Mỹ, Trung với cuộc cạnh tranh siêu cường kiểu mới, không giới hạn

Cuộc gặp của Tổng thống Trump và ông Tập ở hội nghị thượng đỉnh G20 cho thấy điều chưa từng tồn tại kể từ sau Chiến tranh Lạnh: thế giới ngày càng phân cực trong cuộc cạnh tranh mới giữa hai siêu cường, với hậu quả ảnh hưởng khắp thế giới.

08:30 02/07/2019

Khi Tổng thống Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối tuần trước ở Osaka để thảo luận các tranh chấp thương mại, họ đối mặt nhau ở một quốc gia từng là đối thủ thương mại chính và được coi là mối đe dọa đối với sự thống trị của Mỹ.

Nhưng cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Nhật Bản, quốc gia lần đầu tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20, đã chuyển thành cuộc cạnh tranh bình thường giữa các doanh nghiệp sau làn sóng lo lắng của Mỹ vào những năm 1980. Nhật Bản đã trải qua vài thập kỷ trì trệ và bị Trung Quốc vượt qua để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào năm 2010.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt trạng thái cân bằng tương tự - bất chấp thỏa thuận "đình chiến" được hai bên đưa ra hôm 29/6.

Nhật Bản là một nền dân chủ có liên minh quân sự với Mỹ, trong khi Trung Quốc rất có thể tìm cách thay thế sự thống trị của quân đội Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương.

My, Trung voi cuoc canh tranh sieu cuong kieu moi, khong gioi han hinh anh 3

Đối với các quan chức Mỹ, rủi ro lần này dường như cao hơn nhiều so với cuộc đua với Nhật Bản. Hầu hết nhà kinh tế ước tính Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong 10-15 năm tới.

Mặc dù ông Trump không ngừng ca ngợi ông Tập, nói họ “sẽ luôn là bạn bè”, cách nhìn Trung Quốc như một lực lượng ảnh hưởng nguy hiểm, ghê gớm hơn Liên Xô, ngày càng phổ biến trong chính quyền Washington.

Chiến lược an ninh quốc gia do Nhà Trắng ban hành tháng 12/2017 gióng lên hồi chuông cảnh báo: Mỹ đang bước vào kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực lớn, trong đó Trung Quốc và Nga muốn định hình một thế giới chống lại các giá trị và lợi ích của Mỹ.

My, Trung voi cuoc canh tranh sieu cuong kieu moi, khong gioi han hinh anh 4

Kể từ đó, bị phân tâm bởi Iran và các vấn đề chính sách đối ngoại khác, ông Trump và các quan chức nội các thất bại trong việc vạch ra một chiến lược mạch lạc.

Điều đó khiến các quan chức chính quyền phải vật lộn để xây dựng chiến lược tiếp cận với Trung Quốc có đầy đủ các yếu tố từ cạnh tranh, phòng ngừa cho tới tương tác mang tính xây dựng.

Theo New York Times, các cố vấn thân cận nhất của ông Trump về Trung Quốc đang chia rẽ về chiến lược. Các quan chức chính sách đối ngoại hàng đầu của ông, John R. Bolton và ông Pompeo, thúc đẩy các chính sách cứng rắn - tương tự Peter Navarro, cố vấn thương mại, tác giả cuốn sách luận chiến và phim tài liệu “Cái chết bởi Trung Quốc”. Phía đối lập là các ông trùm tài phiệt, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Stephen A. Schwarzman và Steve Wynn.

Các quan chức ở tầng giữa đang hình thành ý tưởng riêng của họ. Quan điểm về một cuộc xung đột ý thức hệ đã được Kiron Skinner, người đứng đầu nhóm quy hoạch chính sách tại Bộ Ngoại giao, đưa ra trong một thảo luận tại Washington vào ngày 29/4.

“Đây là cuộc chiến với một nền văn minh thực sự khác biệt và hệ tư tưởng khác. Mỹ chưa từng trải qua điều này”, bà nói.

“Liên Xô và cuộc cạnh tranh trước đây, theo cách nào đó, là cuộc chiến trong gia đình phương Tây”, Skinner nhận xét. "Lần đầu tiên chúng ta có cuộc cạnh tranh siêu cường mà không phải giữa những người da trắng". 

Không giống cuộc xung đột của Mỹ với Liên Xô, cuộc đối đầu với Trung Quốc không xuất phát từ cạnh tranh về ý thức hệ hay quân sự, mà là vấn đề kinh tế. Washington tin rằng họ đang bị Bắc Kinh thách thức.

Dưới thời Tổng thống Trump, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tách rời nhau. Mỹ dần giới hạn các chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu kết nối với Trung Quốc, các chuỗi mà hầu hết quốc gia khác phụ thuộc.

My, Trung voi cuoc canh tranh sieu cuong kieu moi, khong gioi han hinh anh 5

Financial Times cảnh báo rằng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là "sự phát triển địa chính trị quan trọng nhất trong thời đại của chúng ta". Họ lập luận rằng nó "sẽ ngày càng buộc những người khác phải chọn phe hoặc đấu tranh mạnh mẽ vì sự trung lập" và “nó có nguy cơ biến mối quan hệ có thể kiểm soát được, mặc dù phiền phức (với Trung Quốc) thành xung đột toàn diện mà không có lý do chính đáng”.

Hiện tại, chính phủ Mỹ đang gây sức ép buộc phần còn lại của thế giới có lập trường rõ ràng. Với Huawei, trong nhiều tháng, Washington gây áp lực buộc các nước ngừng hợp tác với nhà cung cấp thiết bị mạng gây tranh cãi của Trung Quốc.

Vào tháng 5, chính quyền đã thêm công ty này vào danh sách đen và cấm các công ty làm việc với Huawei mà không có sự cho phép của chính phủ. Các công ty Mỹ như Google và Intel đã tuyên bố sẽ chấm dứt mối quan hệ làm ăn với Huawei.

Hơn 140 công ty Trung Quốc trong lĩnh vực điện tử, hàng không vũ trụ, chất bán dẫn và kỹ thuật, đã có tên trong danh sách. Washington coi họ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, đang tìm cách gây khó khăn hơn cho các quốc gia khác và cho các công ty có quan hệ với Mỹ muốn hợp tác với họ.

Thượng viện Mỹ đã khởi động phiên điều trần vào ngày 17/6 về một gói thuế quan mới sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm trị giá 300 tỷ USD. Nếu nó được thông qua, gần như tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị đánh mức thuế cao. Cả Trung Quốc và phần lớn các công ty Mỹ bị ảnh hưởng đang đấu tranh.

Trong số 50 công ty được mời tham dự phiên điều trần, 47 doanh nghiệp đã lên tiếng chống lại mức thuế mới. Chỉ có hai đơn vị ủng hộ. Trong lá thư gửi Robert Lighthizer, nhà đàm phán với Trung Quốc của ông Trump, Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo gói thuế quan mới sẽ "mở rộng đáng kể tác hại đối với người tiêu dùng, công nhân, doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ".

Cách tiếp cận gợi nhớ đến chiến lược của Washington với Iran: đi theo chúng tôi hoặc đối đầu chúng tôi.

My, Trung voi cuoc canh tranh sieu cuong kieu moi, khong gioi han hinh anh 6

Từng sử dụng quyền tiếp cận thị trường để gây áp lực chính trị trong nhiều năm, Bắc Kinh giờ tự coi mình là nạn nhân bởi các chiến lược của chính họ. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến thương mại do ông Trump khởi xướng, Trung Quốc đã phòng thủ nhiều. Nhưng bây giờ họ đang dùng chiến thuật sắc bén hơn.

Vào cuối tháng 5, Bắc Kinh công bố danh sách đen các công ty nước ngoài "không đáng tin cậy" và đe dọa sẽ ngừng xuất khẩu kim loại đất hiếm, nguyên liệu thô quan trọng cho ngành công nghiệp công nghệ cao.

Truyền thông nhà nước đang chuẩn bị cho dân chúng trong thời kỳ khó khăn phía trước: "Không ai, không lực lượng nào nên đánh giá thấp và coi thường ý chí thép của người dân Trung Quốc cùng sức mạnh và sự kiên cường chiến đấu của họ”, Quishi, một tạp chí chính trị Trung Quốc, lập luận.

Đồng thời, Bắc Kinh cũng đang điều chỉnh chính sách của mình với thực tế mới. Giới lãnh đạo Trung Quốc đang khuyến khích các doanh nhân, kỹ sư và nhà khoa học tự nâng cao và củng cố lĩnh vực công nghệ của chính Trung Quốc.

"Từ quan điểm của Trung Quốc, cuộc chiến thương mại đến quá sớm, vì chúng ta vẫn phụ thuộc vào các linh kiện của Mỹ. Nhưng nó cũng được coi là sự xác nhận chiến lược của chính chúng ta”, Max Zenglein thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc (MERICS) của Berlin nói.

Bốn năm trước, Bắc Kinh đã vạch ra kế hoạch tổng thể gọi là "Made in China 2025" cho 10 lĩnh vực công nghiệp. Bây giờ, họ đang sửa đổi kế hoạch đó theo các mục tiêu rõ ràng hơn.

Trong các lĩnh vực công nghệ cao cổ điển như sản xuất máy bay, lãnh đạo nước này sẵn sàng chấp nhận những thiếu sót. "Mặt khác, chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo đang được ưu tiên rõ ràng”, Zenglein nói.

Phó thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế quan trọng nhất và là nhà đàm phán chính của ông Tập Cận Bình, thậm chí coi cuộc xung đột thương mại đang gia tăng có ảnh hưởng tích cực đến Trung Quốc.

"Áp lực từ bên ngoài sẽ giúp chúng ta cải thiện sự đổi mới và phát triển của chính mình, vì vậy chúng ta có thể cải tổ và mở rộng bản thân nhanh hơn, đưa sự phát triển lên mức chất lượng cao hơn”, ông nói.

Tờ báo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa Global Times của Bắc Kinh trích dẫn câu nói của của nhà triết học người Đức Friedrich Nietzsche: “Điều gì không giết chúng ta làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn”. Câu trích dẫn đang được chia sẻ rộng rãi trên Internet Trung Quốc.

My, Trung voi cuoc canh tranh sieu cuong kieu moi, khong gioi han hinh anh 7

Bắc Kinh đang nuôi dưỡng tham vọng công nghệ này thông qua một chính sách đối ngoại tích cực, tăng cường các liên minh hiện có và tạo ra các liên minh mới, từ Nga đến Trung Á, Trung Đông.

Chuyến đi của ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 là chuyến công du thứ tư của ông trong tháng 6. Ông và đối thủ Donald Trump đều công du nước ngoài nhiều hơn những người tiền nhiệm.

Ông Tập dường như cũng trở nên linh hoạt hơn trong chính sách kinh tế và thương mại của mình khi nói đến EU và các nước khác. Mặc dù cho đến nay, Trung Quốc đã phản ứng với thuế quan từ Mỹ theo kiểu ăn miếng trả miếng nhưng nước này cũng đã giảm thuế một cách có chọn lọc đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác - ví dụ như tôm hùm Canada.

Tại hội nghị thượng đỉnh Con đường tơ lụa hồi đầu năm nay, khi một số nhà lãnh đạo châu Âu tới Bắc Kinh tham dự, ông Tập Cận Bình thừa nhận rằng một số chỉ trích về Trung Quốc là hoàn toàn dễ hiểu.

Ông tuyên bố những thay đổi. Ví dụ, BMW đang được phép nắm phần lớn cổ phần trong liên doanh Trung Quốc và công ty hóa chất khổng lồ BASF của Đức đã được cho phép đi đầu để xây dựng một nhà máy mà không có đối tác địa phương.

Bắc Kinh cũng đã đồng ý giảm công suất dư thừa trong ngành thép và rút đơn khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới chống lại thuế quan chống bán phá giá do EU áp dụng.

My, Trung voi cuoc canh tranh sieu cuong kieu moi, khong gioi han hinh anh 8

Nhiều quốc gia G20 chia sẻ sự dè dặt của ông Trump về Trung Quốc nhưng lo ngại rằng cuộc chiến thương mại có thể phá hủy trật tự kinh tế thế giới mà Mỹ đóng vai trò lớn trong việc xây dựng.

Lý do chủ yếu là quy mô. Trung Quốc không thể so sánh với Liên Xô hay Nhật Bản, kẻ thù của Mỹ trong những năm 1980. Mỹ và Liên Xô từng có khối lượng giao dịch 2 tỷ USD mỗi năm. Thương mại với Trung Quốc hiện là 2 tỷ USD mỗi ngày.

Nếu hội nghị thượng đỉnh ở Osaka không kết thúc bằng lệnh đình chỉ thương chiến, nó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho Trung Quốc và Mỹ, mà còn cho các quốc gia khác.

My, Trung voi cuoc canh tranh sieu cuong kieu moi, khong gioi han hinh anh 9

Châu Âu bị mắc kẹt giữa cuộc xung đột. Một mặt, Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmström nhấn mạnh cam kết của bà đối với chủ nghĩa đa phương.

"Chúng tôi rõ ràng không chia sẻ cách tiếp cận của ông Trump. Trung Quốc là đối thủ kinh tế đối với chúng tôi nhưng không phải là kẻ thù chính trị", bà nói trong cuộc phỏng vấn với Der Spiegel.

Mặt khác, EU đã tuyên bố Trung Quốc là "đối thủ có hệ thống". Các nhân vật cứng rắn ở châu Âu như cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho rằng liên minh xuyên Đại Tây Dương cần được ràng buộc chặt chẽ hơn với nhau trong nỗ lực chống lại Bắc Kinh.

Pháp và Vương quốc Anh cũng đang cung cấp hỗ trợ quân sự cho Mỹ bằng cách cho các tàu hải quân của họ thực hiện các cuộc tuần tra trên biển ở phía tây Thái Bình Dương.

Nhưng một chiến lược chính trị và kinh tế chung để chống lại Trung Quốc sẽ đòi hỏi ông Trump phải tôn trọng các đồng minh của Mỹ và cuối cùng phải giữ lời. Cả hai hiện đều không có khả năng.

Về phần mình, ông Trump đang đe dọa các đồng minh châu Âu và châu Á bằng chính những phương pháp mà ông đang sử dụng để chống lại Trung Quốc. Và ngay cả sau một năm chiến tranh thương mại, vẫn chưa rõ cuộc xung đột với Trung Quốc cuối cùng sẽ tự giải quyết như thế nào.

Thông thường, nó sẽ phụ thuộc vào hướng đi nào sẽ cung cấp con đường hứa hẹn hơn cho việc tái tranh cử của ông Trump: một thỏa thuận với đối thủ bất bình đẳng của ông, ông Tập Cận Bình, mà ông Trump có thể rêu rao như "thỏa thuận lớn nhất mọi thời đại" - hoặc sử dụng Trung Quốc như một ông ba bị quyền lực cho chiến dịch sắp tới.

Vào đầu thế kỷ 21, sẽ không còn kẻ mạnh tuyệt đối nữa.

Tags:
Thẩm phán ở California cấm TT Trump dùng tiền quân đội xây tường

Thẩm phán ở California cấm TT Trump dùng tiền quân đội xây tường

Một thẩm phán liên bang hôm Thứ Sáu, 29 Tháng Sáu, ra phán quyết cấm không cho Tổng Thống Donald Trump lấy $2.5 tỷ trong ngân sách quốc phòng để dùng xây các phần được coi là ưu tiên trong bức tường biên giới ở California, Arizona và New Mexico.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất