Mỹ nhất quyết chặt đứt "cầu nối lịch sử" 63 năm với Iran: Có tật mới hay giật mình!
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, hiệp ước lịch sử này đáng lẽ ra phải được chấm dứt từ 39 năm trước.
13:30 06/10/2018
Mỹ-Iran và ICJ
Ngay sau khi bị Toà án công lý quốc tế của LHQ (ICJ) phán xử phải dỡ bỏ một phần những biện pháp trừng phạt Iran, Mỹ đã chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước hữu nghị ký kết giữa Mỹ và Iran năm 1955 và trên danh nghĩa vẫn còn có hiệu lực cho đến nay.
"Thật lòng mà nói thì lẽ ra phải có quyết định này từ cách đây 39 năm rồi", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phát biểu như thế. Cách đây 39 năm có nghĩa là từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979.
Phát biểu của ông Pompeo không có gì là khó hiểu bởi Hiệp ước hữu nghị nói trên được Mỹ ký kết với Shah Palevi của Iran, người bị lật đổ bởi cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 và từ năm 1979 đến nay giữa Mỹ và Iran không có quan hệ ngoại giao chính thức và bình thường.
Iran kiện Mỹ ở ICJ với lập luận rằng hiệp ước kia vẫn có hiệu lực mà Mỹ áp dụng những biện pháp trừng phạt Iran là vi phạm hiệp ước và vi phạm luật pháp quốc tế.
ICJ là thể chế tài phán cao cấp nhất của LHQ và phán quyết của toà này có giá trị pháp lý quốc tế ràng buộc đối với tất cả các thành viên. Cả Mỹ lẫn Iran đều không thuộc diện 73 nước thành viên tham gia cái gọi là "Tuyên bố cam kết công nhận và tuân thủ phán quyết" của toà này.
Mỹ tuyên bố chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị và Kinh tế năm 1955 với Iran. Ảnh: Reuters
Xưa nay, Mỹ luôn không công nhận, không tuân thủ và bất chấp những phán quyết của ICJ bất lợi cho Mỹ. Điều 94 trong Hiến chương của LHQ quy định trách nhiệm của các nước thành viên LHQ phải công nhận và tuân thủ phán quyết của ICJ cũng như quyền của các nước thành viên yêu cầu HĐBA LHQ họp bàn và ra nghị quyết trong trường hợp phán quyết của ICJ bị bất chấp.
Trong HĐBA LHQ, Mỹ có quyền phủ quyết nên trên thực tế cả ICJ lẫn các nước thành viên khác đều không thể dùng pháp lý quốc tế buộc Mỹ phải công nhận và tuân thủ phán quyết của ICJ. Dù vậy, phán quyết nói trên của ICJ vẫn là một thắng lợi chính trị và pháp lý quốc tế rất quan trọng đối với Iran.
Nó quan trọng như thế nào được phản ánh trong mức độ hậm hực của Mỹ. Mỹ đã không chỉ ngừng hiệu lực của hiệp ước hữu nghị với Iran mà còn tuyên bố sẽ xem xét lại tất cả những thoả thuận quốc tế có điều khoản liên quan đến giải quyết bất hoà và bất đồng tại ICJ.
Mỹ doạ sẽ rút khỏi cả Công ước Viên của LHQ năm 1961 về quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia để răn đe ICJ xét xử việc Palestin kiện Mỹ chuyển đại sứ quán ở Israel từ Tel Aviv về Jerusalem.
Mỹ cáo buộc ICJ bị công cụ hoá phục vụ cho mục đích chính trị của những bên mà Mỹ không có mối quan hệ thân thiện. Mỹ hành xử như thế khiến thiên hạ không thể không xoá nhoà đi được cảm nhận là vì có tật nên Mỹ mới hay giật mình đến thế.
Có tật giật mình
Từ những diễn biến nói trên có thể rút ra được ba nhận thức tác động trực tiếp đến diễn biến tình hình trên thế giới trong thời gian tới.
Thứ nhất, cả mối quan hệ của Mỹ với Iran lẫn với ICJ hiện đều rất tồi tệ và tới đây còn sẽ tồi tệ hơn. Mỹ sẽ tập trung vào đối địch quyết liệt hơn với Iran và bất hợp tác sâu rộng hơn, thậm chí bất chấp kiên quyết hơn, với ICJ.
Mỹ còn sẽ gây khó với những bên có mối quan hệ hợp tác tốt với Iran và ICJ theo kiểu "giận cá chém thớt".
Điều này báo hiệu là cuộc chiến trên phương diện pháp lý quốc tế giữa các bên với Mỹ trong các chuyện bất đồng và bất hoà sẽ trở nên khó khăn và phức tạp hơn trước rất nhiều. Cả LHQ rồi cũng gặp thêm nhiều khó khăn mới với Mỹ.
Thứ hai, Mỹ tiếp tục tiến bước trên con đường dẫn đến tình trạng càng ngày tách biệt rõ hơn và nhiều hơn với thế giới. Mỹ biệt lập nhiều hơn với thế giới không chỉ vì coi trọng hướng nội thuần tuý mà còn bởi cho rằng và tin rằng thế giới bên ngoài nước Mỹ gây bất lợi nhiều hơn là có lợi cho nước Mỹ.
Mỹ sẽ chỉ hợp tác với bên ngoài ở mức độ cần thiết và bắt buộc chứ không phải như có thể hợp tác được. Cả ở đây cũng phảng phất sự cương toả nhận thức và chi phối hành động của Mỹ bởi khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết".
Thứ ba, việc Mỹ bất chấp ICJ và bất hợp tác với ICJ chỉ là biểu hiện nhỏ của chủ ý lớn của Mỹ là thay đổi hệ thống luật pháp quốc tế hiện tại nói riêng và trật tự thế giới trên các lĩnh vực khác nói chung.
Mỹ đang tìm cách làm thay đổi để rồi xác định lại luật chơi của cuộc chơi chung và nếu không thành công thì Mỹ sẽ tách ra chơi cuộc chơi riêng.
Xem ra, Mỹ hiện quá tự tin hoặc quá ảo tưởng. Thế giới hiện tại không còn như ở thời sau chiến tranh thế giới thứ 2 và như ở trong thời chiến tranh lạnh.
Thế giới vẫn cần đến Mỹ nhưng Mỹ không chỉ cũng vẫn cần đến thế giới mà còn cần đến thế giới ở mức độ lớn hơn thời xưa rất nhiều. Đắm chìm trong ảo tưởng càng lâu thì cái giá phải trả cho việc trờ lại thực tại càng thêm đắt.
Ông Mike Pence tung bằng chứng TQ can thiệp bầu cử: Bắc Kinh muốn thay thế Tổng thống Mỹ
Bài phát biểu mới đây của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thể hiện một trong những quan điểm chỉ trích Trung Quốc gay gắt nhất.