Mỹ lần đầu phóng thử tên lửa hành trình siêu vượt âm

Mỹ thông báo phóng thử thành công mô hình tên lửa hành trình siêu vượt âm HAWC đầu tiên, nhưng không cho biết chi tiết.

00:00 29/09/2021

Cơ quan Nghiên cứu Các dự án Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc và tập đoàn Raytheon tuần trước thử nghiệm Vũ khí siêu vượt âm sử dụng động cơ hút khí tự nhiên (HAWC), nhưng thông tin chỉ được công bố hôm qua. Đây là lần đầu tiên DARPA phóng thử tên lửa siêu vượt âm, hơn một năm sau khi nhà sản xuất thông báo hoàn thành đợt bay thử với mô hình gắn dưới máy bay phóng.

"Chuyến bay thử với HAWC đã thành công, cho thấy những năng lực có thể giúp tên lửa hành trình siêu vượt âm trở thành công cụ cực kỳ hiệu quả của lực lượng chiến đấu. Điều này giúp chúng tôi tiến thêm một bước tới triển khai HAWC thành vũ khí thế hệ tiếp theo cho quân đội Mỹ", Andrew Knoedler, giám đốc chương trình HAWC, cho hay.

Đồ họa mô phỏng tên lửa HAWC của Raytheon. Ảnh: Raytheon.
Đồ họa mô phỏng tên lửa HAWC của Raytheon. Ảnh: Raytheon.

Đợt phóng thử gồm các nội dung lắp đặt và thả quả đạn từ máy bay, kiểm tra khả năng tách rời an toàn khỏi giá phóng, kích hoạt và tách rời tẩng đẩy sơ tốc, kích hoạt động cơ chính và bay hành trình. "Toàn bộ mục tiêu chủ yếu trong đợt thử nghiệm đã được hoàn thành", thông cáo của DARPA có đoạn.

Không có nhiều chi tiết về thiết kế quả đạn do Raytheon và Northrop Grumman thiết kế, ngoài việc nó sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng (scramjet) để duy trì tốc độ siêu vượt âm sau khi tách tầng đẩy sơ tốc và có khả năng đạt tốc độ gấp 5 lần âm thanh.

HAWC là chương trình phối hợp giữa DARPA và không quân Mỹ nhằm phát triển những công nghệ then chốt cho tên lửa hành trình siêu vượt âm phóng từ máy bay. Dự án này chú trọng vào các chuyến bay thử nghiệm chớp nhoáng, hiệu quả cao với mức giá phải chăng nhằm đánh giá công nghệ.

Các tập đoàn quốc phòng lớn của Mỹ như Raytheon và Lockheed Martin đang cạnh tranh để giành được hợp đồng phát triển, cung cấp tên lửa HAWC cho quân đội Mỹ.

HAWC ban đầu được thiết kế để diệt mục tiêu mặt đất, sau đó được bổ sung khả năng tấn công tàu chiến để tăng lựa chọn cho các chỉ huy hải quân Mỹ. Nó có thể lắp trên nhiều máy bay của hải quân Mỹ như chiến đấu cơ tàng hình F-35C, tiêm kích đa năng F/A-18E/F Super Hornet và máy bay tuần thám biển P-8A Poseidon, cùng oanh tạc cơ B-1 và B-52 của không quân Mỹ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất và chưa được quân đội Mỹ xem xét.

Mỹ đang phát triển hàng loạt chương trình tên lửa siêu vượt âm nhằm thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực này với các đối thủ như Nga và Trung Quốc.

Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ John Hyten từng thừa nhận Washington tụt hậu so với Moskva và Bắc Kinh về vũ khí siêu vượt âm, cho rằng Mỹ sẽ mất nhiều năm và phải bỏ nguồn lực rất lớn để giành lại vị trí hàng đầu trong lĩnh vực này.

Tags:
Tàᴜ sâп ɓɑy Mỹ ᵭi qᴜɑ Biểп Đôпɢ

Tàᴜ sâп ɓɑy Mỹ ᵭi qᴜɑ Biểп Đôпɢ

Nɦóɱ łác cɦiếп łàᴜ sâп ɓɑy USS Roпɑℓɗ Reɑɢɑп ɗi cɦᴜyểп qᴜɑ Biểп Đôпɢ sɑᴜ ƙɦi ɦoàп łɦàпɦ пɦiệɱ ʋụ ở Tɾᴜпɢ Đôпɢ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất