Mỹ thắt chặt chính sách nhập cư, cơ hội nào cho du học sinh Việt Nam?

Ngày 14/6, tại Hà Nội, VietAbroader – tổ chức phi lợi nhuận thành lập năm 2004 tại New York (Hoa Kỳ) được điều hành bởi các học sinh, sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước – đã mời 3 du học sinh Việt Nam xuất sắc tọa đàm cùng các phụ huynh, học sinh, sinh viên… chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm cũng như cơ hội du học Mỹ trong giai đoạn hiện tại.

08:59 15/06/2017

Từ trái qua: Vũ Tuấn Minh, Nguyễn Phương Anh, Võ Tuấn Sơn tại buổi tọa đàm
Từ trái qua: Vũ Tuấn Minh, Nguyễn Phương Anh, Võ Tuấn Sơn tại buổi tọa đàm

Ba khách mời gồm Nguyễn Phương Anh – Tốt nghiệp Cử nhân ĐH Franklin & Marshall (Hoa Kỳ), giành học bổng toàn phần bậc Thạc sĩ tại ĐH Georgetown; Võ Tuấn Sơn – Cử nhân Học viện Ngoại giao, thực tập sinh tại Tổ chức UN Women Việt Nam; Vũ Tuấn Minh – Tân sinh viên giành học bổng toàn phần ĐH Rice (Hoa Kỳ).

Câu hỏi cần trả lời trước khi du học

Tại buổi tọa đàm, các khách mời đều cho rằng các chính sách mới thắt chặt về nhập cư không có tác động tiêu cực tức thời đến quyết định của các du học sinh đang học tập tại Mỹ, họ vẫn rất tự tin, yên tâm học tập. Bởi khi Tổng thống Mỹ đưa ra một quyết định, với chế độ tam quyền phân lập, các quyết định này cần thông qua lưỡng viện. Bên cạnh đó, quyền lực của các bang tại Mỹ rất lớn, đa số các trường đại học là trường tư, coi trọng vai trò và những đóng góp của du học sinh quốc tế, theo đó, chính sách liên quan đến giáo dục khó bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, các vị khách mời lưu ý: Những chính sách mới của chính phủ Mỹ có thể ảnh hưởng đến tương lai của các du học sinh sau khi học tập 4 năm. Bởi vậy, ngay từ khi có ý định du học, phụ huynh và học sinh nên trả lời rõ câu hỏi: Mỹ để làm gì? Sau khi du học ở lại Mỹ làm việc, học tiếp lên cao hay quay về Việt Nam làm việc? Nên nhớ rằng chỉ có rất ít du học sinh có khả năng vượt trội có thể ở lại để cạnh tranh trong môi trường làm việc khắt khe tại Mỹ.

Nguyễn Phương Anh chia sẻ: Tôi luôn tâm niệm du học để tăng cường kiến thức. Và trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, khi có kiến thức, kỹ năng và đam mê, bạn có rất nhiều cơ hội để cống hiến. Tôi có nhiều người bạn học rất giỏi ở Mỹ, sau khi học xong quay về nước làm việc cho các tổ chức quốc tế, các công ty và nhận mức lương rất cao. Và họ còn có cơ hội để thử sức ở các quốc gia khác. Để thấy rằng có rất nhiều lựa chọn cho du học sinh.

Còn Vũ Tuấn Minh, nam sinh sắp bước vào cuộc sống sinh viên tại Mỹ tâm sự: Cha mẹ kỳ vọng vào con khi du học là điều tất nhiên, mong rằng con học xong thì ở lại làm việc để kiếm tiền bù cho việc đầu tư du học tốn kém. Ngay bản thân tôi bố mẹ cũng mong rằng sau này tôi có thể lo cho em học tập. Điều này tác động tốt đến du học sinh để cố gắng học tập. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu gia đình gây áp lực quá mức sẽ khiến con cái căng thẳng. Cha mẹ cho con du học nên để con học theo cách con muốn, tự tin với sự lựa chọn của mình.

Bí quyết nộp hồ sơ, tìm học bổng du học Mỹ thành công

Trả lời câu hỏi về bí quyết nộp hồ sơ du học Mỹ thành công, Vũ Tuấn Minh – sinh viên giành học bổng toàn phần trường ĐH Rice – cho biết: “Hè năm học lớp 7, tôi có cơ hội tham gia trại hè 2 tháng tại Mỹ. Tại đây, tôi cảm thấy học được nhiều trong môi trường học tập tại Mỹ, từ việc tranh luận, suy nghĩ đến các sinh hoạt mô phỏng cuộc sống của một sinh viên. Tôi rất thích cách học tập và môi trường học đòi hỏi học sinh phải rất năng động. Về Việt Nam, tôi chuyên tâm học và quyết tâm thi chuyên Anh trường Hà Nội – Amsterdam, tạo đà cho việc du học sau này.

Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng khi apply vào trường ĐH tại Mỹ, cần xác định đây là một quá trình dài 3 – 4 năm hoặc kéo dài hơn. Trước khi quyết định du học, hãy thoải mái trải nghiệm xem bản thân muốn gì”.

Lấy ví dụ về việc “lắng nghe bản thân”, Minh kể hồi bé rất thích môn kỹ thuật, lắp ghép, nối dây điện… Tuy nhiên, Minh vẫn khám phá bản thân ở nhiều lĩnh vực. Trong thời gian học THPT, Minh “nổi danh” trong rất nhiều hoạt động: lãnh đạo trẻ, MC, ảo thuật, nghệ thuật… với hoạt động nào, cậu cũng nhiệt tình tham gia và cố gắng đạt kết quả cao nhất.

Trong gia đình, bố và cậu Minh làm việc trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, Minh học hỏi từ họ để mày mò những nghiên cứu ban đầu, thấy đam mê. Năm 2016, Minh cùng bạn tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học Đông Nam Á tại Thái Lan với đề tài lọc nước chữa bệnh cho cá trong nông nghiệp và đoạt giải 3. Và Minh quyết tâm du học Mỹ để theo đuổi lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Vũ Tuấn Minh đúc rút kinh nghiệm để thành công khi nộp hồ sơ du học Mỹ, đó là: Cần trải nghiệm nhưng phải có định hướng, tránh dàn trải để biết được mình thích gì, đi sâu vào lĩnh vực mình đam mê, từ đó sẽ có ý tưởng để viết bài luận và thể hiện tính cách của mình qua hồ sơ nộp cho trường. Hãy vượt qua chính mình, tự tin vào bản thân và mạnh dạn dự thi. Đừng vì suy nghĩ có nhiều người giỏi hơn mình, sẽ không trúng đâu trở thành rào cản bản thân!

Du học không phải con đường duy nhất

Có một vị khách mời rất đặc biệt trong buổi tọa đàm về du học là Võ Tuấn Sơn – chàng thanh niên thành công khi chưa từng du học một nước nào!

Được biết, ngay từ năm thứ nhất, Võ Tuấn Sơn đã tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện tại các tổ chức lớn như UNDP (Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc), SEAL.Net (Southeast Asian Service Leadership Network), iSEE (Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường). Đó chính là tiền đề để Sơn tích lũy kinh nghiệm trong các lĩnh vực bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ… Hiện tại Sơn đang công tác tại Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women).

Tại buổi tọa đàm, Võ Tuấn Sơn đã chia sẻ về kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức quốc tế và về định hướng nghề nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường: “Tôi tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ Anh tại Học viện Ngoại giao. 4 năm học ĐH với tôi có phần vất vả vì không đam mê ngành học của mình nhưng vẫn hoàn thành tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Tôi đã từng có ý định muốn chuyển trường để học ngành Maketting. Tuy nhiên, qua nhiều trải nghiệm từ các hoạt động, công việc, tôi đã biết được mình muốn gì, đó là muốn cống hiến thật nhiều cho các hoạt động xã hội.

Trong thời gian học, tôi luôn làm 3 – 4 nơi cùng thời điểm, như hiện tại tôi làm cho 3 dự án! Tôi cho rằng những nơi tôi làm việc đã cho tôi nhiều kiến thức nhất. Và vì làm ở những nơi khác nhau, có nhiều trải nghiệm khác nhau nên khi nhìn lại bảng công việc từng làm, bạn sẽ thấy có nhiều cơ hội hơn, khi gặp nhà tuyển dụng sẽ có nhiều điều để chia sẻ với họ.

Tôi muốn học thạc sĩ về xã hội học ở nước ngoài. Trước đây, tôi đặt mục tiêu là phải học ở trường thuộc tốp đầu ở Mỹ. Tuy nhiên, giờ tôi thấy không cần thiết phải như vậy, tôi có thể học ở các nước khác như Bắc Âu, Úc… nơi có nền giáo dục nổi tiếng không kém Mỹ. Việc mở rộng mối quan tâm trong việc học tập khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều”.

Chia sẻ với các bạn trẻ, Sơn nói rất đơn giản: Hãy tự tin học hỏi, trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Dấn thân bằng hành động, nhìn lại những gì đã học hỏi, luôn tìm cơ hội phát triển cá nhân, đọc nhiều sách để củng cố kiến thức. Đến bây giờ, mỗi ngày tôi vẫn luôn viết và thiền, viết ra để biết hôm nay mình đã học hỏi những gì!

giaoducthoidai.vn

Tags:
Hãy cứ theo đuổi đam mê đi và thất nghiệp sẽ theo đuổi bạn

Hãy cứ theo đuổi đam mê đi và thất nghiệp sẽ theo đuổi bạn

Ai cũng có những ước mơ, ai cũng có những đam mê thế nhưng không phải ai cũng biến những mong muốn của mình trở thành hiện thực.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất