Mỹ: Tranh cãi vụ hủy bỏ lá phiếu của cử tri qua đời vì ung thư, COVID-19

Amber Pflughoeft cười rạng rỡ khi kịp điền vào lá phiếu của mình trước khi trút hơi thở cuối cùng. Tuy nhiên, lá phiếu của cô gái 20 tuổi giờ sẽ bị hủy bỏ, theo luật của bang Wisconsin.

05:00 02/11/2020

Bệnh nhân ung thư bỏ phiếu trước khi qua đời

Mẹ của Amber - bà Tiffany Pflughoeft cho biết con gái đã chiến đấu với căn bệnh ung thư xương trong một thập kỷ, nhưng luôn tỏ ra quan tâm đặc biệt đến chính trị.

Trước đó, Amber không thể tham gia bầu cử giữa nhiệm kì vì phải nằm viện cấy ghép tủy xương. Nhưng năm nay, cô quyết tâm bỏ phiếu.

Bà Tiffany cho biết con gái đã cười rạng rỡ với niềm tự hào khi lần đầu tiên được điền vào lá phiếu bầu Tổng thống.

Mỹ: Tranh cãi vụ hủy bỏ lá phiếu của cử tri qua đời vì ung thư, COVID-19 - ảnh 1

Amber Pflughoeft trên giường bệnh. Ảnh: CNN

Vài ngày sau khi Amber gửi lá phiếu qua đường bưu điện, tình trạng sức khỏe của cô đột ngột chuyển biến xấu. Amber trở lại bệnh viện và qua đời vào cuối tháng 9.

Giờ đây, lá phiếu của Amber sẽ bị hủy bỏ theo luật bầu cử của Wisconsin. Cô là một trong số hàng chục công dân Wisconsin bị hủy bỏ phiếu bầu vì qua đời sau khi bỏ phiếu sớm, theo dữ liệu của Ủy ban Bầu cử tiểu bang.

“Amber rất vui mừng. Con bé qua đời vào thứ Hai, nhưng ngày thứ Bảy trước đó, Amber đã nói với tất cả các y tá và bác sĩ rằng cháu đã bỏ phiếu. Chúng tôi không biết rằng lá phiếu của Amber sẽ không được tính”, bà Tiffany nói.

Bệnh nhân COVID-19 bầu cho ông Trump xong mới yên tâm nhập viện

Ông Marvin Thielman (84 tuổi) ở Chilton (bang Wisconsin) đã qua đời vì COVID-19 trong tháng 10 sau khi gửi lá phiếu qua đường bưu điện.

Ông Thielman là người ủng hộ Tổng thống Trump, và đã cố gắng điền phiếu trước khi nhập viện.

Vợ ông Thielman - bà Mildred - cho biết: “Tôi không thể hiểu tại sao phiếu không được tính,” Mildred nói. "Nó quan trọng đối với anh ấy."

Trong thời gian xảy ra đại dịch, vợ chồng ông Thielman đã đeo khẩu trang và ở nhà nhiều nhất có thể. Nhưng vào một buổi sáng, ông Thielman - vốn có tiền sử bệnh tim và tiểu đường - bất ngờ thức dậy và kêu khó thở.

Bà Mildred đưa chồng đến bệnh viện, và ông được chẩn đoán mắc COVID-19.

Vợ chồng bà Mildred nói chuyện qua điện thoại mỗi ngày, nhưng ông Thielman vẫn không được gặp vợ trước khi mất.

Dù mắc bệnh, ông Thielman vẫn không đổ lỗi cho Tổng thống Trump. Và ông muốn rằng lá phiếu của mình sẽ được tính.

“Ông ấy tin rằng Tổng thống đã làm tất cả những gì có thể. Bởi đó là vấn đề toàn cầu. Không ai có thể làm gì được”, bà Mildred nói.

Tranh cãi quy định hủy phiếu của cử tri đã khuất

Các bang trên toàn nước Mỹ hiện đang tranh cãi về việc có nên kiểm phiếu của những người bỏ phiếu sớm nhưng qua đời trước ngày bầu cử hay không.

Hiện có ít nhất 10 bang cho phép kiểm đếm phiếu của người đã khuất. Nhưng cũng có hơn 10 bang khác từ chối phiếu bầu kiểu này.

Các bang chiến địa là Wisconsin, Iowa, Michigan, Bắc Carolina và Pennsylvania không tính phiếu của cử tri đã qua đời. Trong khi Arizona, Florida, Georgia và Ohio thì có.

Đã có một số sự cố được ghi nhận liên quan đến nỗ lực gian lận bầu cử dựa trên các cử tri đã khuất.

Hôm thứ Sáu, các quan chức bầu cử ở Hạt Broward, Florida, cho biết họ đã nhận được khoảng 50 đơn đăng ký cử tri, hầu hết trong số đó liệt kê tên của những người đã được xác minh là đã qua đời, và tất cả đều được đóng dấu bưu điện từ Columbia, Nam Carolina, không có địa chỉ trả lại.

“Dù chúng tôi rất thương tiếc những người đã khuất, nhưng luật Wisconsin quy định rõ ràng rằng lá phiếu vắng mặt sẽ không được tính nếu cử tri qua đời trước ngày bầu cử. Luật không thay đổi”, Reid Magney, người phát ngôn của Ủy ban Bầu cử Wisconsin, nhấn mạnh.

“Một số bang có quan điểm rằng: ngày bầu cử là ngày bỏ phiếu chính thức. Nếu bạn không còn sống vào ngày bầu cử, thì lá phiếu của bạn không được tính. Còn ở các bang khác, nếu bạn đã bỏ phiếu sớm, thì lá phiếu của bạn vẫn được tính”, bà Wendy Underhill, một quan chức bầu cử Mỹ nói. “Các bang hiện vẫn chưa thống nhất về quan điểm của mình.”

Link nguồn: https://www.tienphong.vn/the-gioi/my-tranh-cai-vu-huy-bo-la-phieu-cua-cu-tri-qua-doi-vi-ung-thu-covid19-1743852.tpo

Tags:
Halloween giữa đại dịch Covid-19 tại Mỹ

Halloween giữa đại dịch Covid-19 tại Mỹ

Halloween là một lễ hội xuất phát từ phương Tây và đã du nhập vào Việt Nam, được tổ chức vào đêm ngày 31/10 hàng năm với nhiều hoạt động vui vẻ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất