Mỹ thấy 'ánh sáng cuối đường hầm' Covid-19

Mỹ đang đứng trước một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến với đại dịch khi số ca nhiễm và nhập viện giảm mạnh, được cho nhờ thành công tiêm chủng.

23:00 10/05/2021

"Chúng tôi đang xoay chuyển tình thế", Jeffrey Zients, điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, nói.

Với 58% người trưởng thành đã tiêm ít nhất một liều vaccine và khoảng 113 triệu (34%) tiêm chủng đầy đủ, Mỹ đang trên đường hoàn thành mục tiêu mà Tổng thống Joe Biden đặt ra, trong đó 70% dân số sẽ được tiêm ít nhất một liều vaccine trước ngày 4/7.

"Tôi nghĩ mọi người đều mệt mỏi và việc đeo khẩu trang có thể là một điều phiền phức. Nhưng chúng tôi đang dần tới đó và ánh sáng cuối đường hầm ngày càng rõ hơn", Zients nói.

Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Mỹ, cũng đưa ra một nhận định lạc quan tương tự, khi nói rằng đã đến lúc bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 và cho phép người Mỹ có thể tận hưởng những thành quả của chiến dịch tiêm chủng.

"Chúng tôi cần bắt đầu tự do hơn khi ngày càng nhiều người dân được tiêm chủng", ông Fauci nói. Tuy nhiên, ông cũng thêm rằng cuộc chiến này vẫn đang tiếp tục để đạt mục tiêu phần lớn dân số được tiêm chủng, bởi vì điều đó đồng nghĩa "virus không còn chỗ trú chân".

Người đàn ông được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại điểm tiêm chủng ở Miami hôm 8/5. Ảnh: WSJ.
Người đàn ông được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại điểm tiêm chủng ở Miami hôm 8/5. Ảnh: WSJ.

Các quan chức và nhà khoa học Mỹ có cơ sở để lạc quan về triển vọng thoát đại dịch nhờ tiêm chủng. Số ca nhiễm mới hàng ngày ở Mỹ trung bình 7 ngày tính tới 8/5 là hơn 42.000, giảm từ mức gần 260.000 hồi tháng 1. Tỷ lệ nhập viện trung bình 7 ngày tính tới 7/5 là hơn 39.300 người, giảm hơn 70% so mới mức 137.600 hồi đầu tháng 1. Tỷ lệ tử vong cũng chứng kiến xu hướng giảm tương tự, với trung bình 7 ngày tính đến 8/5 là 675 ca, giảm gần 80% so với mức trung bình 3.352 trường hợp hồi giữa tháng 1.

Các chuyên gia nhận định những kết quả này một phần nhờ chiến dịch tiêm chủng thành công của Mỹ. Mỹ đã tiêm chủng hơn 257 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, chỉ đứng sau Trung Quốc với gần 318 triệu liều, theo dữ liệu của Our World in Data. Mỹ nằm trong nhóm 5 nước có tỷ lệ dân số tiêm chủng ít nhất một liều lớn nhất, gồm cả đảo quốc Seychelles, Israel, Anh và Bahrain. Mỹ cũng là nước đứng thứ 4 về tỷ lệ dân số tiêm đủ hai mũi vaccine, chỉ sau Seychelles (60,7%), Israel (58,6%) và Chile (37%).

Một trong những bằng chứng cho thấy hiệu quả chiến dịch tiêm chủng ở Mỹ có thể thấy ở bang Connecticut. Hơn 1,4 triệu trong tổng hơn 3 triệu dân của bang này đã tiêm chủng đủ hai mũi vaccine. Cơ quan y tế công đồng bang (DPH) cho hay trong đó chỉ có 242 người tái nhiễm, trong đó 109 người không có triệu chứng bệnh. Cơ quan này cũng báo cáo 3 trường hợp tử vong trong số người đã tiêm chủng, nhưng tất cả đều có bệnh lý nền và có độ tuổi từ 55 trở lên. Trên cả nước, số ca tử vong thuộc nhóm đã tiêm vaccine được báo cáo là 132, theo DPH.

"Điều rút ra ở đây là các loại vaccine Covid-19 có hiệu quả cao và nguy cơ nhiễm ở người tiêm vaccine đầy đủ là rất thấp", Deidre Gifford, quyền ủy viên DPH, nói.

Dữ liệu của DPH cũng chỉ ra tỷ lệ nhiễm ở những người tiêm vaccine đầy đủ tại bang Connecticut chưa đến 0,1%.

Để thực hiện chiến dịch tiêm chủng nhanh và hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng hiệu quả của các loại vaccine cũng đóng vai trò quan trọng. Ba loại vaccine được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt, gồm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson được đánh giá có hiệu quả tương đối cao, theo tạp chí Yale Medicine.

Pfizer là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được FDA phê duyệt ngày 11/12/2020. Các nhà nghiên cứu cho biết loại vaccine này có hiệu quả tới 95% trong việc ngăn ngừa Covid-19 ở những người chưa từng nhiễm trước đó. Trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng, vaccine Pfizer có thể ngăn các triệu chứng nặng của Covid-19 tới 100%.

Một thử nghiệm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) hồi cuối tháng 3, với sự tham gia của 3.950 nhân viên y tế và các lao động tuyến đầu, cho thấy vaccine Pfizer hiệu quả tới 90% với những người tiêm chủng đầy đủ. Một nghiên cứu khác vào đầu tháng 5 cũng chỉ ra vaccine Pfizer có hiệu quả ngăn triệu chứng nặng tới hơn 95% với hai biến chủng B.1.1.7 phát hiện ở Anh và B.1.351 phát hiện ở Nam Phi.

Moderna là loại vaccine thứ hai được FDA phê duyệt ngày 18/12 năm ngoái. Giống như Pfizer, vaccine của Moderna cũng được sản xuất dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA), có thể biến các tế bào của cơ thể thành "nhà máy sản xuất vaccine" chống lại virus.

Vaccine Moderna được báo cáo có hiệu quả 94,1% để ngăn ngừa các triệu chứng nhiễm bệnh ở những người chưa từng nhiễm. Cuộc thử nghiệm nhỏ của CDC hồi cuối tháng 3 cũng cho thấy vaccine có hiệu quả tới 90% nếu tiêm chủng đủ hai mũi.

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra Moderna có thể chống lại biến chủng B.1.1.7 và B.1.351, nhưng các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này.

Ngày 27/2, FDA phê duyệt loại vaccine thứ ba tại Mỹ là Johnson & Johnson, vaccine một mũi tiêm được phát triển dựa trên công nghệ vector virus. Dù được dán nhãn có nguy cơ gây hiện tượng đông máu hiếm gặp, vaccine Johnson & Johnson vẫn được đánh giá có hiệu quả tổng thể tới 72% và khả năng ngăn ngừa triệu chứng nặng lên tới 86%.

Loại vaccine này cũng được chứng minh có hiệu quả với biến chủng B.1.1.7. Theo phân tích của FDA công bố cuối tháng 2, Moderna có hiệu quả tổng thể và hiệu quả ngăn triệu chứng bệnh nặng lần lượt là 64% và 82% với biến chủng phát hiện ở Nam Phi.

Điểm tiêm chủng trên xe ở Los Angeles hôm 4/5. Ảnh: NYTimes.
Điểm tiêm chủng trên xe ở Los Angeles hôm 4/5. Ảnh: NYTimes.

Dù thu được những kết quả khả quan từ chiến dịch tiêm chủng, Jeffrey Zients, điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, cho biết Mỹ đang chuẩn bị khả năng tiêm mũi nhắc lại cho những người đã hoàn thành tiêm chủng để đảm bảo khả năng miễn dịch trước virus.

"Nếu mũi nhắc lại là cần thiết, chúng tôi chắc chắn sẽ sẵn sàng vì đã dự phòng cho mọi trường hợp và có đủ nguồn cung", ông nói.

Tiến sĩ Fauci cũng cho biết khả năng quy định đeo khẩu trang theo mùa sẽ được áp dụng trong những năm tới để bảo vệ người dân Mỹ trước dịch bệnh vào mùa đông.

"Tôi nghĩ mọi người đã quen với thực tế rằng đeo khẩu trang rõ ràng làm giảm các bệnh về đường hô hấp", ông nói. "Có thể tưởng tượng ra trong một, hai hoặc nhiều năm tới, khi chúng ta sẽ phải sống với các loại virus xuất hiện theo mùa như cúm, mọi người có thể sẽ chọn đeo khẩu trang".

Ông nói thêm nhiều khả năng số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ có thể cao hơn báo cáo chính thức, hiện tại là gần 596.000 người, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins. Tuy nhiên, ông không cho rằng nó lên tới 900.000 như một nghiên cứu được công bố gần đây.

"Tôi nghĩ không còn nghi ngờ gì rằng chúng tôi đã và đang đếm thiếu. Nhưng con số này nhiều hơn một chút so với những gì tôi nghĩ", Fauci nói về con số 900.000 người chết.

Tags:
Nữ y tá 31 tuổi bị ung thư dạ dày vì một món ăn quen thuộc, với nghề y cô cho rằng đây là món ăn tốt cho sức khỏe

Nữ y tá 31 tuổi bị ung thư dạ dày vì một món ăn quen thuộc, với nghề y cô cho rằng đây là món ăn tốt cho sức khỏe

Vì làm nghề y nên cô gái này có lối sống khá lành mạnh, cô rất quan tâm đến sức khỏe của mình. Thậm chí, những món ăn mà cô dùng hàng ngày đều là thực phẩm lành tính, vậy mà cô không thể thoát được căn bệnh ung thư quái ác.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất