Mỹ phát triển chủng virus Corona mới nhằm đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vaccine
Các nhà khoa học Mỹ đang phát triển một chủng mới của virus Corona, có thể được dùng để tạo lây nhiễm chủ động ở các tình nguyện viên trong cái gọi là “human challenge” (HCT).
02:30 16/08/2020
Ngày 14-8, Viện các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ (NIAID) cho biết công trình nghiên cứu trên đang ở giai đoạn đầu và chính phủ đang ưu tiên việc chọn ngẫu nhiên các xét nghiệm lâm sàng của các “ứng cử viên” vaccine ngừa SARS-CoV-2. Một số vaccine đã bước vào giai đoạn cuối của giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó có vaccine của các công ty dược phẩm Moderna, Pfizer và AstraZeneca.
Trong các thử nghiệm lâm sàng bình thường, cơ thể tình nguyện viên được tiếp nhận một loại thuốc hoặc một giả dược và được theo dõi sức khỏe trong nhiều tháng sau đó. Giai đoạn đầu thử nghiệm trên một nhóm nhỏ (khoảng 50 người) để đánh giá mức độ an toàn thực tế. Sau đó là giai đoạn hai thử nghiệm với hàng trăm người và cuối cùng là giai đoạn ba thử nghiệm ở quy mô hàng chục ngàn người. Giai đoạn cuối này rất tốn kém tiền bạc và thời gian và cần một mẫu đủ lớn và đa dạng về các yếu tố nhân khẩu học. Các nhà khoa học nghiên cứu cơ chế hoạt động của vaccine hoặc thuốc điều trị khi một người phơi nhiễm tự nhiên với virus.
Tuy nhiên, có một cách nhanh hơn để kiểm tra liệu một loại thuốc hay vaccine có hoạt động hiệu quả hay không là HCT - tức là chủ động đưa virus vào cơ thể tình nguyện viên, như đã thực hiện với các bệnh cúm, sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết và tả. Phương pháp này thường được tiến hành với một virus đang không lan truyền mạnh trong cộng đồng, hoặc trước đó đã có các phương pháp điều trị được kiểm chứng.
BÍCH LIÊN (TTXVN)
Chìa khóa giúp Nga cán đích trong cuộc đua vaccine
Kế thừa thành tựu nghiên cứu y học 20 năm qua và quan điểm thử nghiệm cấp tiến được cho là nguyên nhân giúp Nga "về nhất" cuộc đua vaccine Covid-19.