Mỹ: Sống lại sau 42 phút tim ngừng đập!
Không chỉ vượt qua một cách kỳ diệu “lằn ranh sự sống” mà y văn ghi nhận, người đàn ông Mỹ hầu như không bị một di chứng nào sau 42 phút tim ngừng đập, ngoại trừ một chút cảm giác đau chưa hết hẳn ở ngực!
21:30 19/07/2017
Trong phác đồ cấp cứu dành cho người ngừng tim ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới, nhân viên cấp cứu có 20 phút để nỗ lực. Quá thời gian này mà những tín hiệu sống chưa trở lại, bệnh nhân được khẳng định là “hết hy vọng”, đã qua khỏi lằn ranh mà y khoa hiện đại có thể can thiệp để giúp trái tim đã chết đập trở lại. Thế nhưng, hai cảnh sát ở thành phố Charlotte, quận Mecklenburg, tiểu bang Bắc Carolina, Mỹ đã không nỡ ngừng tay sau 20 phút cấp cứu cho người đàn ông 36 tuổi tên John Ogburn, kết quả là đã giúp anh “hồi sinh” một cách kỳ lạ sau 42 phút tim ngừng đập.
Nạn nhân Ogburn (giữa) và hai cảnh sát viên đã cứu sống mình – ẢNH DO ANH OGBURN CUNG CẤP CHO BBC
Anh Ogburn bị ngừng tim hoàn toàn sau một cơn đau tim, khi đang làm việc trên máy tính xách tay. Một phút sau khi tổng đài 911 nhận được thông báo, hai cảnh sát ở gần đó đã bắt đầu ép tim, hô hấp nhân tạo cho người đàn ông. Cho dù được đào tạo cơ bản về cấp cứu hồi sinh tim phổi và biết rõ “mốc hy vọng” 20 phút, hai cảnh sát viên là anh Lawrence Guile và chị Nikolina Bajic đã tiếp tục khi đồng hồ vượt qua mốc mà người đàn ông kia vẫn chưa có tín hiệu sự sống.
Thật kinh ngạc, sau 42 phút, mạch của Ogburn đã trở lại. Anh được chuyển đến bệnh viện và được điều trị trong trạng thái hôn mê suốt một tuần. Tuy nhiên, sau đó anh đã tỉnh lại và hồi phục kỳ diệu, không hề bị một di chứng nào về não bộ. Dấu tích duy nhất còn lại của 42 phút chết lâm sàng chỉ là cảm giác đau chưa hết hẳn ở ngực. Anh được khuyên không nên lái xe trong 6 tháng và bắt đầu công việc lại một cách nhẹ nhàng hơn. Trao đổi với BBC, anh nói rằng mình cảm thấy mắc nợ những người cảnh sát đã vượt ra ngoài ranh giới của nhiệm vụ, bỏ qua khung thời gian nhất định đáng lẽ họ phải tuân thủ và tiếp tục cố gắng cứu anh. Anh rất biết ơn họ và đang tìm cách tận dụng tối đa “cơ hội thứ hai” mà họ đã cho mình.
Các nỗ lực của hai cảnh sát viên được đánh giá là rất phi thường. Thông thường, ít ai đủ hy vọng và sức lực để tiếp tục sau cột mốc mà y văn đã nêu ấy. Một người đàn ông khỏe mạnh có thể kiệt sức chỉ sau vài phút liên tục ấn tim, hô hấp nhân tạo cho người khác!
Tiến sĩ Michael Kurz, phó giáo sư tại Trường Đại học Y khoa Alabama cho biết: “Các bằng chứng khoa học cho thấy rằng trong mỗi phút tim ngừng đập mà việc hồi sức tim phổi đúng cách không được tiến hành, cơ may sống còn giảm 10%”. Theo ông, sự việc kỳ diệu ở Bắc Caroline làm nổi bật giá trị của hồi sinh tim phổi trong việc cứu sống những người bị ngừng tim do tai nạn hay bệnh lý. Nhiều người Mỹ vẫn không được trang bị kiến thức để ứng phó với các tình huống khẩn cấp về tim mạch, và điều đó cần được thay đổi.
Theo các thống kê tại mỹ, hơn 350.000 nạn nhân gặp phải tình huống tim ngừng đập ngoài bệnh viện và 90% số người đó đã chết vì lý do đó. Chỉ có 46% số người bị tim ngừng đập nhận được bất kỳ hình thức giúp đỡ nào trước khi nhân viên y tế chuyên nghiệp đến nơi.
Theo NLĐ
Mỹ cấp Visa H-2B cho hơn 15.000 lao động nước ngoài
Bộ An ninh Nội địa tuyên bố ngày hôm nay rằng họ sẽ cấp phép lên đến 15.000 visa cho lao động nước ngoài vào cuối năm nay.