Nam du học sinh Việt thức trắng rửa bát thuê và trở thành giáo sư khi mới 31 tuổi: Tôi cảm thấy tuyệt vọng khi 18 tuổi
'Hai cảnh tượng đối lập nhau mà tôi không thể quên trong buổi tối hôm ấy. Nhưng đó là những ngày tháng giúp tôi trưởng thành'.
21:00 22/10/2021
‘Buổi tối hôm ấy, trong sảnh nhà hàng buffet đang rất đông khách, họ cười nói vui vẻ cùng bạn bè và người thân trước thềm Giáng sinh. Phía sau, không gian nóng nực, bẩn thỉu và đầy mùi đồ ăn thừa; hàng chồng bát đĩa lên tới hàng nghìn chiếc cứ lần lượt được đưa tới. Trên ghế ở góc phòng, còn là sách vở tôi chuẩn bị cho môn thi ngày hôm sau. Cảm giác tuyệt vọng ấy, ở tuổi 18, tôi không bao giờ quên được’.
Được truyền cảm hứng từ người bố mắc bệnh ung thư
Khi được hỏi tại sao chọn ngành Sinh học và tại sao lại là nước Pháp cho tấm bằng cử nhân, tiến sĩ Đặng Đức Huy (sinh năm 1988) chia sẻ: ‘Bố tôi được chẩn đoán bệnh ung thư máu năm 1996, khi đó tôi mới 8 tuổi. Năm 2004, bố mất. Mẹ tôi kể giấc mơ cuối cùng của bố ngay trước đêm đó là thấy con trai được đi học ở Pháp, vì bố tôi có những mối liên kết chặt chẽ với đất nước này’.
‘Sau khi bố mất, tôi đã chọn học Sinh học tại ĐH Toulon (Pháp) với mong muốn tìm hiểu về các cơ chế sinh học tế bào và miễn dịch để tìm ra một phương pháp kiểm soát ung thư’.
Sau khi hoàn thành bằng cử nhân, Huy được ĐH Nice nhận vào học Thạc sĩ ngành Sinh học tế bào, phát triển và miễn dịch, nhưng vì không có hỗ trợ tài chính nên anh đã chọn ở lại ĐH Toulon học ngành Hoá học môi trường.
‘Tuy hoàn toàn thay đổi hướng nghiên cứu nhưng cuối cùng, mối quan tâm của tôi vẫn không thay đổi. Hiện tôi đang tập trung nghiên cứu đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường lên hệ sinh thái và sức khỏe con người. Thay vì nghiên cứu tìm ra cơ chế và cách chữa ung thư thì tôi rất vui vì đang nghiên cứu một trong nguồn gốc trực tiếp gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đó chính là ô nhiễm môi trường’.
5 năm phụ bếp, rửa bát thuê ở nước Pháp
Năm 26 tuổi, Đặng Đức Huy tốt nghiệp Tiến sĩ Hoá học môi trường. Năm 30 tuổi, anh được bổ nhiệm làm giáo sư trợ lý ĐH Trent (Canada). Cùng với đó, từ năm 2019, anh đảm nhận vị trí Phó Tổng biên tập Tạp chí Archives of Environmental Contamination and Toxicology (Q2) của nhà xuất bản danh tiếng Springer.
Con đường học tập, nghiên cứu của anh nhìn qua có vẻ thuận buồm xuôi gió, nhưng ít ai biết để đạt được những thành quả ấy, anh cũng phải lăn lộn vừa học vừa làm như nhiều du học sinh khác.
‘Năm 2006, tôi vay 2.000 Euro từ người thân để chuẩn bị cho con đường du học của mình và rất may mắn có được sự giúp đỡ của gia đình một người chị họ ở Pháp. Tôi đi làm thêm tất cả các buổi tối và cuối tuần trong suốt 5 năm đầu tiên ở Pháp. Lúc thì bán hàng cho tiệm đồ ăn nhanh, khi thì phụ bếp, rửa bát, đi hái nho...’.
‘Tôi không nghĩ làm khoa học là một công việc khô khan. Người làm khoa học cần phải sáng tạo mỗi ngày’.
Một ngày điển hình của anh là lên lớp từ 8 giờ sáng đến 5 rưỡi tối. Từ 6 giờ tối, anh tiếp tục làm công việc rửa bát ở nhà hàng, cuối tuần thì làm 2 ca.
‘Tôi không thể quên được kỳ thi cuối kỳ năm đầu tiên khi tôi 18 tuổi. Ở Pháp, kỳ thi cuối kỳ rất quan trọng. Mỗi kỳ có tới 10-11 môn, thi trong vòng 1 tuần, tức là mỗi ngày 2-3 môn. Lúc đó tôi làm rửa bát trong một tiệm buffet và vẫn tranh thủ làm bình thường để giữ việc. Thời điểm cuối năm, tiệm rất đông khách vì gần đến Giáng sinh. Buổi tối trước khi thi môn Sinh học phân tử và tế bào - một môn rất nhiều kiến thức phải ghi nhớ, tôi có mang bài vở đến chỗ làm. Đúng hôm đó, máy rửa bát hỏng.
Hai khung cảnh tối đó hoàn toàn đối lập nhau: khách đến nhà hàng thì cười nói vui vẻ, sum họp cùng bạn bè và người thân. Phía sau căn bếp, tôi phải rửa hàng nghìn chiếc đĩa giữa không gian nóng nực, bẩn thỉu và đầy mùi đồ ăn thừa. Cảm giác lẫn lộn giữa mệt mỏi về thể chất và áp lúc tinh thần ấy tôi không bao giờ quên được’.
Nhưng anh cũng khẳng định, 5 năm đầu tiên đầy khó khăn ấy đã giúp anh trưởng thành và học được nhiều điều. ‘Tôi chưa bao giờ hối hận. Nếu không có thử thách thì sẽ không có thành công’ – anh nói. ‘Tôi tin chắc những khó khăn đó cũng là thử thách hàng ngày của rất nhiều du học sinh Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Tôi muốn chia sẻ những khó khăn đó với các thế hệ du học sinh Việt Nam và hy vọng gia đình và bạn bè trong nước sẽ hiểu và chia sẻ với khó khăn của con em mình ở nước ngoài.’
Người làm khoa học cần trung thực và hiếu kỳ
Tại ĐH Trent, ngoài công việc giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, anh còn đang xây dựng một phòng thí nghiệm và dẫn dắt một nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực hoá học môi trường.
Anh nói: ‘Làm khoa học nói chung và làm khoa học ngày nay rất gian nan. Chúng ta đang phải đối mặt với áp lực công bố khoa học từ nhiều phía, với rất nhiều tạp chí ma và đánh giá của cộng đồng. Điều cần thiết nhất của người làm khoa học là tính trung thực và dám đối mặt với bệnh thành tích’ – Huy chia sẻ.
Huy cũng cho rằng, những người chọn con đường nghiên cứu khoa học phải thực sự có đam mê và nên giữ cho mình sự hiếu kỳ. ‘Và quan trọng nhất vẫn là giữ được đạo đức khi làm khoa học’.
Hy vọng Việt Nam không phải đánh đổi
‘Tôi hy vọng chúng ta sẽ không phải đánh đổi tài nguyên thiên nhiên và sức khỏe con người Việt Nam để tăng trưởng kinh tế'.
Chia sẻ về định hướng nghiên cứu của mình, Huy cho biết việc đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường lên hệ sinh thái và sức khoẻ con người là một lĩnh vực có liên quan trực tiếp tới Việt Nam trong bối cảnh đất nước đang phát triển kinh tế mạnh mẽ.
‘Trong những năm tới, tôi sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ở Việt Nam, đặc biệt là về vấn đề ô nhiễm rác thải công nghệ và sử dụng tài nguyên nước’.
Anh hy vọng định hướng nghiên cứu này sẽ giúp cho đất nước có thể phát triển kinh tế, đặc biệt là các ngành công nghiệp công nghệ cao một cách bền vững – ‘nghĩa là chúng ta có thể đạt tới một mô hình kinh tế xã hội thân thiện với môi trường’.
‘Tôi hy vọng chúng ta sẽ không phải đánh đổi tài nguyên thiên nhiên và sức khỏe con người Việt Nam để tăng trưởng kinh tế. Định hướng này cũng phù hợp với xu thế phát triển bền vững của thế giới’.
Công bố quốc tế năm 2015 của Đặng Đức Huy trên tạp chí Environmental Science & Technology về đồng vị chì (Pb) trong môi trường trầm tích, nước và sinh vật biển đã góp phần thúc đẩy Chính quyền vùng PACA chi 93 triệu Euro nhằm nghiên cứu phục hồi môi trường biển ở cảng Toulon để giảm thiểu tác động của ô nhiễm chiến tranh.
Sau khi tốt nghiệp Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), mặc dù học tập và sinh sống ở nước ngoài suốt 14 năm qua nhưng anh luôn tâm niệm, tất cả cống hiến của các nhà khoa học người Việt dù ở đâu cũng đều mang tên Việt Nam. Và dù ở đâu, người Việt Nam cũng có thể đóng góp tài trí của mình cho đất nước.
‘Đó có thể là kinh nghiệm sống mà chúng tôi có thể chia sẻ cho các thế hệ sau’.
Cụ thể, anh đang trong quá trình tổ chức một hội thảo sinh viên quốc tế ở TP. HCM vào tháng 10/2020 để giúp các bạn trẻ Việt Nam có cơ hội trao đổi trực tiếp với bạn bè quốc tế, hợp tác trong khoa học cũng như tìm hiểu về môi trường học thuật quốc tế.
Trong thời gian tới, anh cũng có kế hoạch hợp tác với các đồng nghiệp ở các trường đại học ở Việt Nam để cùng phát triển nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường.
Cuộc đua giành ghế ở Quốc hội Mỹ 'ngập' tiền
Những khoản tiền lớn đang đổ vào các cuộc chiến giành ghế Hạ viện và Thượng viện dù hơn một năm nữa cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mới diễn ra.