Mỹ trừng phạt hai công ty Trung Quốc giúp Triều Tiên né lệnh cấm vận

Các công ty Trung Quốc bị đóng băng tài sản ở Mỹ do bị nghi ngờ thực hiện các giao dịch hàng hóa bị cấm với Triều Tiên.

03:30 23/03/2019

Tàu Ji Song 6 mang cờ Triều Tiên được nhìn thấy trên Biển Hoa Đông hồi tháng 5/2018. Ảnh: Reuters.

Tàu Ji Song 6 mang cờ Triều Tiên được nhìn thấy trên Biển Hoa Đông hồi tháng 5/2018. Ảnh: Reuters.

Bộ Tài chính Mỹ hôm qua tuyên bố trừng phạt hai công ty vận tải quốc tế của Trung Quốc là Dalian Haibo và Liaoning Danxing vì giúp Triều Tiên tránh các lệnh cấm vận, đồng thời cho biết họ đang cập nhật cảnh báo về hoạt động vận chuyển trái phép của Bình Nhưỡng, Yonhap đưa tin. 

Dailian Haibo bị cáo buộc cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoặc hỗ trợ cho Paeksol, công ty thương mại Triều Tiên bị trừng phạt do tham gia giao dịch than và kim loại và có thể đem lại nguồn thu cho chính phủ. 

Trong khi đó, Liaoning Danxing được cho là hoạt động trong ngành công nghiệp vận tải ở Triều Tiên và "thường xuyên thực hiện các hành vi gian lận" để giúp giới chức Triều Tiên mua nhiều mặt hàng cho chính phủ. Hai công ty Trung Quốc đã bị đóng băng những tài sản ở Mỹ và thuộc kiểm soát của công dân Mỹ. 

Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 2/2018 cho biết các cảng ở Triều Tiên tiếp nhận ít nhất 263 chuyến tàu chở dầu trong năm 2017. Nếu những tàu này chở đầy tải, Triều Tiên có thể đã nhập khẩu 3,78 triệu thùng dầu, gấp 7,5 lần so với số lượng được Liên Hợp Quốc cho phép. 

Trong bản cảnh báo mới, Washington công bố thêm tên của 71 tàu, ngoài 24 tàu được liệt kê vào năm ngoái, được cho là tham gia hoạt động vận chuyển dầu trái phép hoặc giúp Bình Nhưỡng xuất khẩu than. Một trong các tàu bị nghi ngờ là Lunis, được xác định đăng ký tại Hàn Quốc. 

Theo Bộ Tài chính Mỹ, Triều Tiên đã sử dụng một loạt biện pháp vận chuyển gian lận, bao gồm vô hiệu hóa hoặc chỉnh sửa Hệ thống Nhận dạng Tự động lắp đặt trên các tàu hàng, chuyển các thùng hàng từ tàu này sang tàu khác trên biển thay vì tiến hành dỡ hàng tại cảng, làm giả giấy tờ về hàng hóa và tàu.

"Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực thi các biện pháp trừng phạt để chứng tỏ rằng những công ty vận tải sử dụng chiến thuật gian lận nhằm che giấu giao dịch bất hợp pháp với Triều Tiên đang tự đặt mình vào nguy cơ lớn", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu. 

Lệnh trừng phạt mới của Washington được đưa ra sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng trước không đạt được thỏa thuận nào do những bất đồng về phạm vi phi hạt nhân hóa và các lệnh trừng phạt của Mỹ. 

Lần gần đây nhất Washington ban hành lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng là hồi tháng 12/2018, nhắm tới Choe Ryong-hae, phụ tá thân cận của Kim Jong-un, với cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Chiến lược đối kháng Trung Quốc của quân đội châu Âu ở Biển Đông

Chiến lược đối kháng Trung Quốc của quân đội châu Âu ở Biển Đông

Các nước châu Âu sẽ tăng cường hiện diện, bao gồm gia tăng hoạt động hàng hải, để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất