Mỹ theo đuổi vũ khí laser: Lỗ hổng chết người
''Hệ thống vũ khí laser của Lockheed Martin phát thành công chùm tia laser có công suất 58 kW, đạt mức kỷ lục thế giới".
09:10 22/03/2017
Tung hô trên mây
Theo NI, ngày 18/3, Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây coi việc phát triển vũ khí năng lượng cao là ưu tiên quan trọng bởi việc vận hành vũ khí này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí cho quân đội.
Với nguồn năng lượng thích hợp, vũ khí laser sẽ không bị rơi vào tình trạng hết đạn như các loại súng cối và pháo thông thường. Đầu năm 2016, quân đội Mỹ đã dùng súng laser công suất lớn bắn hạ thành công một máy bay không người lái tại bãi thử Fort Sill, Oklahoma.
Trong năm 2015, hệ thống laser công suất 30 kW của Loockheed Martin có tên ATHENA cũng vô hiệu hóa một xe tải từ khoảng cách gần 2km. Mới đây, hãng Lockheed Martin vừa bàn giao cho quân đội Mỹ hệ thống vũ khí laser có công suất kỷ lục lên đến 60 kW.
"Trong đợt thử nghiệm đầu tháng này, hệ thống vũ khí laser của Lockheed Martin phát thành công chùm tia laser có công suất 58 kW, đạt mức kỷ lục thế giới", hãng Lockheed Martin tuyên bố.
Sau khi được bàn giao, loại vũ khí này sẽ được công ty Radiance Technologies thuộc hãng Boeing nghiên cứu tích hợp lên các xe tải chiến thuật hạng nặng HEMTT lớn nhất của quân đội Mỹ, biến chúng trở thành xe thử nghiệm laser năng lượng cao (HELMTT) uy lực.
Hệ thống laser mới được phát triển theo chương trình Sáng kiến laser năng lượng cao Robust của Bộ Quốc phòng Mỹ, do quân đội và hãng Lockheed Martin đồng tài trợ chi phí.
Trước đó, hồi tháng 4/2016, hãng TASS dẫn tuyên bố Chuẩn đô đốc James Siring rằng, Mỹ sẽ phát triển thành công vũ khí laser có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo trong 5 năm tới.
"Chúng tôi đã có đủ công nghệ để phát kiến dòng vũ khí laser mới mang năng lượng mạnh mẽ và hiệu quả hơn", ông J. Siring nói đồng thời tiết lộ thêm, hệ thống vũ khí laser mới rất nhỏ gọn và có thể lắp đặt trên máy bay quân sự.
Quá nhiều vấn đề
Tuy nhiên, theo Subrata Ghoshroy, chuyên gia nghiên cứu chương trình khoa học, công nghệ và xã hội của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), để bắn hạ được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, chắc chắn vũ khí laser cần cường độ tối thiểu 1 Mw.
Trong khi đó, hệ thống vũ khí laser chiến thuật Mỹ sắp thử nghiệm trên máy bay chỉ có công suất rất khiêm tốn là 150 kw. Với công suất vũ khí laser này, Mỹ chỉ có thể bắn hạ máy bay không người lái hoặc tàu thuyền cỡ nhỏ.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, điều khó nhất cho ứng dụng vũ khí laser trong tác chiến là có được thiết bị năng lượng laser cần thiết trong giới hạn về kính thước, trọng lượng và cường độ (Lầu Năm Góc gọi vấn đề này là SWAP) của các phương tiện tàu chiến, máy bay, xe tăng…
Hơn nữa, vũ khí laser còn có thể bị khắc chế bởi vấn đề môi trường không khí như bụi, độ ẩm, sương mù, những thứ thẩm thấu và làm phân tán năng lượng laser. Ngoài ra, xáo động khí quyển cũng làm suy yếu dòng ánh sáng bức xạ.
Như vậy, khi các hạt photon trong tia laser đi xuyên qua trở ngại khí quyển đó chúng vẫn phải duy trì đúng hướng và cường độ đủ mạnh để tiêu diệt mục tiêu. Đồng thời, người bắn laser cũng phải tính đến yếu tố liên quan chuyển động của mục tiêu, chuyển động của vũ khí trong điều kiện kể trên.
Khó khăn tiếp tiếp theo Mỹ vẫn chưa thể khắc phục theo Subrata Ghoshroy nhận định đó là để đưa laser cực mạnh ra ứng dụng trên chiến trường cần phải có kích cỡ đủ nhỏ gọn để vận hành trong môi trường chiến đấu, mà vẫn phải đủ mạnh để tiêu diệt mục tiêu.
Chùm laser khí gas đủ mạnh để tấn công nhưng lại cần dòng điện quá lớn nên quá cồng kềnh. Laser hóa học có lợi thế về yêu cầu dòng điện không cao nhưng cũng như laser nền tảng khí gas, thiết bị quá cồng kềnh. Laser trên nền tảng vật chất thể rắn nhỏ gọn nhưng dòng cường độ thấp nên không bắn được xa.
Trước thực tế này, chuyên gia Subrata Ghoshroy khẳng định những tuyên bố của giới quân sự Mỹ về những thành tựu đã đạt được về vũ khí laser được coi chỉ là lời nói quá.
Ưu tiên Nga hơn NATO, Chính phủ Mỹ có “mắc sai lầm chết người”?
Việc Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson định thay đổi lịch trình đến Nga trước NATO được cho là sẽ tạo ra một “ấn tượng sai lầm” về ưu tiên của Mỹ.