tế đối phó chiến tranh thương mại

Trong bối cảnh nền kinh tế thứ 2 thế giới có dấu hiệu giảm tốc và căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã quyết định bơm thêm 110 tỷ USD tiền mặt vào hệ thống tài chính của quốc gia này.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất