Mỹ, Úc siết thị thực với lao động nước ngoài
Mỹ, Úc lần lượt có những điều chỉnh về chính sách thị thực liên quan đến việc tuyển dụng lao động có tay nghề cao từ các nước khác.
20:35 19/04/2017
Không hẹn mà gặp, hai chính phủ Mỹ và Úc đều tiến hành điều chỉnh những chế độ thị thực, với mục đích kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn lao động nhập cư và bảo vệ tốt hơn công ăn việc làm cho người dân nước này.
Mỹ siết chặt thị thực H-1B
Truyền thông Mỹ hôm qua đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp ký sắc lệnh chỉ đạo các cơ quan liên bang sửa đổi chương trình thị thực H-1B vốn cho phép tuyển dụng lao động nước ngoài có tay nghề cao làm việc tại Mỹ.
Reuters dẫn lời 2 quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết Tổng thống Trump ký sắc lệnh trên vào ngày 18.4 (theo giờ Mỹ) khi đến thăm trụ sở Công ty sản xuất dụng cụ Snap-On ở thành phố Kenosha, thuộc bang Wisconsin. Đây được xem là một nỗ lực của ông Trump nhằm thúc đẩy chiến dịch “Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ” với mục tiêu cải tổ các chính sách nhập cư và khuyến khích người dân mua hàng nội địa.
Theo các quan chức trên, sắc lệnh mới nhất kêu gọi “thực thi nghiêm ngặt mọi luật lệ liên quan đến quản lý nhập cảnh của lao động nước ngoài với mục đích tạo ra mức lương cao hơn và tỷ lệ việc làm cao hơn cho người lao động tại Mỹ”.
H-1B là chương trình thị thực dành cho người nước ngoài trong các lĩnh vực “chuyên biệt” đòi hỏi trình độ học vấn cao, chẳng hạn như các chuyên gia nghiên cứu khoa học, kỹ sư hoặc lập trình viên máy tính. Mỹ đã cấp khoảng 65.000 thị thực dạng này mỗi năm và phát ngẫu nhiên 20.000 thị thực khác cho những sinh viên nước ngoài đã tốt nghiệp.
Theo Cơ quan Di trú và nhập tịch Mỹ, số đơn xin thị thực H-1B đã giảm từ 236.000 trong năm 2016 xuống còn 199.000 trong năm nay. Tuy nhiên, đa số thị thực được cấp cho các công ty thuê ngoài (outsourcing) gây ra những nghi ngờ rằng các đơn vị này dùng chúng để tuyển người làm những công việc tay nghề thấp với giá thuê rẻ.
Trong sắc lệnh mới, ông Trump yêu cầu thực hiện những biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng “gian lận và lạm dụng” trong hệ thống nhập cư Mỹ nhằm bảo vệ công dân nước này.
Chủ nhân Nhà Trắng đã có những phát biểu mạnh mẽ về việc bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ trong thời gian vận động tranh cử trước đây, thông qua khẩu hiệu nổi tiếng “Nước Mỹ trên hết”. Không ít lần tỉ phú New York đã đưa lên sân khấu những người lao động mà ông cho là nạn nhân của việc lạm dụng chương trình H-1B.
Theo tinh thần sắc lệnh mới, sắp tới các bộ Lao động, Tư pháp, An ninh nội địa, Ngoại giao sẽ phải cùng nhau rà soát tổng thể và đề ra những biện pháp cải tổ. Theo tờ The Hill, những biện pháp đó có thể là điều chỉnh thang lương quy định đối với nhân công nước ngoài, siết chặt việc kiểm tra bằng cấp hoặc xử lý mạnh tay hơn với những trường hợp vi phạm.
Úc hủy chương trình 457
Trong hôm qua, chính quyền của Thủ tướng Úc Malcom Turnbull cũng đã quyết định dành ưu tiên nhiều hơn cho lao động nội địa đối với những công việc hiện được mở ra cho người nước ngoài.
Theo tờ Sydney Morning Herald, ông Turnbull ngày 18.4 tuyên bố Úc sẽ bãi bỏ chương trình thị thực 457 dành cho lao động nước ngoài có tay nghề. Thay vào đó sẽ là một chế độ thị thực được thiết kế nhằm tuyển dụng “những người giỏi nhất và sáng láng nhất” với những cuộc kiểm tra năng lực tiếng Anh gắt gao hơn cùng những yêu cầu thử nghiệm thị trường khắt khe hơn.
“Chúng ta đang đặt việc làm lên hàng đầu và đặt người Úc lên trên hết. Chúng ta là một quốc gia nhập cư nhưng thực tế là lao động Úc phải được ưu tiên làm công việc của Úc”, ông Turnbull viết trên Facebook.
Chương trình thị thực 457 ra đời nhằm đáp ứng tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề ở Úc và cho phép người được cấp mang thân nhân đến Úc bằng thị thực thứ cấp. Tuy nhiên, chương trình này đã gây tranh cãi với những cáo buộc rằng nó đang bị các chủ sử dụng lao động lạm dụng để đưa lao động giá rẻ vào Úc, chứ không phải là để lấp lỗ hổng lao động có tay nghề. “Chúng tôi sẽ “kết liễu” loại thị thực 457. Nó đã đánh mất sự tin cậy”, Reuters dẫn lời ông Turnbull phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Canberra hôm qua.
Chương trình 457 hiện được khoảng 95.000 lao động nước ngoài sử dụng và những người hiện ở Úc theo chương trình này sẽ không bị ảnh hưởng bởi quy định mới.
Dự kiến danh mục ngành nghề đủ điều kiện đăng ký thị thực mới sẽ được giảm xuống thay vì hơn 200 như hiện hành. Hiệu lực thị thực sẽ được giới hạn còn 2 năm, và thị thực lần 2 với thời hạn 4 năm sẽ đòi hỏi tiêu chuẩn tiếng Anh cao hơn. Cả hai loại thị thực đều yêu cầu người xin cấp có kinh nghiệm làm việc.
Bên cạnh việc đặt tiêu chuẩn cao hơn đối với lao động nước ngoài, Úc cũng chú trọng phát triển lực lượng lao động bản địa có tay nghề. Cụ thể, chính quyền của Thủ tướng Turnbull sẽ thành lập một “quỹ đào tạo mới” để người Úc khắc phục những cách biệt về kỹ năng.
Quy mô tài chính của quỹ này hiện chưa được công bố. “Các biện pháp cải cách của chúng tôi sẽ có một trọng tâm hết sức đơn giản, đó là việc làm của Úc và giá trị của Úc”, ông Turnbull nhấn mạnh
Trùng Quang
Định cư Mỹ theo diện làm việc EB3 và những điều cần biết
Định cư Mỹ theo diện làm việc EB3 và những điều cần biết