Mỹ siết ‘vòng kim cô’ Huawei – kẻ lo sợ, người bình chân

Đòn đánh của chính phủ Mỹ nhắm vào Huawei khiến nhiều nhà bán lẻ châu Á lo lắng, trong khi người dùng cũng quan ngại không kém. Một số khác lại tỏ ra “bình chân” chờ thời cuộc.

11:30 26/05/2019

Tổng thống Mỹ đang siết chặt vòng kim cô vây tỏa gã khổng lồ công nghệ . Hệ quả hiển nhiên là tâm lý hoảng hốt bao trùm các nhà bán lẻ và người dùng châu Á.

Theo South China Morning Post, Shibin Jawahar Sait, 34 tuổi, chủ một cửa hàng di động tại Singapore, không khỏi bất ngờ trước hung tin Google “nghỉ chơi” với nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc.

Bằng kinh nghiệm, Shibin đoán chắc doanh số kỳ tới sẽ giảm mạnh nên ngay lập tức gọi điện tới nhà phân phối để ngưng nhập các đơn hàng của Huawei.

“Hiện tại, tôi đang có lượng lớn điện thoại Huawei trị giá 18.000 SGD nên không muốn ôm thêm hàng cho tới khi cuộc xung đột giữa Google và Huawei ngã ngũ”, anh Shibin cho biết.

Nhu cầu sụt giảm mạnh

Tâm lý thận trọng của chủ cửa hàng này cũng dễ lý giải, bởi Android và các dị.ch vụ của Google đã trở thành một phần quan trọng đối với người dùng smartphone trên toàn thế giới.

Điện thoại thông minh Huawei sẽ không thể nhận bản cập nhật Android trong tương lai. Các thiết bị mới cũng vắng bóng các ứng dụng như Gmail, , Google Maps.

Trước đó, chính phủ Mỹ liệt Huawei vào “danh sách đen” thương mại. Điều đó đồng nghĩa với việc tập đoàn công nghệ Trung Quốc bị cấm mua thiết bị, linh kiện từ các công ty Mỹ, trừ khi có sự chấp thuận của chính phủ.

Ông Donald Trump còn ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông do các đơn vị nằm trong danh sách rủi ro về an ninh sản xuất. Đó được xem như động thái nhằm kìm chế sức mạnh công nghệ của Trung Quốc.

Linh cảm của Shibin đã đúng khi doanh số điện thoại Huawei giảm đáng kể từ thông báo của Google hôm 20/5. “Sau khi tin tức được phát đi, điện thoại Huawei gần như không bán được”, Shibin tiết lộ.

Huawei hiện là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới. Ảnh: Reuters.

Đây không phải là trường hợp duy nhất. Mister Mobile, một đại lý bán lẻ điện thoại tại khu phố Geylang và Hougang (Singapore), cho biết đã ngừng nhập điện thoại Huawei.

“Chúng tôi đoán trước nhu cầu sẽ giảm mạnh, trong khi nhiều người bán tháo. Cửa hàng quyết định dừng mua khi thị trường bất ổn”, Alan Tan, chủ Mister Mobile, thẳng thắn nói. Người đàn ông 30 tuổi này đang nghe ngóng tình hình và dự kiến điều chỉnh giá điện thoại Huawei vào tuần tới.

Simon Lee – chủ cửa hàng điện thoại Red White Mobile – đã hủy đơn đặt hàng sản phẩm mới của Honor, công ty con của Huawei. Lý do bởi nhà phân phối chưa thể chắc chắn liệu Google Play Store có được hỗ trợ trên thiết bị hay không.

“Huawei cần đảm bảo với nhà phân phối và khách hàng rằng sản phẩm mới hoạt động tốt, hoặc nếu có thể cần thỏa hiệp với Google”, Simon lý giải.

Người tiêu dùng lo lắng

Không chỉ giới kinh doanh, người tiêu dùng cũng tỏ ra lo lắng. Gladys Tang, 25 tuổi, vừa mua chiếc Huawei P30 tuần trước tỏ ra kém vui khi biết Google sắp “cấm cửa” điện thoại của mình tiếp cận các bản cập nhật Android.

“Mối bận tâm lớn nhất của tôi là điện thoại có được nhận bản cập nhật của Google trong tương lai hay không. Nếu biết trước điều này, tôi đã mua một chiếc iPhone rồi”, Tang thổ lộ cậu là fan của Apple trong 7 năm qua.

Hồi tháng 3/2019, Huawei vẫn hồ hởi thông báo dự kiến xuất xưởng 250-260 triệu smartphone trên toàn cầu trong năm nay. Nếu suôn sẻ, gã khổng lồ Trung Quốc hoàn toàn có thể trở thành nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới.

Theo số liệu của IDC, Huawei đã vươn lên vị trí thứ 2 chỉ sau Samsung, vượt cả Apple, với thị phần khoảng 19%. Nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, cùng hàng loạt lệnh cấm như trường hợp Android, ARM chắc chắn ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng trưởng của công ty.

Tại Hong Kong hôm 23/5, Simon Lam Chun-wai, chủ sở hữu cửa hàng bán lẻ Trinity Electronics Compa ở Mong Kok, đã quyết định giảm giá mua điện thoại Huawei cũ khoảng 10%.

Ông hiếm khi thu mua các thiết bị Trung Quốc cũ vì người dùng không muốn bán. Nhưng từ hôm 20/5, cửa hàng đã thấy vài chục trường hợp đến bán máy với giá rẻ. “Đây là vấn đề cung, cầu. Có nhiều người bán và tình hình không mấy khả quan”, Simon Lam giải thích.

Khách hàng không khỏi lo lắng về quyền truy cập các dị.ch vụ Android trong tương lai. Zhang Ding 30 tuổi, nhân viên một công ty thương mại, cho biết anh mua máy giúp bạn và người này đã đổi ý từ Huawei sang Samsung.

Tuy nhiên, một số nhà bán lẻ tại Hong Kong vẫn duy trì doanh số ổn định và gần như không chịu tác động từ lệnh cấm của Mỹ.

Wan Chai, nhân viên bán hàng 65 tuổi tại cửa hàng bán lẻ Di Gi Fi, cho biết việc kinh doanh vẫn duy trì tốt và dường như không có phản hồi tiêu cực nào từ khách hàng. “Những chiếc điện thoại có giá chỉ khoảng 1.000 HKD (khoảng 3 triệu đồng) thì tại sao họ phải lo lắng?”, ông Wan Chai lý giải.

Google đã “cấm cửa” Huawei sử dụng một số dị.ch trên Android. Ảnh: EPA.

Joe Wong 40 tuổi, quản lý chi nhánh Cyber Telecom tại Mong Kok, khẳng định giá thu mua điện thoại Huawei cũ không thay đổi. “Nó không ảnh hưởng gì tới các phiên bản cũ, chẳng thấy có mối liên hệ nào cả”, Joe nhận định.

Những vùng nông thôn Philippines cũng chịu tác động

Thông tin Mỹ “tung đòn” trừng phạt Huawei đã lan về tới các vùng nông thôn khu vực Đông Nam Á. Tại một ngôi làng hẻo lánh ở Datu Odin Sinsuat, thuộc tỉnh Maguindanao, miền nam Philippines, cô Juliet Bansigan cho biết ban đầu định nâng cấp lên điện thoại Huawei vào tuần tới, nhưng đã thay đổi ý định.

Người mẹ ba con đang làm việc cho một công ty du lịch chia sẻ cô thích sản phẩm Huawei vì chất lượng camera tốt, giá cả phải chăng. “Tôi đã định sắm cho mình chiếc điện thoại đầu bảng của Huawei, nhưng giờ tôi sẽ phải chờ”, cô nói.

Yzel Duque, chuyên gia về công nghệ y tế hiện sử dụng Huawei Nova 3i, thổ lộ ông rất thất vọng trước quyết định của ông Trump. “Khi nói về smartphone, mọi người đều sử dụng các ứng dụng của Google. Vì thế, tôi sẽ phải đổi điện thoại sớm. Huawei sẽ tạo ra hệ điều hành riêng, nhưng tôi nghĩ nó không thể so sánh với Android”, Yzel Duque nói.

Ở cấp độ Nhà nước, Philippines đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ của Huawei. Chính phủ đất nước vạn đảo mua hệ thống video giám sát trị giá 400 triệu USD, sử dụng ở Manila và thành phố Davao trong kế hoạch được gọi là “Safe Philippines”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ảnh: EPA.

Roselle Reig, chuyên gia an ninh mạng, CEO của Global Knowledge Management Centre, nói rằng chính phủ nước này cần hành động mạnh mẽ thêm nữa để bảo vệ người dùng.

“Họ cần thận trọng vì dường như có nhiều quốc gia đang chống lại Huawei. Các công ty viễn thông của chúng ta nên lắng nghe và nhận thức rõ chuyện gì đang xảy ra bên ngoài quốc gia để bảo vệ người dùng”, cô nói.

Người Thái tỏ ra lạc quan hơn

Tuy nhiên, các trung tâm mua sắm tại Thái Lan lại cho thấy ít bị ảnh hưởng trước lệnh cấm của Google đối với Huawei. Việc kinh doanh ở Fortune Town IT Mall, khu mua bán điện thoại di động và máy tính sầm uất ở Bangkok vẫn diễn ra bình thường.

“Tôi có thể cam kết với khách hàng rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra với các bản cập nhật Android trên thiết bị của họ, cũng như phiên bản hiện tại. Nhưng với những sản phẩm tương lai thì không có gì chắc chắn”, Aranya Niyomdecha, một nhân viên bán hàng, cho biết.

Google đã đình chỉ quyền truy cập một số dị.ch vụ đối với các thiết bị mới của Huawei, nhưng chính phủ Mỹ đã gia hạn lệnh cấm này trong vòng 90 ngày để cho phép công ty đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Tuy nhiên trong tuần này, đại diện Huawei tại Thái Lan khẳng định sản phẩm của họ có thể cập nhật phiên bản Android 9 Pie vào ngày 9/6.

Trong bối cảnh mọi thứ chưa có gì chắc chắn, Aranya Niyomdecha cho biết một số khách hàng chỉ đơn giản hỏi chuyện gì đang xảy ra. Cô thừa nhận sức mua có giảm đôi chút so với tuần trước.

Hầu hết nhà bán lẻ tại Bangkok cho biết họ đang chờ đợi động thái của các bên, đặc biệt là cách xử lý tình huống của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Từ cửa hàng trên phố cho tới các trang online, tất cả đều không báo cáo bất kỳ biến động đáng kể nào về cung, cầu hay giá cả.

Điện thoại thông minh Huawei P30 được trưng bày tại Tokyo. Ảnh: Kyodo.

Bang-orn Pubangkerdpon, chủ một cửa hàng tại trung tâm thương mại Bangkok, cho biết cô không mấy bận tâm. “Tôi nghĩ Huawei sẽ tung ra hệ điều hành riêng. Nhiều khách phương Tây đến mua smartphone Huawei hoặc các thương hiệu Trung Quốc khác tại cửa hàng của chúng tôi, chẳng có bất kỳ lo ngại gì về chất lượng”, cô nói.

Giới chuyên gia Thái Lan cho biết chẳng có lý do gì phải hoảng loạn. Oranuch Lerdsuwankij, sáng lập trang tin tức công nghệ Techsauce, nói người Thái cần xem xét tình hình trước khi hành động.

“Quá trình tái cấu trúc Huawei có thể mất nhiều thời gian, nhưng cho tới lúc đó, người Thái cần chờ thêm cho tới lúc cảm nhận rõ tác động rồi mới quyết định. Tại thời điểm này, mọi người không cần phải hoảng sợ”, cô trấn an dư luận.

Pantipa Kambutr, cây viết trên tờ Siamphone, cho biết thêm: “Tin tức có thể ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của những người chưa từng sở hữu điện thoại Huawei, nhưng với chủ sở hữu thì họ có thể chưa bán sản phẩm của mình ngay”.

Theo ZingVn

Tags:
Tổng thống Trump: “Tôi là một thiên tài cực kỳ ổn định”

Tổng thống Trump: “Tôi là một thiên tài cực kỳ ổn định”

Ông Donald Trump đã tự nhận mình là “một thiên tài cực kỳ ổn định”, bác bỏ nhận định của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi rằng ông là một tổng thống thiếu bình tĩnh.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất